Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Lịch sử các trận chung kết World Cup từ 1930-2006

17:20, 06/07/2010
Trải qua 80 năm, đã diễn ra 19 kỳ World Cup (kể cả World Cup 2010 đang diễn ra tại Nam Phi) và tôn vinh 7 đội bóng đứng trên bục vinh quang

Trong 18 trận chung kết (từ năm 1930-2006), đã có 6 đội chủ nhà giành được chức vô địch là: Uruguay (1930), Italy (1934), Anh (1966), Tây Đức (1974), Argentina (1978), Pháp (1998). Duy nhất hiện nay chỉ có Italy và Brazil là bảo vệ thành công ngôi vô địch ở hai kỳ World Cup liên tiếp. Italy là năm 1934 và 1938; Brazil là 1958 và 1962.

Thông thường, giải đấu tổ chức ở châu lục nào, quốc gia ở châu lục đó giành chức vô địch. Duy nhất chỉ có Brazil 2 lần giành chức vô địch ngoài châu Mỹ là vào năm 1958 ở Thuỵ Điển và năm 2002 tại Nhật Bản&Hàn Quốc.

Trước năm 2002, World Cup chủ yếu tổ chức luân phiên tại 2 châu lục là: châu Âu và châu Mỹ. Đến năm 2002, lần đầu tiên World Cup 2002 được tổ chức ở châu Á. Năm 2010, World Cup lần đầu tiên đến châu Phi.

18 trận chung kết của World Cup đã qua thì có 9 trận chung kết là cuộc đối đầu giữa đại diện châu Mỹ và châu Âu, trong đó vào các năm 1958; 1962; 1970; 1978; 1986; 1990; 1994; 1998; 2002 thì châu Mỹ thắng 7 lần trong các cuộc đối đầu này, còn châu Âu chỉ có 2 lần.

Trong 7 chiến thắng của châu Mỹ ở các trận chung kết thì Brazil góp mặt 5 lần; 2 lần còn lại thuộc về Argentina. Trong khi đó, 2 đội bóng châu Âu giành chiến thắng ở trận chung kết của hai châu lục là Đức (1990) và Pháp (1998).

Trong 18 trận chung kết đã diễn ra thì có 3 trận chung kết phải kéo dài đến hiệp phụ vào năm 1934, 1966, 1978. Hai trận kéo dài đến lượt trận penalty. Trận chung kết có tỉ số cao nhất là trận đấu giữa chủ nhà Thuỵ Điển và Brazil tổ chức vào năm 1958. Trận đấu có 7 bàn thắng và có tỉ số 5-2 nghiêng về Brazil.

Tại giải đấu danh giá này thu hút đội bóng của 5 châu lục, nhưng hiện nay, chức vô địch chủ yếu vẫn thuộc về châu Âu và Nam Mỹ. Tỉ lệ giành chức vô địch giữa Nam Mỹ và châu Âu đang là 9/9. Và hiện nay, tại Bán kết World Cup 2010 vẫn chỉ còn đại diện của châu Âu và châu Mỹ. Bởi vậy, châu lục nào giành chức vô địch ở World Cup 2010 sẽ vượt lên dẫn trước về tỉ lệ giành cup vô địch của hai châu lục này. Lợi thế đang thuộc về châu Âu khi họ có tới 3 đại diện ở vòng Bán kết World Cup 2010.

** World Cup 1930: Chủ nhà Uruguay vô địch

World Cup 1930 đánh dấu sự ra đời của giải bóng đá lớn nhất hành tinh. Uruguay được chọn làm nước chủ nhà.

 

 

Uruguay (áo xanh) giành chức vô địch đầu tiên sau khi thắng Argentina với tỉ số 4-2 trong trận chung kết

 

Trận chung kết giải bóng đá vô địch thế giới lần đầu tiên trong lịch sử là cuộc đọ sức giữa Uruguay-Argentina tại sân vận động Centenario với sức chứa 80.000 khán giả ở thủ đô Monteviedo vào ngày 30/7/1930.

Uruguay đã có một trận đấu xuất sắc khi lội ngược dòng đánh bại Argentina với tỉ số 4-2 (sau khi bị dẫn trước 2-1 trong hiệp 1) để trở thành đội bóng đầu tiên đăng quang tại một kì World Cup.

** World Cup 1934: Italy giành chức vô địch lần đầu tiên

World Cup lần thứ hai được tổ chức tại Italy. Áo, Tiệp Khắc và chủ nhà Italy là ứng cử viên cho chức vô địch lần này. Đúng như dự đoán, Italy và Tiệp Khắc dễ dàng vượt qua bán kết để rồi chạm trán nhau trong trận chung kết.

 

 

Lần đầu tiên cho Italy

 

Tại thành phố Roma ngày 10/6/1934, trận chung kết thu hút 50.000 khán giả. Tiệp Khắc ghi bàn mở tỉ số ở hiệp 2. Tuy nhiên, Italy nhanh chóng gỡ hòa 8 phút sau đó. Sang hiệp phụ, cầu thủ Schiavo ghi bàn quyết định nâng tỉ số lên 2-1, giúp Italy trở thành nhà tân vô địch World Cup 1934.

** World Cup 1938: Italy bảo vệ thành công ngôi vô địch

Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 3 tổ chức tại Pháp. 37 đội bóng tham dự vòng tuyển để chọn ra 16 đội vào vòng chung kết.

Đội tuyển Italy do HLV huyền thoại Vittorio Pozzo dẫn dắt lần thứ 2 có mặt trong trận chung kết gặp đội tuyển Hungary - đội đã thắng Thụy Điển 5-1 trước đó.

 

Italy bảo vệ thành công ngôi vô địch

 

Ở trận chung kết trước sự chứng kiến của 55.000 khán giả, Azzurri trở thành đội đầu tiên bảo vệ thành công chức vô địch. Thật tiếc cho Hungary vì họ chính là đội bóng có hàng tấn công xuất sắc nhất với 15 bàn trên tổng số 84 bàn thắng ghi được tại giải này.

** World Cup 1950: Uruguay lần thứ hai lên ngôi vua

Do Chiến tranh thế giới lần thứ II nên đến năm 1950 (tức là 12 năm sau kể từ World Cup 1938), giải vô địch bóng đá thế giới mới được tiếp tục tổ chức. Brazil vinh dự được trao quyền đăng cai World Cup lần thứ 4.

Tại World Cup 1950, FIFA áp dụng thể thức chia bảng. 13 đội được chia thành 4 bảng gồm 2 bảng 4 đội, 1 bảng 3 đội và 1 bảng chỉ có 2 đội. Các đội sẽ thi đấu vòng tròn 1 lượt chọn 4 đội đứng đầu vào vòng chung kết, ở vòng này, các đội lại tiếp tục đá vòng tròn và đội nhiều điểm nhất sẽ trở thành nhà vô địch.

 

Brazil thất bại trong trận chung kết với Uruguay

 

Đội chủ nhà Brazil đã thể hiện sức mạnh đáng sợ ở vòng đấu bảng và dễ dàng giành quyền vào vòng chung kết cùng Thụy Điển, Uruguay và Tây Ban Nha.

Brazil là cái tên được nhắc đến nhiều nhất với những chiến thắng hủy diệt 7-1 và 6-1 trước Thụy Điển và Tây Ban Nha. Brazil chỉ cần một trận hòa là có thể ăn mừng chiến thắng trên sân nhà. Tuy nhiên, thất bại 1-2 trong trận đấu cuối với Uruguay, Selecao để tuột chức vô địch trong tiếc nuối. Với Uruguay, đây là lần thứ 2 đội bóng đăng quang tại giải bóng đá lớn nhất hành tinh.

** World Cup 1954: CHLB Đức vô địch – một thế lực mới

Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 5 được tổ chức tại Thụy Sĩ. Những đội bóng lớn như Hungary, Brazil, Uruguay, Anh sớm khẳng định sức mạnh. Đặc biệt là Hungary dưới sự dẫn dắt của ngôi sao Ferenc Puskas đã gây kinh hoàng cho cả thế giới khi thắng Hàn Quốc 9-0 và Tây Đức 8-3.

 

Tây Đức- thế lức mới của bóng đá thế giới

 

 

Dù không được đánh giá cao nhưng Tây Đức vẫn có mặt chung kết tái ngộ với Hungary - đội đã thắng Tây Đức ở vòng đấu bảng.

Với tinh thần thép của người Đức, đội bóng này đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục trước Hungary để giành chiến thắng 3-2 kịch tính trong trận chung kết mở đầu cho sự xuất hiện của một thế lực mới trên bản đồ bóng đá thế giới: Cộng hòa Liên bang Đức

** World Cup 1958: Brazil lên ngôi vua – mở ra một kỷ lục mới

Giải vô địch bóng đá thế giới lần 6 được tổ chức tại Thụy Điển. Hai đội bóng xứng đáng góp mặt trong trận chung kết là đội chủ nhà Thụy Điển và Brazil.

Thụy Điển dưới sự dẫn dắt của HLV người Anh George Raynor, đã đánh bại Liên Xô, một đội bóng rất mạnh vào thời điểm đó ở Tứ kết và hạ ĐKVĐ Tây Đức 3-1 ở trận Bán kết.

 

 

Lần đầu tiên cho các "Vũ công Samba"

 

 

Còn Brazil cũng có thành tích ấn tượng khi đánh bại Liên Xô ở vòng đấu bảng và vượt qua Pháp với cặp song sát Raymond Kopa - Just Fontaine với tỉ số 5-2.

Sân vận động Rasunda ở Solna với sức chứa 50.000 người đã không còn một chỗ trống trong trận chung kết giữa đội chủ nhà Thụy Điển và "những vũ công Samba". Tuy Thụy Điển gây bất ngờ với màn mở tỉ số, nhưng dưới sự dẫn dắt của Pele, Brazil có có chiến thắng ngoạn mục 5-2 trước đội chủ nhà, đồng thời phá vỡ quy luật một đội bóng không thể vô địch World Cup ngoài biên giới châu lục.

** World Cup 1962: Brazil bảo vệ thành công ngôi vua

Giải vô địch bóng đá thế giới lần 7 được tổ chức tại Chile. Những đại diện được đánh giá cao như: Hungary, Anh, Đức và Liên Xô sau khi vượt qua vòng bảng đã bất ngờ bị loại để bán kết, chỉ còn lại 4 đội là Brazil, Tiệp Khắc, Nam Tư và đội chủ nhà Chile.

 

 

Brazil bảo vệ thành công ngôi vô địch

 

Tiệp Khắc dễ dàng thắng Nam Tư 3-1 ở Bán kết, còn Brazil cũng vượt qua chủ nhà Chile bằng chiến thắng 4-2.

Trận chung kết giữa Brazil và Tiệp Khắc diễn ra khá hấp dẫn. Đội bóng Đông Âu mở tỉ số trước. Nhưng với bản lĩnh của ĐKVĐ, Brazil đã lội ngược dòng để có chiến thắng 3-1 và bảo vệ thành công chức vô địch.

** World Cup 1966: Anh lên ngôi trong trận chung kết kịch tính

Giải vô địch bóng đá thế giới lần 8 được tổ chức tại Anh. ĐKVĐ Brazil đến World Cup 1966 không thể lần thứ 3 bước lên ngôi vô địch khi bị loại ngay từ vòng đấu bảng. Chức vô địch cũng được người Anh giữ lại xứ sở xương mù.

 

 

Lần đầu tiên trên đỉnh thế giới của bóng đá xứ sương mù

 

Đây là trận chung kết kịch tính nhất trong lịch sử World Cup mà nó được xếp là 1 trong 10 trận đấu kinh điển của giải vô địch thế giới. Anh đã giành chiến thắng trước Tây Đức với tỉ số 4-2 đầy kịch tính, trong đó bàn thắng của Geoff Hurst ở phút 101 gây nhiều tranh cãi. Dù bóng chưa qua vạch vôi nhưng trọng tài Dienst người Thụy Sĩ vẫn công nhận pha ghi bàn. Pha ấn định tỉ số 4-2 của Hurst ở phút cuối cùng của hiệp phụ thứ 2 đã giúp cho đội tuyển Anh đăng quang trên sân nhà.

** World Cup 1970: Brazil lên ngôi lần thứ 3, giữ cúp vàng Julet Rimet

Giải vô địch bóng đá thế giới lần 9 được tổ chức tại Mexico. Giải vô địch lần này được các người hâm mộ xem là giải hay nhất cho đến nay. Hai đội xứng đáng có mặt ở trận cuối cùng là Brazil và Italy.

 

 

Pele dẫn dắt Brazil lần thứ 3 lên ngôi vương

 

Trận chung kết được chờ đợi không chỉ là sự gặp nhau giữa hai đội bóng xuất sắc nhất mà còn vì đội thắng sẽ được giữ cúp vàng Julet Rimet vĩnh viễn.

Dưới sự dẫn dắt của Pele, Brazil đã có chiến thắng tưng bừng 4-1 trước Italy để lần thứ 3 lên ngôi vô địch và sở hữu vĩnh viễn cup vàng Julet Rimet.

** World Cup 1974: Chủ nhà CHLB Đức lần thứ hai lên ngôi

Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 10 tổ chức tại Cộng hoà Liên bang Đức. Đây cũng là lần đầu tiên giới thiệu chiếc cúp mới thay thế Cúp Julies Rimet.
Giải đấu đánh dấu sự xuất hiện của Hà Lan lần đầu tiên tham dự World Cup. Tuy không giành chức vô địch khi thất bại trước Tây Đức ở trận chung kết nhưng Hà Lan vẫn được nhìn nhận là đội bóng xuất sắc nhất giải.

 

 

“Hoàng đế” Frank Beckenbauer dẫn dắt Đức lần thứ 2 vô địch WC

 

Dưới sự dẫn dắt của Johan Cruyff, ngay lần đầu tiên tham gia, Hà Lan đã có mặt trong trận chung kết. Thế nhưng "Cơn lốc màu da cam" đã quá chủ quan và bị trả giá bởi lối chơi thực dụng của Tây Đức. Dưới tài chỉ huy của “Hoàng đế” Frank Beckenbauer, Tây Đức đã có chiến thắng sít sao 2-1 để đưa đội bóng này lần thứ 2 bước lên bục vinh quang.

** World Cup 1978: Lần đầu tiên cho Argentina

Giải vô địch bóng đá thế giới lần 11 tại Argentina. Tại giải này lần đầu tiên Argentina bước lên bục vinh quang sau 48 năm chờ đợi.

Đối thủ của Argentina trong trận chung kết là Hà Lan, đội đã thất bại trước Tây Đức ở Mondial 1974 cách đây 4 năm.

 

 

Argentina là đại diện thứ 3 của châu Mỹ giành chức vô địch thế giới

 

Thần may mắn đã đứng về phía Argentina khi đội chủ nhà đã ghi 2 bàn thắng trong hiệp phụ để giành chiến thắng chung cuộc 3-1. Trước đó trong 2 hiệp chính, Argentina và Hà Lan hòa nhau với tỉ số 1-1.

** World Cup 1982: Italy sánh ngang Brazil khi 3 lần đoạt Cúp

Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 12 và được tổ chức tại Tây Ban Nha. Italy đăng quang lần thứ ba bước lên bục vinh quang.

 

 

 

Italy sánh ngang cùng Brazil khi 3 lần vô địch thế giới

 

 

Chiến thắng dành cho đội bóng của HLV Enzo Bearzot hoàn toàn xứng đáng, nhất là sau trận chung kết trên cơ mà họ thắng 3-1 trước một Tây Đức quá thực dụng.

Bàn mở tỷ số ở trận đấu đó cũng giúp Rossi đoạt chiếc Giày vàng, một danh hiệu cá nhân thậm chí còn kịch tính hơn cả sự hồi sinh của tuyển Italy sau vòng loại đầy thất vọng.

** World Cup 1986: Argentina lần thứ 2 lên ngôi với sự chói sáng của Maradona

Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 13 được tổ chức tại Mexico. Argentina với Diego Maradona đã bước lên đỉnh vinh quang ở một trong những World Cup nhiều cảm xúc nhất trong lịch sử khi đánh bại Tây Đức trong trận chung kết với tỉ số 3-2.

 

 

 

Đội hình Argentina lần thứ hai vô địch WC

 

Đội trưởng của đội bóng xứ tango gặp nhiều khó khăn hơn trong trận chung kết khi bị Lothar Matthaus theo như hình với bóng. Một người hùng đích thực khác trong đội bóng của HLV Carlos Bilardo, trung vệ Jose Luis Brown ghi bàn mở tỷ số, rồi Jorge Valdano nhân đôi cách biệt, nhưng người Đức kháng cự quyết liệt khi Karl-Heinz Rummenigge và Rudi Voeller gỡ hòa trong vòng 6 phút. Tuy nhiên, Matthaus không thể bắt chết Maradona cả 90 phút và từ đường chuyền của “El Diego”, Jorge Burruchaga đã ghi bàn ấn định tỷ số cho Argentina ở phút 83, đưa họ lần thứ hai lên đỉnh vinh quang.

** World Cup 1990: “Xe tăng” Đức lần thứ 3 lên ngôi

Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 14 được tổ chức tại Italy. Tây Đức nâng cao cúp vàng thế giới lần thứ ba vào năm 1990 khi họ phục thù thất bại trong trận chung kết trước Argentina 4 năm trước với việc đánh bại đội đương kim vô địch 1-0 ở Rome.

 

 

Đội tuyển Đức vô địch World Cup 1990

 

Brehme đánh bại thủ thành Argentina trên chấm phạt đền ở phút 85. Đây là bán thắng quyết định một trận chung kết nhàm chán.

Chiến thắng này ghi công lớn nhất của Franz Beckenbauer, người thứ hai trong lịch sử vô địch World Cup với tư cách cầu thủ và HLV. 

Với danh hiệu thứ 3, Đức cùng với Italy và Brazil là những đội tuyển thành công nhất thế giới.

** World Cup 1994: Brazil lên ngôi lần thứ 4

Giải vô địch bóng đá thế giới 1994 lần thứ 15 được tổ chức tại Mỹ với chức vô địch thuộc về Brazil. Dù lên ngôi vô địch lần thứ 4 sau khi đánh bại Italy ở trận chung kết trên chấm phạt đền nhưng người hâm mộ lại thất vọng khi Selecao thể hiện một lối chơi bóng thực dụng.

 

 

Đội hình Selecao giành ngôi vô địch năm 1994

 

Lần đầu tiên trong lịch sử, Cúp vô địch được quyết định bằng những loạt luân lưu. Vận rủi đã rơi vào những người Italy, khi Baggio, cầu thủ xuất sắc nhất trong màu áo thiên thanh, đá hỏng quả penalty quyết định.

** World Cup 1998: Chủ nhà Pháp đoạt Cúp từ cái đầu của Zidane

Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 16 được tổ chức tại Pháp. Nước Pháp, cuối cùng cũng đã giành được danh hiệu lớn trên sân nhà khi họ đánh bại ĐKVĐ Brazil trong trận chung kết với tỉ số 3-0.

 

 

Thầy trò HLV Aime Jacquet nâng cao chiếc Cúp vô địch dành cho đội tuyển Pháp

 

Hai pha đánh đầu của Zinedine Zidane từ những quả phạt góc giúp họ vươn lên dẫn trước 2-0. Bất chấp việc Marcel Desailly bị đuổi trong hiệp 2, đội bóng của HLV Aime Jacquet vẫn có thể ghi thêm bàn thứ 3 sau khi Emmanuel Petit hoàn tất một pha phản công vào phút chót.

Hồi còi kết thúc trận đấu của trọng tài người Maroc Said Belqola cũng là lúc cả nước Pháp ăn mừng. Một đội bóng đa dạng về thành phần chủng tộc đại diện cho nước Pháp hiện đại đã giúp cả quốc gia đoàn kết lại.

** World Cup 2002: Brazil xô đổ kỷ lục vô địch

Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 17 lần đầu tiên được tổ chức tại châu Á và Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 nước đồng chủ nhà.

World Cup 2002 đã bắt đầu với nhiều điều mới khi lần đầu tiên có 2 nước đồng chủ nhà, lần đầu tiên tổ chức ngoài hai châu lục Âu - Mỹ nhưng lại có một kết thúc rất không mới – Brazil vô địch!

 

 

Ronaldo giúp Brazil xô đổ kỷ lục vô địch

 

Trận chung kết giữa 2 nhà cựu vô địch của World Cup, Đức – Brazil đã được tất cả những tín đồ của môn túc cầu mong đợi. “Người ngoài hành tinh” Ronaldo đã xuất sắc ghi cả hai bàn thắng vào lưới Oliver Kahn để giúp Brazil lần thứ 5 nâng cao chiếc cúp vô địch.

** World Cup 2006: Lần thứ 4 cho Italy

Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 18 tổ chức tại Cộng hòa Liên bang Đức. Đây là lần thứ 2 được tổ chức ở Đức (lần trước vào năm 1974).

 

 

Italy đăng quang lần thứ 4

 

World Cup 2006 kết thúc với chức vô địch dành cho Italy sau 24 năm chờ đợi. Azzurri đã đăng quang lần thứ 4 sau loạt đấu súng với Pháp trên chấm phạt đền. Dấu ấn của đội vô địch là hàng phòng ngự. Hàng thủ của Lippi ở Đức năm 2006 có lẽ là hay nhất trong lịch sử World Cup. Dưới sự chỉ huy của thủ thành xuất chúng Gianluigi Buffon và đội trưởng Fabio Cannavaro, từ đầu đến cuối giải, họ chỉ để thủng lưới 2 bàn, 1 bàn phản lưới và 1 bàn từ chấm phạt đền./.

(Theo VOV)