Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Dùng mẹo giải rượu dịp Tết, tưởng tốt mà nguy hiểm khôn lường

12:05, 02/02/2019
Nhiều người thường có thói quen áp dụng các mẹ giải rượu dân gian dịp Tết mà không biết rằng chúng không hề có tác dụng, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho cơ thể.

Dịp Tết, nhiều người thường truyền tai nhau những mẹo giải rượu bia với hy vọng có thể uống mãi không say và uống say không mệt. Theo đó, các bí quyết được chia sẻ nhiều bao gồm uống nước trà chanh, nước gừng, nước cà chua, vitamin C, ăn no bụng trước khi uống, uống bột sắn dây, ngửi dầu thơm… Thậm chí có cả những “bí kíp” như móc họng sau khi uống no bụng và hô thật to mỗi khi cụng ly để hơi rượu bia thoát ra, giảm say xỉn.

Nước chanh, mật ong không có công dụng giải rượu

Theo các chuyên gia, việc áp dụng các mẹo uống chanh, cà chua, sinh tố… người say có thể thấy khỏe hơn một chút là nhờ các món này cung cấp vitamin, khoáng chất để cơ thể đỡ mệt mỏi. Bởi khi say rượu bia, cơ thể sẽ khó chuyển hóa các chất khác, dẫn đến tình trạng bị thiếu chất.

Nước chanh, mật ong không có công dụng giải rượu. Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tuy nhiên, theo TS Phan Thế Đồng, giảng viên khoa Khoa học và Công nghệ, ĐH Hoa Sen TP.HCM cho rằng: "Việc uống nước chanh, cà chua, sinh tố hoàn toàn không có công dụng giải rượu. Cơ thể hấp thu rượu bia đã khiến gan phải hoạt động nhiều hơn. Việc bồi thêm nước uống này, món ăn nọ có thể làm tăng gánh nặng, quá tải cho gan".

Trả lời phóng viên, bác sĩ Ngô Đức Hùng, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cũng khẳng định việc giải rượu bằng cách uống nước chanh, quất mật ong là không có tác dụng gì.

Bởi vì khi uống vào rượu chuyển hóa thành acid lactic rồi thải ra ngoài, uống nước chanh và cà chua là cung cấp thêm acid cho máu và rượu bia làm tăng thẩm thấu máu.

Mặt khác, khi uống rượu bia vào cơ thể sẽ rất háo nước, đi tiểu nhiều lần, vì ethanol trong bia làm tăng áp lực thẩm thấu máu, dù lượng nước đưa vào cơ thể rất nhiều. Cho nên, cần phải cung cấp nước đủ, lúc này uống nước trung tính, nước quả, uống thêm vitamin B1 sẽ tốt hơn là uống nước chanh.

Móc họng khi say nguy hiểm khôn lường

Ngoài ra, các bác sĩ cũng cảnh báo việc móc họng sau khi uống rượu cũng rất nguy hiểm. Theo bác sĩ đông y Hoàng Xuân Đại, chống say rượu bằng cách móc họng cho nôn và uống thật nhiều nước để đi vệ sinh nhiều, thải hết rượu ra chỉ là giải pháp tạm thời. Thậm chí về lâu về dài cách này còn vô cùng tai hại với cơ thể. Bởi khi nôn rượu bia ra, các thức ăn cùng men tiêu hóa, dịch vị cũng sẽ ra theo gây mệt mỏi cho cơ thể.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngoài ra, khi nôn nhiều lần, có thể khiến lưỡi bị tổn thương, các cơ trong hệ tiêu hóa co bóp mạnh, có thể xước, chảy máu niêm mạc thực quản, dạ dày. Không những thế, khi nôn lượng cồn đã hấp thụ vào cơ thể sẽ vẫn lưu lại trong khi lượng thức ăn ra ngoài hết nên nếu tiếp tục uống, người ta sẽ mệt mỏi và càng dễ gây tổn thương cho dạ dày.

Theo bác sĩ Đại, để chống say rượu, chỉ có cách tốt nhất là hạn chế uống, uống vừa phải và trước khi uống cần ăn nhẹ, không để bụng đói.

Theo Đời sống Việt Nam