Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

WHO khuyến cáo không cho trẻ dưới 1 tuổi xem ti vi, điện thoại

07:35, 26/04/2019
Thời gian hợp lý để trẻ dưới 5 tuổi tiếp xúc thụ động với màn hình các thiết bị điện tử như điện thoại, ti vi, máy tính là không quá 60 phút mỗi ngày, và đặc biệt không nên để trẻ dưới 1 tuổi tiếp xúc với các loại màn hình này để đảm bảo các em phát triển khỏe mạnh.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo trên đối với các bậc cha mẹ trong khuôn khổ chiến dịch chống lại cuộc khủng hoảng béo phì trên quy mô toàn cầu.

Theo phóng viên tại Geneva, trong các khuyến nghị đặc biệt đối với trẻ dưới 5 tuổi đưa ra ngày 24/4, WHO cho biết khoảng 40 triệu trẻ em - tương đương với 6% tổng số trẻ em trên toàn thế giới - bị thừa cân, trong đó một nửa sống ở châu Phi và Đông Nam Á. Các thống kê chủ yếu dựa trên những dữ liệu về các hoạt động thụ động như xem phim hoạt hình hay nói chuyện với người thân qua mạng, thu thập ở các quốc gia như Canada và Australia. Kết quả cho thấy có đến 75% số trẻ em không có lối sống lành mạnh.

Thời gian hợp lý để trẻ dưới 5 tuổi tiếp xúc thụ động với thiết bị điện tử là không quá 60 phút mỗi ngày.
Thời gian hợp lý để trẻ dưới 5 tuổi tiếp xúc thụ động với thiết bị điện tử là không quá 60 phút mỗi ngày.

Ngoài các khuyến nghị về thời gian mà trẻ em dưới 5 tuổi có thể được tiếp xúc với màn hình điện thoại và TV, WHO cũng cho rằng các em cần hoạt động thể chất nhiều lần trong ngày và ngủ nhiều hơn. Các em nhỏ chưa đi được cũng cần hoạt động tích cực chứ không chỉ ngồi thụ động trên ghế.

Tiến sĩ Juana Willumsen, chuyên gia WHO về chứng béo phì ở trẻ và các hoạt động thể chất, khuyên các cha mẹ “nếu có thể, hãy biến thời gian thụ động của trẻ trước màn hình máy tính thành các hoạt động thể chất, đồng thời đảm bảo cho trẻ ngủ tốt. Một điều quan trọng nữa, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần dành thời gian tương tác, chơi với trẻ. Những hoạt động này rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ ngay những năm đầu đời”.

WHO cho rằng trẻ em từ 1-4 tuổi nên hoạt động ít nhất 180 phút/ngày, với các hoạt động vui chơi phù hợp như đi bộ, bò, chạy, nhảy, nhảy dây, giữ thăng bằng, leo trèo, hoạt động với các đồ chơi có bánh, đi xe đạp...

Đối với trẻ em từ 3-4 tuổi cũng cần có các hoạt động thể chất, vui chơi trong 60 phút/ngày. WHO cảnh báo mỗi năm thế giới có 5 triệu người tử vong do thiếu các hoạt động thể chất phù hợp.

Theo các chuyên gia WHO, thói quen ngồi ở nhà, ở lớp học, xem TV hay chơi trò chơi điện tử trên điện thoại, máy tính đang ngày càng phổ biến và là nguyên nhân khiến sức khỏe suy giảm.

Tiến sĩ Fiona Bull, người đứng đầu Cục Phòng chống các bệnh không truyền nhiễm của WHO, lưu ý các bậc phụ huynh sử dụng các ứng dụng trên màn hình để giúp quản lý thời gian trẻ em được tiếp xúc với màn hình.

Cuối cùng, các chuyên gia WHO nhấn mạnh mặc dù việc sử dụng máy tính trong công việc, tại trường học hay ở nhà cho các hoạt động giáo dục là cần thiết, nhưng cần phải quản lý việc sử dụng các thiết bị này, đồng thời cân nhắc các lợi ích và rủi ro liên quan.

Theo TTXVN