Đánh bại Mỹ, Ghana lần đầu tiên vào tứ kết World Cup
Giờ đây Ghana hướng tới mục tiêu trở thành đội đầu tiên của lục địa đen lọt vào vòng bán kết World Cup, khi đối thủ sắp tới là Uruguay được đánh giá không vượt tầm.
Asamoah Gyan mừng bàn thắng quyết định vé vào tứ kết. |
Đây là kỳ World Cup thứ hai liên tiếp, Mỹ và Ghana chạm trán nhau. Bốn năm trước, đội bóng châu Phi đã vượt qua Mỹ ở trận đấu cuối cùng vòng bảng để giành quyền đi tiếp. Năm nay kịch bản đã lặp lại. Người Mỹ không thể phục thù thành công và tiếp tục chịu thua cũng với kết quả 1-2. Kinh nghiệm và sự tinh quái của họ đã không thắng nổi sức trẻ và lối chơi nhiệt huyết của đối thủ châu Phi. Thực tế trận đấu cho thấy mỗi bên đều cố gắng bảo vệ quan điểm chiến thuật riêng: Ghana vẫn chơi tấn công hồn nhiên và cởi mở, không cần biết đối thủ là ai; còn Mỹ vẫn hy vọng sẽ lại thành công nhờ vào việc chặn đứng lối chơi, làm suy giảm tinh thần của đối thủ rồi từ đó, tận dụng thời cơ để tung ra đòn quyết định.
Nhưng ý đồ kìm hãm nhịp độ trận đấu của Mỹ đã thất bại. Khi trận đấu mới bắt đầu được vài phút Ghana đã có được bàn thắng, rồi khiến Mỹ chỉ có thể "ngồi im" trong hiệp đầu trước khi bung sức ra sau giờ nghỉ. Họ đã gỡ hoà thành công với lối chơi tấn công mạnh mẽ và lẽ ra cần phải tận dụng tốt hơn sự lỏng lẻo của hàng thủ đối phương để chiếm lấy lợi thế. Khi biết không thể ăn được đối thủ, Mỹ đã tính đến giải pháp hạ sát Ghana trong thời gian hiệp phụ hoặc trên những loạt luân lưu 11m. Vậy mà, cũng chỉ vài phút đầu hiệp phụ thứ nhất, họ lại bị giáng một đòn đau với bàn thắng thể hiện hết phẩm chất của "ngôi sao đen" tiêu biểu nhất: Asamoah Gyan. Mỹ đâu có quen thuộc với phong cách phải chơi bùng nổ ngay để lật ngược thế cờ (bằng chứng rõ rệt là sau bàn thua đầu tiên, họ cũng đâu có lập tức vùng lên mà phải đến hiệp 2 mới làm điều đó), cộng thêm sự thua thiệt về mặt thể lực so với đối thủ, thày trò Bradley đành phải chấp nhận thua cuộc. Còn với Ghana, đúng là họ phòng ngự không giỏi, hay mắc sai lầm, cũng không "mưu cao kế sâu" nhưng nguồn thể lực vô tận, lối chơi tấn công hết mình và sự ủng hộ của toàn bộ châu Phi là những lợi thế không phải ai cũng có. Nếu tiếp tục phát huy hết khả năng, đội quân của Rajevac sẽ không chỉ dừng lại ở thành tích là đội thứ 3 của châu Phi có mặt ở tứ kết (sau Cameroon và Sengeal) mà còn có thể vươn tới được đỉnh cao ở lục địa đen: ghi tên mình vào danh sách 4 đội cuối cùng ở một kỳ World Cup.
Trở lại với diễn biến chính của trận đấu thứ 2 vòng 1/8, Mỹ đã có 2 sự thay đổi so với trận trước khi Ricardo Clark và Robbie Findley quay lại đội hình xuất phát thay cho Edu và Hercules Gomez nhưng hậu vệ của AC Milan, Oguchi Onyewu vẫn phải ngồi trên băng ghế dự bị. Bên phía Ghana, Prince Tagoe không còn được ra sân do phong độ không tốt và thay vào đó là số 7 Samuel Inkoom.
Lối đá tấn công nhiệt tình của Ghana đã sớm thu được thành quả ngay ở phút thứ 5. Tiền vệ Clark đã mắc sai lầm và để Kevin-Prince Boateng cướp đuợc bóng. Sau pha dẫn bóng tốc độ trước sự theo sát của DeMerit, tiền vệ đang thi đấu ở Anh dứt điểm quyết đoán bằng chân trái vào góc gần ở gần vạch 16m50 và Tim Howard đã bị đánh bại . Đây là bàn đầu tiên của Ghana ở giải đấu này mà không phải xuất phát từ chấm phạt đền. Lần thứ 3 tại World Cup 2010, Mỹ bị đối thủ ghi bàn trước và họ cần phải tiép tục chứng tỏ phẩm chất "vua lội ngược dòng" của mình.
Kevin-Prince Boateng ghi bàn đưa Ghana vượt lên trước. |
Nhưng người Mỹ cũng chưa vội mạo hiểm dâng cao đội hình lên tấn công hòng gỡ hoà bởi thời gian vẫn còn rất nhiều. Họ duy trì lối chơi an toàn, chắc ở phần sân nhà và bình tĩnh tìm cách lên bóng về khung thành đối phương. Dù đã dẫn trước một bàn song Ghana không hề lui về phòng thủ để bảo vệ tỷ số. Họ vẫn chơi pressing trên toàn mặt sân và liên tục tổ chức tấn công dựa trên nền tảng thể lực dồi dào. Phút 18, Ghana được hưởng quả đá phạt chếch bên cánh trái, khá gần với vòng cấm và số 3 Asamoah Gyan quyết định thực hiện cú sú thẳng về cầu môn, buộc Howard phải tung người trổ tài.
Ghana càng chơi càng tự tin. Họ kiểm soát được tuyến giữa còn hàng thủ phong toả thành công cặp tiền đạo Altidore và Findley, khiến cả hai gần như mất hút ở trên sân. Nhận thấy đội nhà cần phải có sự đột biến, HLV Bradley nhanh chóng có sự điều chỉnh đầu tiên khi đưa Maurice Edu vào sân. Mãi đến phút 33, Mỹ mới tạo được cơ hội nguy hiểm đầu tiên. Jonathan Mensah phá lên bất cẩn, để bóng rơi vào chân Dempsey và tiền vệ đang thi đấu ở Premier League trong màu áo Fulham lập tức chớp lấy cơ hội khi chuyền xuống cho Findley. Tiếc là trong tư thế đối mặt với Kingson, tiền đạo 24 tuổi này lại dứt điểm quá lành và bị thủ môn Ghana dễ dàng dùng chân ngăn chặn. Ghana nhanh chóng đáp trả bằng tình huống đe doạ của Kwadwo Asamoah nhưng Tim Howard đã thi đấu tập trung và không cho Ghana nâng cao cách biệt.
Những chỉ đạo kịp thời của Bob Bradley trong giờ nghỉ cùng với việc "quân bài chiến lược" Feilhaber được tung vào sân, Mỹ đã cho thấy một hình ảnh khác hẳn trong hiệp 2. Họ tấn công mạnh mẽ, tạo ra một áp lực lớn lao, dồn ép đối thủ về phần sân nhà và hàng thủ không mấy chắc chắn của Ghana đang đứng trước những thử thách lớn lao. Phút 47, Jonathan Mensah lại có pha cản phá kém cỏi, để bóng tìm tới chân Altidore. Tiền đạo này bình tĩnh đẩy sang cho người đồng đội Feilhaber nhưng Kingson đã lao lên rất nhanh, làm hẹp góc sút của cầu thủ số 22 và khung thành Ghana vẫn an toàn. Mỹ uy hiếp từ nhiều hướng khác nhau với sự cơ động của Landon Donovan, tiền vệ được chơi tự do hơn so với hiệp đầu. Các hậu vệ của Ghana đã phải làm việc vô cùng vất vả và bắt đầu xuất hiện sự lúng túng. Song Mỹ vẫn thiếu sự chính xác và quyết đoán trong những thời điểm quyết định.
Tuy vậy, điều gì đến cũng phải đến và nỗ lực của tuyển Mỹ đã đươc đền đáp xứng đáng. Mắt xích yếu nhất trong hàng phòng ngự Ghana, Jonathan Mensah đã đốn ngã Dempsey trong vòng cấm ở một tình huống có thể dẫn tới bàn thắng và trọng tài người Hungary, Viktor Kassai ngay lập tức chỉ tay vào chấm phạt đền cùng một tấm thẻ vàng dành cho cầu thủ số 8. Landon Donovan được trao trọng trách lớn lao và anh đã vượt qua được áp lực, mang về bàn gỡ hoà cho Mỹ . Đây là bàn thứ 3 của Donovan ở World Cup 2010. Bàn gỡ hoà đã khiến sự hưng phấn của đội bóng áo trắng tăng lên đáng kể và nhiều người đã nghĩ tới một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục nữa. Hàng thủ của Ghana tiếp tục phải hứng chịu sức ép ghê gớm. Rất may cho đại diện cuối cùng của châu Phi, họ có một Kingson rất xuất sắc và ổn định trong khung gỗ. Anh ra vào hợp lý, có những quyết định cản phá chuẩn xác và mọi sơ hở cũng như sai lầm của đồng đội phía trên đều được anh giải quyết gọn ghẽ.
Phút 76, pha phối hợp giữa Dempsey và Altidore đã mở ra cơ hội cho Michael Bradley nhưng tiền vệ số 4 không thể đem lại niềm vui cho người cha Bob Bradley bên ngoài đường piste khi pha kết thúc của anh đi đúng vào người Kingson. Vài phút sau, Altidore bứt tốc đón đường chuyền dài của đội trưởng Bocanegra và dù cho đã bị trượt ngã trong khu vực 16m50 nhưng tiền đạo đang chơi bóng ở Tây Ban Nha vẫn có thể thực hiện pha dứt điểm chệch cột dọc. Bị vây hãm liên tục nên hoạ hoằn lắm Ghana mới tổ chức nổi một đợt tấn công về khung thành Howard. HLV Rajevac cũng đã cho Stephen Appiah vào sân nhằm hy vọng cái duyên của cầu thủ này trước Mỹ sẽ có ích cho đội bóng (Appiah chính là cầu thủ ghi bàn quyết định thắng lợi 2-1 bốn năm về trước). Tuy nhiên, tỷ số 1-1 được bảo toàn cho đến hết 90 phút thi đấu chính thức và hai đội buộc phải bước vào hai hiệp phụ.
Ngay những phút đầu hiệp phụ thứ nhất khi mà mọi sự tính toán của hai HLV vẫn "chưa đâu vào đâu", thì Ghana đã có được bàn thắng quan trọng. Asamoah Gyan dùng ngực khống chế đường chuyền của Ayew và tác động từ phía sau của Bocanegra không thể ngăn cản được sự dũng mãnh của tiền đạo số 3. Sau đó, một pha dứt điểm trái phá bằng chân trái được tung ra, không cho Howard một cơ hôi cản phá nào . Mỹ buộc phải dồn sức lên tấn công nhưng có lẽ bàn thua choáng váng đã làm cho họ mất tinh thần và thế trận tốt như những phút thi đấu của hiệp 2 đã không còn được duy trì. Tình huống đáng kể nhất mà họ tạo được chỉ là cú sút đập chân một cầu thủ Ghana đứng ngay trước cầu môn của Feilhaber.
15 phút còn lại, Mỹ thi đấu rất khẩn trương song mọi nỗ lực của họ đều rơi vào vô vọng khi Ghana gần như tập trung toàn bộ đội hình cố thủ phía trước cầu môn. Những đôi chân mệt mỏi của Mỹ đã không thể thắng được sức trẻ của đối phương. Cho đến tận lúc trọng tài nổi hồi còi chấm dứt trận đấu, các học trò của Rajevac vẫn rất sung sức như thể có thể thi đấu thêm vài hiệp phụ nữa và họ xứng đáng giành được chiến thắng cuối cùng nhờ lòng quả cảm, tinh thần chiến đấu. Điệu nhảy truyền thống mừng chiến công của người châu Phi đã được trình diễn tưng bừng tại Royal Bafokeng. Chắc chắn với sự tự tin và hưng phấn cao độ, Ghana sẽ lại thể hiện niềm kiêu hãnh của Lục địa đen ở trận tứ kết gặp đội tuyển 2 lần VĐTG, Uruguay. Sẽ không dễ dàng nhưng Ghana hoàn toàn có thể làm được.
Landon Donovan lại ghi bàn cứu Mỹ khỏi thua trong thời gian hai hiệp chính, nhưng không đủ cản bước Ghana ở hiệp phụ. |
Đội hình thi đấu:
Mỹ: 1-Tim Howard; 6-Steve Cherundolo, 15-Jay DeMerit, 3- Carlos Bocanegra, 12-Jonathan Bornstein; 4-Michael Bradley, 13-Ricardo Clark (19-Maurice Edu 31'), 8-Clint Dempsey; 10-Landon Donovan, 20-Robbie Findley (22-Benny Feilhaber 46'), 17-Jozy Altidore (9-Herculez Gomez 91')
Ghana: 22-Richard Kingson; 4-John Pantsil, 8-Jonathan Mensah, 5-John Mensah, 2-Hans Sarpei (19-Lee Addy 73'); 6-Anthony Annan, 7-Samuel Inkoom (11-Sulley Muntari, 113'), 23-Kevin-Prince Boateng (10-Stephen Appiah 78'), 13-Dede Ayew; 21-Kwadwo Asamoah, 3-Asamoah Gyan.
Bàn thắng: Donovan 62' - Boateng 5', Gyan 93'.
(Vietnamnet)