Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Võ Nhất Nam: Từ cội nguồn xứ Nghệ nhìn ra thế giới

07:34, 27/09/2012
Võ phái Nhất Nam đã phát triển thành phong trào tập luyện thường xuyên ở hơn 30 nước trên thế giới. Nét đặc trưng của môn võ này là linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với thể trạng của người Việt, lấy nhu thắng cương, lấy tĩnh chế động, lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều… Các đòn thế của Nhất Nam được bắt nhại theo hình dạng và những gì tinh tuý của muôn loài trong tự nhiên như:

 

Khai môn - Lập phái

 

Võ cổ truyền Nhất Nam là môn võ được khởi phát từ thủa sơ khai ở vùng đất tối cổ Châu Hoan - Châu Ái ( Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay) dưới dạng gia phái (dòng họ, gia tộc) và ngày càng hoàn thiện trong công cuộc dựng nước, giữ nước và mở mang bờ cõi quốc gia, dân tộc qua các triều đại phong kiến.

 

Trước những năm 1980 của thế kỷ XX, dòng võ cổ truyền ở vùng đất Thanh - Nghệ còn nằm trong tình trạng manh mún, tự phát, chưa có sự thống nhất và ghi nhận cụ thể. Phải đến năm 1982, một người con ưu tú của xứ Nghệ, võ sư Ngô Xuân Bính – người có công miệt mài theo học, tìm hiểu sâu về võ cổ truyền trên vùng đất quê hương, đã dung hợp, thống nhất các chi phái, gia phái võ Hét quy tụ về một mối, với tên gọi: Nhất Nam.

 

Chữ “NHẤT” ở đây là thuần nhất, không pha tạp các bài tập của bất cứ môn phái nào khác ở trong và ngoài nước; “NAM” là nước Việt Nam.

 

Võ sư Ngô Xuân Bính chỉ giáo cho môn sinh một thế võ Nhất Nam

 

Nhất Nam là môn võ của dân tộc Việt Nam, với những đặc trưng phù hợp với thể tạng, tâm sinh lý, tư duy của người Việt. Kể từ khi Nhất Nam ra mắt công chúng và làng võ thủ đô Hà Nội (1982), từ đó đến nay, Võ sư Chưởng môn Ngô Xuân Bính đã dày công hoàn thiện chiều sâu về chuyên môn và đưa môn phái phát trin rộng rãi trên phạm vi toàn thế giới. Không chỉ có công lớn truyền dạy, đào tạo hàng trăm võ sư, huấn luyện viên xuất sắc cho môn phái, hàng chục nghìn môn sinh trong và ngoài nước, võ sư còn biên soạn 10 tập sách “Nhất Nam căn bản” đồ sộ, bàn về võ thuật và y thuật của môn phái, mỗi tập dày từ 400-500 trang. Những tập sách này đang được các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, dân tộc học, y học, cùng tất cả những người yêu thích võ thuật quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu. Ông Ngô Xuân Bính hiện là Giáo sư Y học dân tộc Nga, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên Châu Âu, kiêm Chủ tịch Liên đoàn võ Nhất Nam Quốc tế.

 

Mặc dù khoảng thời gian chính danh lập môn chưa lâu, nhưng nay võ phái Nhất Nam đã phát triển thành phong trào tập luyện thường xuyên ở hơn 30 nước trên thế giới. Đã có nhiều quốc gia thành lập Liên đoàn võ Nhất Nam cấp quốc gia như: Nga, Ba lan, Ucraina, Belarus, Latvia... Nét đặc trưng của môn võ này là linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với thể trạng của người Việt, lấy nhu thắng cương, lấy tĩnh chế động, lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều… Các đòn thế của môn phái võ cổ truyền Nhất Nam được bắt nhại theo hình dạng và những gì tinh tuý của muôn loài trong tự nhiên như: sự nhanh, khéo, mạnh của hổ, báo; sự quấn riết quằn quại của trăn, rắn; cái lầm lì, vững chãi của voi, gấu... Môn sinh Nhất Nam, trước khi học quyền cước, đòn, thế thì đều được học về Tâm pháp để hiểu về phép tắc đối nhân xử thế, tính triết lý trong luyện tập của môn phái, về cơ chế hoạt động của cơ bắp, sự vận hành khí huyết... Tiếp theo, các môn sinh sẽ được học các đòn thế, các bộ pháp, các bài quyền đặc thù như hổ quyền, xà quyền, vân vũ quyền, ảo quyền,…Ngoài ra, võ sinh còn được học các bài binh khí như: côn, kiếm, rìu, chùy, phảng, cờ trận, nhung thuật.... Đặc biệt, Nhất Nam có những bài luyện nội công, khí công võ thuật, khí công chữa bệnh phù hợp với từng căn bệnh, từng lứa tuổi.... Hiện nay, võ Nhất Nam đang được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch nghiên cứu, xem xét để đưa vào danh sách đề nghị Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

 

Những nốt thăng trầm trên đất tổ Nghệ An

Mùa hè năm 1989, môn phái Nhất Nam lần đầu tiên xuất hiện tại Nghệ An. Ngay nhng khóa chiêu sinh đầu tiên đã có hàng nghìn môn sinh theo học. Tại thành phố Vinh có nhiều địa điểm tập luyện như: Nhà văn hóa Lao động tỉnh, nhà thiếu nhi Tenlơman, Trường kỹ thuật Việt Đức, Trường Đại học Vinh, Sân vân động tỉnh…Ở các huyện, thị, phong trào luyện tập võ thuật Nhất Nam phát triển khá mạnh mẽ, từ Yên Thành, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu lên đến cả huyện miền núi Nghĩa Đàn. Tuần hai buổi, khắp sân vận động, sân bãi, trung tâm Văn hoá thông tin thể thao của các địa phương trên luôn diễn ra những buổi tập võ Nhất Nam đầy ấn tượng về sự lạ mà quen của nhiều đòn thế, của tiếng thét đặc trưng của môn phái...

 

Một CLB võ cổ truyền Nhất Nam tại Nghệ An

 

Nếu ai đã từng chứng kiến không khí hứng khởi của những lớp võ thuật Nhất Nam ngày ấy thì có lẽ, không thể nghĩ đến một lúc nào đó môn võ này có thể “trầm xuống”. Có nhiều nguyên nhân khiến cho phong trào luyện tập võ thuật nói chung và học võ Nhất Nam nói riêng bị “chùng xuống” một cách đáng buồn như hiện nay. Nhưng tựu chung lại, đối với các nhà quản lý thể thao văn hoá vẫn còn thiếu một sự quan tâm cổ vũ, cổ xuý cho một dòng võ đặc dị, phát xuất từ cái nôi văn hoá làng xã vùng đất  Thanh Nghệ. Bảo tồn, phát triển vốn văn hoá cổ truyền còn có ý nghĩa gì, nếu chúng ta không chú ý gìn giữ, phát huy những giá trị cụ thể. Nhất Nam là một môn võ thuật, bản thân nó chứa chất, và toát lên một giá trị văn hoá phi vật thể của dân tộc Việt qua các đường quyền, ngọn cước riêng biệt. Cũng như người võ sĩ đạo Samurai- từ tinh thần, trang phục cho đến đường kiếm, đều biểu trưng một nét khá đậm trong bức tranh lịch sử văn hoá độc đáo của Nhật Bản vậy.

Trở lại với vị võ sư đã có công gây dựng, quảng bá Nhất Nam trong hơn 30 năm nay. Là một người con ưu tú của làng võ Việt Nam, năm 1990, Võ sư chưởng môn Ngô Xuân Bính đã được Tổng cục Thể dục Thể thao cử làm chuyên gia sang phát triển võ dân tộc Nhất Nam trên đất nước Bạch Dương xa xôi. Kể từ đó đến nay, trên đất người phong trào học Nhất Nam đã phát triển đến mức thành lập được những liên đoàn mang tính cách quốc tế. Đó là những thành công đáng tự hào về võ thuật Việt, văn hoá Việt đã toả sáng ra thế giới. Nhưng đối diện với thực tế phong trào luyện tập Nhất Nam tại Nghệ An, nhiều người đã không khỏi chạnh lòng cho một môn võ đặc dị đang phát triển rất yếu ớt tại một số câu lạc bộ nhỏ trên chính vùng đất tổ đã sinh ra nó.

Ở Nghệ An, những thế hệ môn sinh tài năng đầu tiên như các anh Bùi Duy Vinh, Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Công Minh, Nguyễn Công Mạnh, Trần Trọng Cường thì hầu hết đều phải tập trung vào công việc chuyên môn khác nhau được giao, nên một số trong các anh mới chỉ duy trì được các CLB chứ không thể phát triển phong trào luyện tập Nhất Nam rầm rộ như nó vốn có trong những năm 90 của thế kỉ trước.

Vĩ thanh

Mùa hè 2008, với niềm đau đáu về sự phát triển môn võ thuật cổ truyền Nhất Nam tại quê hương, võ sư Ngô Xuân Bính đã trở về Việt Nam và tập trung một số người có trách nhiệm với môn phái để hướng dẫn tập luyện thêm, cũng như định hướng lại sự phát triển cho môn phái. Từ đây, sự phối hợp đồng bộ của môn phái với các đơn vị chức năng có thẩm quyền, các CLB Nhất Nam đã được mở ra. Riêng CLB Nhất Nam Đại Học Vinh,  CLB Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, CĐKT Nghệ An, Nhà thiếu nhi Việt Đức, Thành Đoàn Vinh có hàng trăm võ sinh tham gia tập luyện và đã tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao lớn trên cả nước như: Biểu diễn “Chào mừng 50 năm Đại học Vinh anh hùng”; Biểu diễn “Chào mừng 120 năm ngày sinh Bác Hồ vĩ đại”; “ Tri ân Hoàng đế anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ” trên đỉnh Dũng Quyết; tham gia biểu diễn trong Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương tại đền th Hồng Sơn – Thành phố Vinh; “Khí phách Thăng Long - Dấu ấn Nghìn năm” chào mừng Nghìn năm Thăng Long tại thủ đô Hà Nội, chương trình đạp xe xuyên Việt - “Hành trình tuổi trẻ vì quê hương”, chương trình đi bộ xuyên Việt “Hành trình theo dấu chân Bác - Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng”; “ Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc” tại Chí Linh - Hải Dương, tưởng nhớ anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, danh nhân văn hóa thế giới - anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi ....

Để ghi nhớ công lao to lớn của các bậc tiền nhân dựng nước và giữ nước, để xứng danh là con dân nước Việt anh hùng, và để góp phần quảng bá ra khắp năm Châu về một nền văn hóa võ học cổ truyền dân tộc Việt, cùng với hàng vạn môn sinh Nhất Nam trên thế giới, tại Việt Nam, với tiêu chí “Sức khoẻ - Trí tuệ - Đoàn kết - Nhân ái”, các CLB võ cổ truyền Nhất Nam đã đang có hàng chục nghìn lượt môn sinh tìm hiểu, theo học. Đây là những môn sinh sẽ góp một phần tâm sức bé nhỏ đưa môn phái về với cội nguồn xưa là các gia đình, bản làng, thôn xóm. Tại thành phố Hải Dương và thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, môn phái Nhất Nam đã được đưa vào tập luyện ở các trường học, cấp học như là môn môn học tự chọn.

Hi vọng rằng, sau những thăng trầm theo thời gian, các cơ quan có thẩm quyền ở Nghệ An sẽ tạo mọi điều kiện để môn phái võ Nhất Nam phát triển mạnh về phong trào tập luyện, và tiến tới đưa vào trường học nhằm góp phần bảo tồn, phát huy một nguồn di sản văn hóa cổ truyền. Đó chính là nghệ thuật chiến đấu rất đặc trưng do người Việt trên vùng đất tối cổ Châu Hoan, Châu Ái, tức các tỉnh Thanh - Nghệ Tĩnh ngày nay sáng tạo ra trong suốt chiều dài lịch sử đầy biến động, hòng chống lại sự xâm lược của giặc ngoại bang.

 

(Nguyễn Công Minh - Hồ Dương Cầm)