Nhật Bản tan mộng tứ kết trên chấm 11 mét
Trong loạt đá luân lưu, cầu thủ của hai đội đều tỏ ra bình tĩnh, thực hiện nhiệm vụ bằng những cú sút dứt khoát. Tuy vậy, pha dứt điểm của Komano đưa bóng dội xà ngang và chỉ duy nhất pha hỏng ăn này đã tạo nên sự khác biệt
Trước đó, hai đội duy trì thế trận khá cân bằng trong suốt 120 phút của hai hiệp chính và hai hiệp phụ. Paraguay nhỉnh hơn về thể lực, tốc độ và thời gian kiểm soát bóng, nhưng Nhật Bản chiếm ưu thế trong các tình huống phản công và mức độ nguy hiểm trong các pha phối hợp ở cự ly ngắn .
Komano thất vọng sau quả sút luân lưu không thành công. |
Đây là lần đầu tiên Paraguay được lọt vào vòng tứ kết World Cup trong 8 lần tham dự, trong đó có bốn lần vượt qua vòng bảng. Trái lại, thành tích cao nhất của Nhật Bản vẫn là vòng 16 đội sau bốn lần tham dự.
Cuộc so tài tối thứ ba lẽ ra đã kết thúc sớm hơn nếu hai đội tận dụng được những cơ hội ghi bàn hiếm hoi trước khung thành của nhau. Đều đánh giá cao đối thủ và đều nuôi mộng lần đầu lọt vào vòng tứ kết, hai đội cùng tạo ra màn nhập cuộc thận trọng trong những phút đầu. Với kỹ thuật cá nhân của một đại diện khu vực Nam Mỹ, Paraguay dễ dàng giành quyền kiểm soát bóng ở khu trung tuyến, chủ động thực hiện chiến thuật tấn công. Trong khi đó, Nhật Bản chấp nhận sự thua thiệt trong các pha tranh bóng ở cự ly cách khung thành 40 đến 60 m, đối phó với sức ép của đại diện khu vực Nam Mỹ bằng cách thiết lập hàng phòng ngự chiều sâu.
Không có những miếng tấn công sắc sảo, thế trận trở nên khó khăn đối với Paraguay và họ chỉ có hai cơ hội từ khoảnh khắc lúng túng hiếm hoi của Nhật Bản trong hiệp một. Phút 19, được đồng đội chọc khe dọn cỗ, Lucas Barrios thoát xuống nhưng chỉ kịp dứt điểm trong tư thế với, thủ môn Nhật Bản dùng chân chặn được bóng, cứu thua ngay trên vạch 5 m50. Không lâu sau đó, Roque Santa Cruz đón được bóng bật ra sau pha nhảy tranh chấp với ba cầu thủ đối phương, nhưng tiền đạo của CLB Man City dứt điểm chệch khung thành trong tư thế thoải mái ở cự ly chỉ 10 m.
Kiểm soát bóng ít hơn (37% so với 63% của Paraguay trong hiệp một), Nhật Bản chủ yếu trông chờ vào các pha phản công, tình huống cố định và sút xa. Họ cũng có hai cơ hội ghi bàn nhưng cả hai đều không thành công. Phút 22, Daisuke Matsui tung cú sút xa, bóng đập xà ngang. Cuối hiệp một, trong một pha phản công nhanh, Nhật Bản suýt vượt lên khi Keisuke Honda dứt điểm từ cự ly khoảng 20 m, bóng chệch cột dọc trong gang tấc.
Qua giờ nghỉ, tốc độ trận đấu được đẩy lên cao hơn và Paraguay vẫn kiểm soát bóng tốt hơn (61%), nhưng các cơ hội đều không rõ ràng, không có nhiều pha lôi cuốn. Hai đội tỏ ra thiếu sắc sảo khi bóng tới gần vòng 16,50 m. Hai tình huống đáng chú ý nhất là cú đánh đầu vào vị trí thủ môn Nhật Bản của Riveros và pha đột phá lắt léo của Barrios.
Phút 76, Barreto có một cú sút xa khá mạnh, nhưng thủ môn Kawashima dễ dàng cản được.
Paraguay làm tan mộng của người Nhật bằng sự lỳ lợm trên chấm 11 mét. |
Những diễn biến có phần tẻ nhạt được hâm nóng ở đầu hiệp phụ thứ nhất khi Nelson Valdez cướp được bóng trong vòng 16 m50 của Nhật Bản, tuy vậy, đường căng ngang đi không chính xác. Như một câu trả lời, đại diện khu vực châu Á cũng chấp nhận mạo hiểm, lên bóng bên cánh trái. Họ tạo ra đột biến bằng cú đánh gót của cầu thủ dự bị Nakamura. Nhưng đường chuyền cuối cùng không tìm được địa chỉ mong muốn.
Hòa 0-0 sau 120 phút kém hấp dẫn, hai đội phải phân thắng bại trên chấm 11 mét. Đây là trận đấu tiên tại World Cup 2010 có màn thi đá luân lưu nghiệt ngã , với phần thắng 5-3 thuộc về Paraguay.
Cầu thủ đá luân lưu của Paraguay: Barreto, Barrios, Riveros, Valdez, Cardozo (đều thành công)
Cầu thủ đá luân lưu của Nhật Bản: Endo, Hasebe, Komano (trượt), Honda.
(Theo vnexpress)