Thế giới

Lễ nhậm chức của Biden diễn ra thế nào?

17:23, 19/01/2021
Lễ nhậm chức của Joe Biden ngày 20/1 sẽ rất khác so với những người tiền nhiệm về quy mô và nghi thức do Covid-19 và lo ngại an ninh.

Lễ nhậm chức sẽ bắt đầu vào khoảng 11h30 (23h30 giờ Hà Nội) ngày 20/1 bằng các bản nhạc do dàn quân nhạc Thủy quân lục chiến Mỹ biểu diễn, dưới sự chủ trì của thượng nghị sĩ Roy Blunt, chủ tịch Ủy ban Lễ nhậm chức Quốc hội. Sau khi linh mục Leo J. O'Donovan tiến hành lễ cầu nguyện, ca sĩ Lady Gaga sẽ trình bày quốc ca Mỹ.

Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris dự kiến là người tuyên thệ đầu tiên trước sự chứng kiến của thẩm phán Tòa án Tối cao Sonia Sotomayor trước 12h. Sau đó, Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ được Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ John Roberts chứng nhận tuyên thệ ở mặt tây Đồi Capitol vào đúng 12h trưa như truyền thống.

Sẽ có khoảng 1.000 khách mời tham dự buổi lễ, phần đa là nghị sĩ quốc hội và khách mời của họ. Trong các lễ nhậm chức trước đây, tổng cộng 200.000 vé mời được phát cho các thành viên quốc hội, nhưng năm nay, mỗi nghị sĩ chỉ nhận được một vé khách mời.

Dàn quân nhạc tổng duyệt lễ nhậm chức của Biden ở Đồi Capitol hôm 18/1. Ảnh: Reuters.
Dàn quân nhạc tổng duyệt lễ nhậm chức của Biden ở Đồi Capitol hôm 18/1. Ảnh: Reuters.

Sau khi Biden tuyên thệ, 21 phát đại bác sẽ vang lên chào mừng. Biden sau đó sẽ có bài phát biểu nhậm chức quan trọng, trong đó tân tổng thống sẽ vạch ra chương trình nghị sự và thể hiện tầm nhìn của mình với toàn dân Mỹ và thế giới.

Một số câu nói nổi tiếng của các tổng thống trước đây sẽ được trích dẫn trong bài phát biểu nhậm chức này, như phát biểu của cựu tổng thống John F. Kennedy: "Đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn, hãy hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước".

Chi tiết về bài phát biểu của Biden đang được giữ kín, nhưng nhóm phụ trách nhậm chức cho hay ông sẽ đưa ra tầm nhìn "đánh bại đại dịch, xây dựng đất nước tốt đẹp trở lại, đoàn kết và hàn gắn quốc gia".

Khi còn là một ứng viên tổng thống, Biden nói rằng chiến dịch tranh cử của ông là "trận chiến giành lại linh hồn của nước Mỹ". Có khả năng ông sẽ dựa trên chủ đề này khi cố gắng đưa ra thông điệp hàn gắn cho một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc bởi chính trị và một đại dịch đã cướp đi sinh mạng của 400.000 người.

Những ngày gần đây, Biden đề cập tới một gói cứu trợ khổng lồ để đối phó với đại dịch và suy thoái kinh tế, đồng thời vạch ra kế hoạch đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng.

Sau bài phát biểu nhậm chức, Biden sẽ di chuyển tới mặt đông Đồi Capitol để duyệt đội danh dự, một truyền thống lâu đời nhằm giúp tân tổng thống đánh giá năng lực quân đội.

Sau đó, Biden, Harris và các cựu tổng thống Barack Obama, George W. Bush và Bill Clinton cùng phu nhân của họ sẽ tới Nghĩa trang Quốc gia Arlington để đặt vòng hoa viếng Mộ Các chiến sĩ Vô danh.

Tổng thống đắc cử sẽ được đội danh dự đại diện cho tất cả quân binh chủng của quân đội hộ tống từ Phố 15 đến Nhà Trắng, trước khi các hoạt động diễu hành ảo trên khắp nước Mỹ diễn ra vào buổi chiều.

Một trong những điểm khác biệt lớn của lễ nhậm chức năm nay là Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump sẽ phá vỡ truyền thống 150 năm qua khi tuyên bố không tham dự sự kiện. Theo thông lệ, tổng thống mãn nhiệm và các cựu tổng thống khác sẽ ngồi phía sau tân tổng thống, tượng trưng cho sự chuyển giao quyền lực hòa bình.

Theo truyền thống, sau khi phát biểu nhậm chức, tân tổng thống sẽ tiễn cựu tổng thống tới nơi đỗ trực thăng Marine One để người này rời khỏi Washington. Điều này có thể sẽ không diễn ra trong năm nay.

Biden gọi quyết định không tham dự của Trump là "một trong số ít điều tôi và ông ấy đồng thuận". Trump sẽ rời Nhà Trắng sáng 20/1 với lễ chia tay dự kiến diễn ra ở căn cứu Andrews, trước khi bay về Florida.

Phó tổng thống Mike Pence sẽ có mặt tại buổi lễ cùng các cựu tổng thống Mỹ.

Buổi lễ nhậm chức diễn ra 2 tuần sau khi người biểu tình ủng hộ Trump gây ra vụ bạo loạn ở tòa nhà quốc hội Mỹ khiến 5 người chết, nên đây sẽ là lễ nhậm chức có sự hiện diện an ninh lớn nhất trong lịch sử Mỹ.

Vệ binh Quốc gia canh gác ở một con phố gần Đồi Capitol hôm 17/1. Ảnh: AFP.
Vệ binh Quốc gia canh gác ở một con phố gần Đồi Capitol hôm 17/1. Ảnh: AFP.

25.000 Vệ binh Quốc gia sẽ được triển khai vào hôm đó để ứng phó với mối lo ngại về an ninh, gấp 5 lần số quân nhân Mỹ hiện đồn trú ở Iraq và Afghanistan. Công viên Quốc gia National Mall bị đóng cửa và khu vực xung quanh Đồi Capitol bị phong tỏa. Các con phố lớn tại trung tâm Washington bị chặn và hạn chế phương tiện đi lại.

Thị trưởng Washington Muriel Bowser đã gia hạn tình trạng khẩn cấp sau vụ bạo loạn ngày 6/1 đến hết 21/1 do lo ngại có thêm các sự cố an ninh. FBI cảnh báo biểu tình bạo lực ở toàn 50 bang trước lễ nhậm chức, khiến các tòa nhà nghị viện phải dựng rào chắn, một số bang tăng cường lực lượng hành pháp và kích hoạt Vệ binh Quốc gia.

Bất chấp lo ngại về an ninh, Biden và Harris vẫn quyết tâm tuyên thệ ngoài trời ở mặt tây Đồi Capitol. "Tôi nghĩ chúng tôi không thể nhượng bộ những kẻ cố gắng làm chúng tôi sợ hãi về họ", bà Harris nói tuần trước.

Điểm khác biệt nữa của lễ nhậm chức năm nay là lượng người tham dự. Ủy ban Lễ nhậm chức Quốc hội năm nay không bán vé dự sự kiện cho công chúng. Mỗi nghị sĩ chỉ được có một khách mời đi kèm. Nhóm chuyển giao của Biden kêu gọi người ủng hộ ở nhà.

Sự kiện sẽ được Ủy ban Nhậm chức Tổng thống phát trực tuyến.

Những hoạt động sôi động xung quanh lễ nhậm chức cũng được giảm thiểu quy mô do lo ngại về sức khỏe và an ninh. Lễ diễu hành truyền thống từ Đồi Capitol đến Nhà Trắng sẽ không diễn ra mà được thay thế bằng diễu hành ảo khắp nước Mỹ. Nhóm nhậm chức của Biden cho hay hoạt động này sẽ cho thấy "các màn trình diễn đa dạng, sôi động ở các cộng đồng khắp cả nước" và "sẽ tri ân đến những anh hùng ở tuyến đầu chống dịch của Mỹ".

Dạ tiệc nhậm chức cũng không được tổ chức và sẽ có một chương trình truyền hình đặc biệt vào tối 20/1 do tài tử Tom Hanks dẫn dắt dài 90 phút, mang tên "Chúc mừng nước Mỹ" với nhiều màn biểu diễn âm nhạc và phát biểu từ cả Biden và Harris.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện