Thế giới

Bạo loạn ở Kazakhstan: Cú lội ngược dòng giúp Nga lấy lại niềm tin từ đồng minh?

07:57, 13/01/2022
Sự can thiệp chớp nhoáng của CSTO ở Kazakhstan một lần nữa cho thấy nước Nga có những ranh giới, và bất kỳ ai cũng không thể vượt qua.

Cú lội ngược dòng của Nga ở Kazakhstan

Trong bài bình luận mới đây trên tờ Wall Street Journal về cuộc bạo loạn chưa từng có ở Kazakhstan, cây bút Ann M. Simmons nhận định rằng Nga đang nắm bắt cơ hội từ khủng hoảng để duy trì và củng cố ảnh hưởng đối với các nước thuộc Liên Xô cũ.

Trên danh nghĩa lực lượng gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), quân đội Nga danh chính ngôn thuận tiến vào Kazakhstan, chỉ vài ngày sau khi bạo loạn nổ ra ở quốc gia Trung Á này. Sự can dự của Moskva ngay lập tức làm thay đổi tình hình, lực lượng an ninh Kazakhstan dần kiểm soát lại hầu hết các thành phố lớn.

Việc Moskva công khai ủng hộ chính phủ của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã gửi một tín hiệu rõ ràng tới cả phương Tây và các nước Liên Xô cũ khác rằng Nga sẽ không ngần ngại hành động để bảo vệ các quốc gia đồng mình được Moskva xem là bất khả xâm phạm. 

Binh sĩ Nga tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Kazakhstan. (Ảnh: AP)

Trong gần 15 năm qua, Nga luôn phải gồng mình duy trì ảnh hưởng đối với các nước thuộc Liên Xô cũ kể cả bằng các giải pháp quân sự, xung đột với Gruzia vào năm 2008 là một ví dụ rõ ràng nhất. Đến các cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine và Belarus cũng đôi lần đặt nước Nga vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, bởi NATO đang từng bước nuốt trọn Đông Âu.

Do đó, Moskva không ngừng nỗ lực để các nước thuộc Liên Xô cũ xích lại gần hơn với mình, thông qua việc ủng hộ các nhà lãnh đạo có mối quan hệ tốt với Moskva, từ đó thể hiện vai trò siêu cường trong khu vực. Ở một chiều hướng khác Moskva cũng sẽ không để mặc cho các thế lực nào muốn phá vỡ sự ổn định vốn có trong không gian hậu Xô Viết.

Dĩ nhiên, phản ứng của Nga đối với cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan cũng thể hiện rõ quyết tâm của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc khẳng định lại vị thế của Moskva giữa các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Bản thân ông Putin cũng nhiều lần thể hiện quan điểm rằng sự sụp đổ của Liên Xô là “một thảm họa địa chính trị lớn” nhưng là điều không thể tránh khỏi.

Tổng thống Putin cho rằng các bên sẽ cùng có lợi khi tạo ra sự gắn kết sâu rộng hơn nữa giữa Nga và các nước cộng hòa Liên Xô trước đây thông qua các hiệp ước và tổ chức an ninh, đồng thời xem sự mở rộng của liên minh quân sự NATO về phía đông là một mối đe dọa đối với trật tự chung trong khu vực.

Tuy nhiên, việc Nga cố gắng tìm lại ảnh hưởng của mình đối với các nước thuộc Liên Xô cũ đã đẩy mối quan hệ giữa Nga và phương Tây sang trạng thái đối đầu. Đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine vào năm 2014, kéo theo đó là sự bất ổn ở miền đông Ukraine suốt 7 năm qua.

Tổng thống Putin cho rằng NATO và Mỹ đã sử dụng Ukraine để mở rộng các hoạt động quân sự đến sát biên giới của Nga, điều này buộc Moskva phải có động thái đáp trả tương xứng. Đây cũng là vấn đề chính được đưa ra thảo luận trong vòng đàm phán an ninh Nga - Mỹ tại Geneva hôm 10/1 vừa qua. 

Phản ứng của Nga đối với cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan cũng thể hiện rõ quyết tâm của Tổng thống Putin trong việc khẳng địn lại vị thế của Moskva giữa các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. (Ảnh: AP)

Quay lại với Kazakhstan, cuộc bạo loạn ở quốc gia Trung Á này không khác gì sự kiện Maidan (Ukraine) năm xưa, và Nga không thể tiếp tục làm ngơ để khu vực biên giới phía nam nước này rơi vào bất ổn trong khi vấn đề Ukraine ở phần biên giới phía Đông vẫn chưa được giải quyết.

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, một lực lượng gìn giữ hoàn bình do Moskva dẫn đầu đã được triển khai tới Kazakhstan là để dập tắt cuộc bạo loạn tồi tệ nhất trong lịch sử thời hậu Xô Viết, đồng thời khẳng định sẽ không cho phép “các cuộc cách mạng màu” tái diễn.

“Chúng tôi sẽ không cho phép hiện thực hóa cái gọi là kịch bản cách mạng màu”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.

Ông Putin cũng cáo buộc "các thế lực bên ngoài" đã can thiệp "vào công việc nội bộ của các thành viên CSTO", Tổng thống Nga cũng cho biết lực lượng CSTO chỉ ở lại Kazakhstan trong một khoảng thời gian ngắn và sẽ rút đi khi tình hình đã được kiểm soát. 

Thông tin lực lượng CSTO sẽ sớm rút đi ngay trong tháng 1 cũng được Tổng thống Tokayev đề cập trong bài phát biểu mới đây, khi tình hình an ninh ở quốc gia này đang dần được cải thiện. Điều này cũng cho thấy "chiến thắng" của Nga trong cuộc bạo loạn ở Kazakhstan.

Phát biểu của ông Putin được đưa ra vài ngày sau khi 2.500 quân Nga, Belarus, Armenia, Tajikistan và Kyrgyzstan được triển khai trên khắp các thành phố của Kazakhstan để bảo vệ các cơ sở trọng yếu theo lời đề nghị của Tổng thống Tokayev với tư cách thành viên CSTO.

Phía Nga cũng đổ lỗi cho phương Tây đang cố gắng thúc đẩy một “cuộc cách mạng màu” ở Kazakhstan – một kịch bản đã quá quen thuộc trong các cuộc “cách mạng” ở Georgia, Ukraine và Belarus trong những năm gần đây.

Nước Nga tìm lại vị thế

Maximilian Hess, một thành viên thuộc Chương trình Á-Âu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại của Mỹ nhận định, phía Nga sẽ đưa ra những lý lẽ tại cuộc đàm phán an ninh với Mỹ rằng họ có vai trò đặc biệt đối với an ninh trong không gian hậu Xô Viết và cả những khu vực khác trên thế giới, mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn nếu Moskva đứng ngoài cuộc.

Trong những năm gần đây, một loạt các cuộc khủng hoảng ở các nước láng giềng với Nga đã ít nhiều làm ảnh hưởng đến những nỗ lực của Moskva nhằm hội nhập chặt chẽ hơn với các nước thuộc Liên Xô cũ trải dài từ Trung Á đến Đông Âu. Sự bất ổn phần lớn xuất phát từ việc các quốc gia này được quản lý bởi những chính phủ yếu kém, nền kinh tế trì trệ sau nhiều thập kỷ và những bất bình đẳng trong xã hội.

 

Những khó khăn liên tục bủa vây Nga, Moskva chật vật tìm lại ảnh hưởng trong không gian hậu Xô Viết trước sự kìm kẹp của phương Tây. (Ảnh: Washington Post)

Ở những quốc gia như vậy, các chính khách có đường lối thân phương Tây lại được sự ủng hộ của người dân khi bản thân họ muốn thoát khỏi sự trì trệ, điển hình như Ukraine, Georgia và Moldova. Moskva dĩ nhiên nhiều lần cố can thiệp để sự thay đổi này không xảy ra hoặc diễn ra theo hướng có lợi cho họ bằng cách ủng hộ các thế lực thân Moskva nhưng cách tiếp cận này có dường như không hiểu quả.

Khởi đầu cho sự bất ổn xung quanh nước Nga có thể nói đến cuộc xung đột giữa Moskva và Gruzia khi quốc gia Caucasus được sự hậu thuẫn của Mỹ bất ngờ tấn công Nam Ossetia – một khu vực ly khai thân Nga. Quân đội Nga ngay sau đó đã có động thái đáp trả khi binh sĩ của nước này hứng chịu thương vong từ cuộc tấn công của Gruzia.

Kế đến cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, chính phủ thân Nga bị lật đổ. Sự kiện này cũng dẫn đến việc Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea và khơi mào cho cuộc nội chiến ở miền đông Ukraine vào năm 2014. Việc Nga mất hoàn toàn ảnh hưởng ở Ukraine chỉ ra nhiều sai lầm trong chính sách đối ngoại của Moskva khi đó. Và người Nga đã học được nhiều điều từ sự kiện Maidan.

Điều này thể hiện rõ qua việc một đồng minh khác của Nga là Belarus cũng rơi vào tình trạng bất ổn tương tự, khi chính quyền của Tổng thống Alexander Lukashenko liên tiếp đối mặt với các cuộc biểu tình dẫn đến bạo động từ phe đối lập được phương Tây hậu thuẫn. Sự can thiệp sớm của Nga ở Belarus đã giúp Minsk cứu vãn tình hình nhưng nó lại dẫn đến sự hình thành một nhà nước liên minh giữa hai quốc gia. 

Một nhà nước liên minh với Belaeus giúp Nga đứng vững trước "làn sóng" mở rộng của NATO về phía Đông, kể cả khi Ukraine gia nhập NATO. (Ảnh: Sputnik)

Còn ở Trung Á, những biến động chính trị ở Kyrgyzstan sau khi Liên Xô tan rã (1991) cũng trở thành điểm thể hiện sự cạnh tranh lợi ích giữa Moskva, Bắc Kinh và Washington. Sau nhiều thay đổi, Nga vẫn duy trì ảnh hưởng đối với chính phủ mới của Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov sau cuộc bầu cử vào năm 2020.

Nước Nga cũng dần lấy lại hình ảnh siêu cường của mình ở các nước thuộc không gian hậu Xô Viết khi đứng ra làm trung gian hòa bình cho các cuộc xung đột, mới đây nhất là cuộc chiến Nagorno-Karabakh lần 2 giữa Armenia và Azerbaijan (2020). Đây được xem là đòn bẩy quan trọng giúp Moskva duy trì và mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Tây Nam Á.

Ở các khu vực còn lại, Nga vẫn duy trì hiện diện quân sự của họ như ở Transnistria, hay Tajikistan nhằm đề phòng các mối đe dọa từ Afghanistan sau khi Taliban lên nắm quyền trở lại.

Tuy nhiên những bất ổn liên tiếp từ Ukraine, Georgia, Moldova, Belarus cho đến Kazakhstan đã chỉ ra một thực tế rằng các nước thuộc Liên Xô cũ đang trải qua “một cuộc khủng hoảng tuổi trung niên” cùng với thời gian các quốc gia này không ngừng củng cố bản sắc dân tộc mạnh mẽ hơn với các mục tiêu riêng, một số trong số đó mâu thuẫn với bản sắc và mục tiêu của Nga. Điều đó báo hiệu sự kết thúc của một giai đoạn nhất định trong sự phát triển của không gian hậu Xô Viết.

Tổng thống Nga Putin hiểu rõ điều này, khi từng phát biểu rằng "trong suốt nhiều thế kỷ nước Nga không thể bị đánh bại bởi những kẻ thù bên ngoài, mà chỉ có thể bị tiêu diệt từ bên trong".

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện