SLNA nhìn từ thành công của U23 Việt Nam: Vẫn vững vàng trong đào tạo trẻ
Khi các trung tâm mạnh về tài chính ra đời cũng là lúc một loạt các nôi đào tạo trẻ khác rơi vào cảnh "chết yểu". Cũng phải đối mặt với thách thức về tiền bạc, nhưng SLNA vẫn đứng vững giữa "phong ba bão táp" ấy.
Người hâm mộ bóng đá Nghệ An có chút hụt hẫng khi thời gian đầu nhận nhiệm vụ ở ĐT Việt Nam, HLV Park Hang Seo đã không gọi bất cứ một cầu thủ nào của đội bóng thành Vinh. Tuy nhiên, không lâu sau đó nhà cầm quân này đã triệu tập hai cầu thủ Văn Đức và Xuân Mạnh của lò đào tạo nổi tiếng này, trước đó Văn Khánh cũng được triệu tập.
Tuy chỉ được gọi vào phút chót, ngay trước lúc VCK U23 châu Á diễn ra, nhưng cả Văn Đức lẫn Xuân Mạnh đều nắm bắt tốt thời cơ khi được tạo cơ hội ra sân và khẳng định được giá trị của bản thân cũng như thương hiệu của lò đào tạo trẻ nức tiếng SLNA. Phải khẳng định rằng, bộ đôi cầu thủ xứ Nghệ đã góp công không nhỏ trong chiến công của U23 Việt Nam tại giải đấu châu lục vừa qua.
Công Phượng và 2 cầu thủ SLNA: Xuân Mạnh, Văn Đức được UBND tỉnh tôn vinh trong gala tối 30/1 sau thành công tại CVK giải Vô địch U23 Châu Á. |
Phong độ của hai cầu thủ này như một thông điệp với làng túc cầu quốc nội rằng, công tác đào tạo trẻ của SLNA vẫn đứng vững trong cơn “càn quét” để “gom” tài năng bóng đá của các trung tâm mạnh như HAGL, Viettel hay PVF. “Dù gặp phải rất nhiều thách thức khi bị các trung tâm khác hút đi một số cầu thủ tài năng trẻ, nhưng SLNA vẫn duy trì tốt công tác ‘trồng người’ và đáp ứng được nhu cầu của đội lớn”, ông Nguyễn Đình Nghĩa - Phó GĐĐH phụ trách đào tạo trẻ của CLB SLNA, khẳng định.
Thậm chí, SLNA còn tiến hành quy trình sàng lọc và đào tạo trẻ chặt chẽ hơn trong thời gian vừa qua. “Các trung tâm mạnh thì tuyển chọn trên cả nước. SLNA hạn chế kinh phí nên chỉ tìm tài năng trong tỉnh. Chúng tôi đặt 21 vệ tinh ở các huyện để qua đó có thể tìm kiếm, phát hiện nhân tài đưa về CLB đào tạo. SLNA có lực lượng lớn cầu thủ để tuyển chọn”, ông Nghĩa chia sẻ. Chính Văn Đức và Xuân Mạnh cũng được phát hiện qua các kênh thông tin ấy và bắt đầu tập luyện cách đây chừng 10 năm.
Tài chính không dư dả, nhưng SLNA là một trong số ít các địa phương hay trung tâm làm bóng đá trẻ Việt Nam có tất cả các lứa U, từ U11 đến U21. Chủ trương của lãnh đạo bóng đá xứ Nghệ là phải tham dự tất cả các lứa tuổi ở các giải trẻ do VFF tổ chức. Mục đích là nhằm tạo cơ hội tối đa cho các cầu thủ trẻ có dịp thi đấu cọ xát và tích lũy kinh nghiệm.
“Có những cầu thủ mỗi năm thậm chí còn được đá 2 giải. Chẳng hạn, những cầu thủ xuất sắc ở đội U15 sẽ được đôn lên đá tiếp ở U17. Những cầu thủ nào không được đá cho SLNA ở các VCK sẽ được cho mượn. Quan điểm của SLNA là chỉ có thi đấu mới nhanh chóng trưởng thành, nếu không tài năng sẽ bị mai một”, ông Nghĩa bổ sung thêm.
Các cầu thủ SLNA luyện tập. Nguồn: Internet |
Chính nhờ được thi đấu nhiều nên các cầu thủ trẻ của SLNA thường tỏ ra nhiều kinh nghiệm, chơi chững chạc hơn so với cầu thủ cùng trang lứa của các đội khác. Xuân Mạnh và Văn Đức cũng từng ngày trưởng thành qua quy trình đào tạo ấy.
May mắn cho hai cầu thủ này là, trong những mùa giải qua, nhiều cầu thủ giỏi ở đội 1 SLNA như Trọng Hoàng, Văn Bình hay Hoàng Thịnh tìm bến đỗ mới nên họ được đôn lên khá sớm. Ở V.League 2017, cả Văn Đức và Xuân Mạnh thường xuyên được đá chính nên trưởng thành nhanh chóng. Đó là một trong những lý do giúp cho bộ đôi này chơi rất tự tin và thể hiện được năng lực trong màu áo của U23 Việt Nam ở giải đấu vừa qua.
Theo Bóng đá