Thế giới

Nga chuẩn bị kịch bản phương Tây cô lập tài chính từ 8 năm trước

21:14, 03/04/2022
Kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu, một loạt lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm tê liệt nền kinh tế Nga và tác động mạnh tới hệ thống tài chính của nước này.
Ảnh minh họa: Getty Images
Ảnh minh họa: Getty Images

Theo tờ Fortune, Nga đã bị chặn tiếp cận hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, bị hạn chế tiếp cận 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối và hơn 17 tỷ USD tài sản của các nhà tài phiệt Nga bị thu giữ.

Nhưng trong 8 năm qua, Nga đã chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.

Vào tháng 6/2014, chỉ ba tháng sau khi sáp nhập Bán đảo Crimea, nước này đã thiết lập hệ thống thanh toán riêng để giúp xử lý các giao dịch thẻ tín dụng trong nước. Hệ thống thẻ thanh toán quốc gia của Nga (NSPK) đã tiếp tục xử lý các giao dịch thẻ tín dụng trong thời gian diễn ra cuộc giao tranh gần đây nhất ở Ukraine.

Mặc dù Mastercard, Visa, American Express, PayPal và Discover đều đã tạm ngừng hoạt động ở Nga, nhưng người Nga không gặp phải tình trạng gián đoạn như lo ngại.

Mastercard cho biết không hỗ trợ thẻ tín dụng do các ngân hàng Nga phát hành. Thay vào đó, thẻ tín dụng ở Nga hiện được xử lý qua một thứ gọi là “công tắc” do Ngân hàng Trung ương Nga điều hành.

Tiến sĩ Leo Lipis, Giám đốc điều hành công ty tư vấn ngành thanh toán Lipis Advisors, nói rằng công tắc nói trên là trung tâm liên lạc kết nối các ngân hàng khác nhau trong một mạng lưới thanh toán.

Điều này có nghĩa là người Nga dùng thẻ phát hành trong nước có biểu tượng Mastercard vẫn có thể sử dụng thẻ như bình thường.

Người phát ngôn của Mastercard đã xác nhận rằng không có khả năng chặn các giao dịch nội địa ở Nga, nhưng họ không nhận được lợi ích gì từ giao dịch tại Nga. Điều này là do Mastercard cùng với các công ty phương Tây khác đã ký một thỏa thuận để các giao dịch của họ được NSPK xử lý vào năm 2015.

Dù dùng được trong nước nhưng người Nga vẫn không dùng được thẻ tín dụng phương Tây ở nước ngoài. Các lệnh trừng phạt cũng thúc đẩy công ty thẻ tín dụng của Nga MIR. Đây là công ty phát triển dựa trên NSPK và thuộc sở hữu của Ngân hàng Trung ương Nga.

Khi MIR ra mắt vào cuối năm 2015, không mấy người Nga sử dụng thẻ này. Sau đó, chính phủ yêu cầu các nhân viên khu vực công nhận lương và trợ cấp phúc lợi phải sử dụng thẻ thanh toán MIR, từ đó tạo ra tăng trưởng mới cho công ty.

Ông Lipis nói: “Từ năm 2015, Visa và MasterCard chiếm thị trường Nga theo tỷ lệ 50-50. Vào thời điểm năm 2020, thị trường được chia sẻ cho ba bên”.

Ngày nay, MIR đã phát hành hơn 100 triệu thẻ. Khi các công ty thẻ của Mỹ rời khỏi Nga, MIR có thể dễ dàng tăng thị phần.

Trong những năm gần đây, các quốc gia khác, như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc, cũng đã phát triển hệ thống thanh toán của riêng để hạn chế ảnh hưởng của các công ty thẻ tín dụng Mỹ và hạn chế gánh nặng do lệnh trừng phạt gây ra.

Sau khi nổ ra cuộc chiến ở Ukraine, ngân hàng lớn nhất Nga Sberbank đã chuyển sang Union Pay của Trung Quốc và Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) để tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây và phát hành thẻ mới.

Union Pay có thỏa thuận với nhiều mạng thẻ tín dụng ở châu Âu và Mỹ cho phép xử lý thẻ nước ngoài thông qua hệ thống thanh toán của mình và được chấp nhận ở một số nước phương Tây, đặc biệt là ở các điểm du lịch.

Ông Lipis lưu ý rằng Union Pay của Trung Quốc có thể bị trừng phạt thứ cấp nếu cố ý giúp các ngân hàng Nga lách lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, khi nói đến xử lý các giao dịch ở nước ngoài, MIR của Nga và hệ thống thanh toán của Trung Quốc không phải là lựa chọn thay thế thích hợp cho các hệ thống thanh toán Mỹ như Visa và Mastercard. Các hệ thống này chỉ chiếm chưa đầy 0,5% tổng giá trị thanh toán được thực hiện qua SWIFT.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện