Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Xem người lại nghĩ đến ta

15:01, 03/07/2010
WORLD CUP 2010 đã chuẩn bị bước vào những trận đấu cuối cùng và ngày càng thu hút sự quan tâm của dư luận. Với đội ngũ những người làm báo PTTH thì đây còn là dịp để họ tự nhìn lại công việc của mình thông qua công tác tuyên truyền. Phóng viên Web Site Truyenhinhnghean.vn đã có cuộc trò chuyện với Nhà báo Trần Ngọc - Trưởng phòng Chuyên đề, người thường xuyên là Đạo diễn các

 

 

PV: Thưa anh Trần Ngọc. Là người có nhiều năm làm đạo diễn truyền hình trực tiếp các trận bóng đá của Đài PT&TH Nghệ An, ấn tượng của anh về việc THTT World Cup (WC) năm nay như thế nào? 

 

Nhà báo Trần Ngọc: Cho đến thời điểm này, thì WC chỉ còn 6 trận đấu nữa cho một chiếc Cúp vô địch và chắc chắn là môn thể thao vua này sẽ có ông vua mới. Tôi xem các trận đấu WC qua màn ảnh nhỏ với 2 tâm thế: vừa là khán giả, vừa là người có chút chuyên môn trong nghề làm đạo diễn truyền hình. Và quả thực, không riêng gì khán giả, tôi thực sự ngỡ ngàng và thán phục những hình ảnh mà truyền hình đem đến cho khán giả. Nói khen Tây làm hay, thì có lẽ là khen cả ngày cũng không hết. Khán giả không chỉ được sống trong bầu không khí sôi động của các sân vận động, mà bằng những hình ảnh sắc nét, được quay từ nhiều góc máy khác nhau, bằng những pha làm chậm với khuôn hình cận cảnh thậm chí là đặc tả, các nhà làm truyền hình WC đã tạo nên những cảm xúc, khơi gợi những rung động sâu sắc của khán giả. Được biết năm nay là năm đầu tiên, FIFA cùng hãng SoNy đưa công nghệ HD vào truyền hình trực tiếp tất cả 64 trận đấu của WC. Đây là công nghệ truyền hình có độ sắc nét cao, tôi cũng rất vui là đón đầu xu thế này, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC đã kịp thời cho ra đời kênh truyền hình kỹ thuật số HD để phục vụ tốt nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của khán giả. Mỗi trận đấu, người ta bố trí đến 16 máy quay chuyên dụng độ phân giải cao HDC 1500. Trong đó, có tới 9 camera chính, 4 camera đặt trên khán đầi, 3 chiếc đặt theo chiều dài của sân, 2 máy quay cẩu đặt phía sau cầu môn, đồng thời bố trí các camera phụ trợ khác. Chúng ta có thể thấy là ở bất cứ góc độ nào của trận đấu và không khí sân vận động đều có ống kính Camera hướng đến và đạo diễn truyền hình hầu như đã không bỏ sót một chi tiết nào dù nhỏ nhất. Có những hình ảnh làm chúng ta ngỡ ngàng bởi sự tinh ý của các nhà quay phim. Có những chi tiết, những pha làm chậm mang đậm dấu ấn hài hước thú vị, thể hiện sự thông minh, sáng tạo của các quay phim và đạo diễn…

 

 

Chưa hết, năm nay cũng lần đầu tiên, FIFA cho phát sóng 25 trận đấu với công nghệ 3D. Đây có thể nói là công nghệ truyền hình ảnh với không gian 3 chiều hiện đại nhất hiện nay. Nhưng tiếc là 25 trận đấu được truyền hình trực tiếp theo công nghệ 3D mới chỉ phát sóng ở khu vực Bắc Mỹ còn ở VN chúng ta thì hiện tại xem phim màn ảnh rộng 3D cũng là còn hết sức mới mẻ chứ chưa dám nghĩ đến THTT 3D. Hy vọng là mùa WC tới đây 2014, sẽ có những doanh nghiệp dám đột phá như VTC để khán giả VN được xem bóng đá 3D và khi đó thì quả đúng là Truyền hình đã làm cho WC thăng hoa.

 

PV: Thưa anh. Đúng là xem trực tiếp các trận đấu WC năm nay qua màn ảnh nhỏ chúng ta thực sự ấn tượng về công nghệ truyền hình. Và một điều nữa, đó là truyền hình đã cho khán giả thấy được những pha bóng, những tình huống mà ở trên sân thi đấu, khán giả, thậm chí là ngay đến cả trọng tài cũng không quan sát thấy. Anh nghĩ sao về điều này?

 

Nhà báo Trần Ngọc: Vâng, đó chính là cái tài của người đạo diễn. Chúng ta hãy hình dung rằng, 16 camera nhưng là những nguyên liệu thô, còn người đạo diễn chính là đầu bếp trưởng để quyết định đưa món ăn nào đến với khán giả. Đương nhiên, làm đạo diễn THTT bóng đá có những nguyên tắc về mặt chuyên môn. Thế nhưng, quan trọng nhất của người quay phim hay đạo diễn là phải đặt vị trí của mình vào vị trí của khán giả để xem xem nếu mình là khán giả, thì mình sẽ những hình ảnh nào trên màn ảnh. Có thể ví truyền hình như những trọng tài dành riêng cho khán giả. Ví dụ như  pha sút bóng của Lampats (Đội tuyển Anh) vào lưới của đội Đức ở vòng 16 chẳng hạn. Ông trong tài người Urugoay và các trợ lý không thể phát hiện ra là bóng đã chạm vào phần trong của cầu môn, nhưng những người làm truyền hình lại nhìn rất rõ. Và họ đã cho cả thế giới thấy sự sai lầm của tổ trọng tài. Tôi vẫn hy vọng là với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ truyền hình thì tới đây, truyền hình sẽ được chính thức áp dụng như là một trợ lý thứ 4 của trọng tài chính, giúp cho trọng tài chính xử lý các tình huống trên sân. Trong môn quần vượt, ở một số sân thi đấu quốc tế, người ta cũng đã phải nhờ đến những pha làm chậm của Camera để xác định là quả bóng ở trong hay ngoài sân.

 

PV: Vâng. Xem người lại nghĩ đến ta. Có bao giờ anh nghĩ về điều này chưa thưa anh?

 

Nhà báo Trần Ngọc: Xem WC tôi học hỏi được rất nhiều về THTT bóng đá của họ. Nhưng thú thực càng nghĩ, càng xem lại càng thấy mình liều, kiểu "điếc không sợ súng". Không chỉ ở Nghệ An mà cả ở  THVN, mỗi trận đấu cùng lắm chỉ được bố trí nhiều nhất là 5 Camera. Trừ  một vài trận đấu lớn như Chung kết SEAGAMES là có đến 7 camera trên sân. Hồi trước khi tham gia THTT các trận đấu SEAGAMES, một số chuyên gia nước ngoài khi biết chúng tôi làm THTT bóng đá chỉ với 3 camera, thì tỏ ra rất kinh ngạc thậm chí khen lấy khen để. Nhưng chúng tôi thực sự không hề lấy đó làm hãnh diện mà còn xấu hổ là đằng khác. TH nước ngoài đã có một bước tiến rất dài, trong khi chúng ta có vẻ như ngày càng thụt lùi về công nghệ và qui trình sản xuát. Nhưng mà nói đi cũng phải nói lại, thú thật, chúng tôi không được đào tạo bài bản, chủ yếu là làm bằng niềm say mê tự học hỏi, thì dù có bố trí 16 camera bản thân tôi cũng khó mà có thể phát huy hết được nhưng góc máy khác nhau mà không làm gián đoạn trận đấu. Đó là chưa nói đến nhiều vấn đề đặt ra từ quy trình công nghệ, khả năng của trang thiết bị và cơ chế vv.. còn là câu chuyện dài dài. Theo tôi, người cuối cùng chịu thiệt vẫn là khán giả truyền hình. Và cuối cùng tôi vẫn muốn nhắc lại là: Truyền hình luôn là một phần không thể thiếu được của bóng đá.

 

PV: Xin cảm ơn anh.

Lê Trang (Thực hiện )