U23 Việt Nam: Ngọn núi cao trước mặt, chờ kỳ tích lặp lại
17:20, 26/01/2018
Phía trước U23 là ngọn núi cao hơn ở vòng bán kết, nơi lần đầu tiên bóng đá Việt đặt chân đến trong sự ngưỡng vọng và tin tưởng của người hâm mộ không chỉ ở Việt Nam, Hàn Quốc…
Chúng ta đều đánh giá rất, rất cao công trạng của HLV trưởng U23 Việt Nam, cựu trợ lý HLV trưởng và cựu tuyển thủ Hàn Quốc Park Hang Seo, đồng thời không thể quên sự góp sức quan trọng của các ông thầy nội, ngoại trong Ban huấn luyện. Họ từng là cựu tuyển thủ quốc gia như ông Lee Young Jin hay Lư Đình Tuấn. Có thể nhiều người không “rành” về bóng đá Hàn Quốc nhưng với bóng đá Việt Nam, hình ảnh “chú sóc” Đình Tuấn chơi bóng thông minh, lăn xả thời bóng đá ta hội nhập khu vực sẽ hiểu vì sao ông cần/phải/nên có mặt ở khu kỹ thuật của U23 Việt Nam lúc này.
Có người nói chỉ bấy nhiêu ngày “nắm” U23 VN, thầy Park và các cộng sự đã “lột xác” hình ảnh và chất lượng đội tuyển trẻ. Kết quả thi đấu, và quan trọng hơn, các tuyển thủ được chọn đã thi đấu xuất sắc dựa trên nền tảng đấu pháp hợp lý, thể lực đảm bảo, duy trì sự tập trung và ý chí cao độ.
U23 Việt Nam đã vượt qua U23 Iraq sau trận cầu siêu kịch tính |
Nếu như trước đây, các đội tuyển thường để lộ gót chân Asin ở một vị trí nào đó, một thời điểm “chết người” nào đó, thì bây giờ, rất khó để chỉ ra cầu thủ nào phạm sai lầm cá nhân, ai không tuân thủ chỉ đạo. Hơn nữa, việc thay người của Ban huấn luyện thường chủ động, phục vụ mục tiêu rõ ràng và cầu thủ vào thay không hề thua sút chất lượng, thậm chí họ còn có thể lực tốt hơn, ý chí bền bỉ hơn.
Trên nền tảng chung đó, sự tỏa sáng và xuất thần của Quang Hải qua 2 trận đấu đáng được ngợi khen và tạo đà hưng phấn nhưng điều đó không làm phai nhạt niềm tin và thực tế thi đấu của Công Phượng hay Đức Chinh. Điều gì đến sẽ đến và Công Phượng chính là người nhanh chân ghi bàn mở tỷ số trong trận tứ kết gặp đối thủ sừng sỏ Iraq.
Cũng trong trận đấu nghẹt thở này, 3 bàn thắng trong 90 phút của U23 Việt Nam không có dấu giày của Quang Hải, nhưng sự điềm tĩnh mỗi khi có bóng, những cú sút, đường chuyền “sát thủ” của Hải đã gieo niềm tin vững chãi cho cả thầy trò và người hâm mộ, chưa kể pha sút luân lưu “tỉnh queo” kỳ lạ trước cầu môn Iraq.
Ở trận mở màn gặp Hàn Quốc, cặp đôi Sông Lam Nghệ An lên tuyển muộn là Xuân Mạnh và Văn Đức chỉ có tên trong đội hình dự bị và lần lượt được tung vào sân ở cuối hiệp 2. Nhưng cứ thế, cứ thế, mỗi lần vào sân họ đều tạo được dấu ấn riêng. Văn Đức khát khao cháy bỏng, được giao trọng trách chơi sát tiền đạo cắm của U23 Việt Nam và trong nhiều trường hợp có thể chơi như một mũi khoan sâu bất ngờ và thực sự là một “kép”chính, có hiệu quả như ở trận tứ kết. Người ta cũng không bất ngờ khi Xuân Mạnh leo biên thường xuyên và có những cú tạt chính xác cho đồng đội, tạo được sự yên tâm khi Văn Hậu vắng mặt.
Người hâm mộ đổ ra đường mừng đội tuyển trong đêm chiến thắng 20/1. Ảnh: Trần Thường |
Trong trận thua ngược 1-2 trước Hàn Quốc, có thể thấy rõ “lỗi” của các trung vệ ở pha bẫy việt vị không thành và pha bật nhảy thua sút khó tránh ở cuối trận. Nhưng ngay cả khi U23 Việt Nam bị thủng tới 3 bàn trong trận tứ kết kéo dài 120 phút, thật khó bắt lỗi các trung vệ hoặc ai đó bởi cái chính là trước đối thủ mạnh, U23 Việt Nam đã 2 lần vươn lên dẫn trước, 1 lần bị thua có phần oan uổng và đối thủ mới chính là những người phải rất cố gắng mới đưa được trận đấu về loạt sút luân lưu 11m.
Ở đây, câu chuyện may rủi thường được nhắc đến. Nhưng việc đội trưởng U23 Iraq “lĩnh ấn tiên phong” nhưng đã không thể làm chủ được tình huống đành “biếu” không một bàn hỏng cho U23 Việt Nam và lần lượt những cú sút lạnh lùng của U23 Việt Nam đã nói lên tất cả.
Trong trận tứ kết, có chi tiết thú vị và đáng nhớ của 2 thủ môn. Cú sút penalty của Iraq đập chân Tiến Dũng bay vào lưới trong sự tiếc nuối của thủ môn này. Và cú sút quyết định của “người xung phong” Tiến Dũng không hiểu sao cũng lại đạp người thủ môn đội bạn và cũng lại bay rất vừa tầm để vào lưới. Như vậy là… công bằng, không ai rủi và cũng chẳng ai may!
Đến lúc này, ai đó mới tự hỏi, vậy ông Park và cộng sự tập sút 11m cho các tuyển thủ lúc nào vậy? Suy tính thế nào, niềm tin ra sao trước các đối thủ mạnh mà ông thầy lại cho học trò âm thầm luyện binh để đến khi vào cuộc cứ nồng nhiệt, cứ lạnh lùng và hiệu quả đến bất thần, bất ngờ như thế?
Bây giờ chưa phải lúc ông Park đưa ra câu trả lời, bởi phía trước là ngọn núi cao hơn ở vòng bán kết, nơi lần đầu tiên bóng đá Việt đặt chân đến trong sự ngưỡng vọng và tin tưởng của người hâm mộ không chỉ ở Việt Nam, Hàn Quốc…
Theo Vietnamnet