Thời sự - Chính trị

Thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó, khen thưởng theo công trạng

17:10, 28/03/2022
Ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) ngày 28/3, tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đều tập trung khẳng định: Thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó, quan tâm khen thưởng theo công trạng.
Quang cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Quang cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tiếp tục tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật

Phát biểu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), có 268 lượt ý kiến phát biểu thảo luận ở tổ, 34 lượt ý kiến phát biểu tại Phiên thảo luận ở Hội trường và 8 ý kiến bằng văn bản. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự thảo Luật.

Ngay sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật.  

Về vấn đề khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục thực hiện khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.  

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành không quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện, đối tượng để khen thưởng thành tích kháng chiến mà chỉ quy định nguyên tắc: “Nhà nước tiếp tục xem xét và thực hiện việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến cho những cá nhân, gia đình, địa phương và cơ sở có công lao, thành tích” và giao “Chính phủ hướng dẫn thể thức và thời hạn kết thúc việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến”. Tại lần sửa đổi Luật này, Chính phủ tiếp tục duy trì nguyên tắc chung như trên để trình Quốc hội và bổ sung phạm vi “bảo vệ Tổ quốc” và đối tượng “tập thể”.  

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến như thể hiện tại khoản 1 Điều 95 dự thảo Luật.

Về việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” (Điều 51 và Điều 55 dự thảo Chính phủ trình Quốc hội), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Trong quá trình thảo luận, có hai loại ý kiến về việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”:

Loại ý kiến thứ nhất thống nhất với Tờ trình của Chính phủ, đề nghị bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” và loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” trong dự thảo Luật.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, thực hiện Kết luận của Ban Bí thư (tại Công văn số 3257-CV/VPTW ngày 7/2/2017 thông báo Kết luận của Ban Bí thư về chủ trương tặng thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc quy định hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” cho cựu Thanh niên xung phong tham gia kháng chiến, trong đó làm rõ về tên gọi, đối tượng, thời hạn, tiêu chuẩn xét tặng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.  

Dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng quy định “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” được tặng hoặc truy tặng cho thanh niên xung phong tham gia thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ có thời gian tại ngũ liên tục từ 02 năm trở lên, hoàn thành nhiệm vụ, trung thành với cách mạng. Thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ đã được công nhận liệt sĩ có thời gian tại ngũ 1 năm trở lên thì được truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.

Với tính chất là một hình thức khen thưởng kháng chiến, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cho phép đưa quy định này vào Điều về khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và thể hiện tại khoản 2 Điều 95 nói trên.

Khắc phục tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích”

Phát biểu tại hội nghị, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng: Có thể nói, dự thảo Luật thi đua khen thưởng đã có sự đổi mới mạnh mẽ và căn bản để thể chế hóa Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị “Về việc tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”.   

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Mai Thị Phương Hoa phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Luật đã phân cấp phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng; thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích” trước đây. Dự thảo Luật cũng có nhiều quy định để đưa phong trào thi đua thực sự thiết thực, hướng về cơ sở, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua.

“Đặc biệt, dự thảo Luật đã giải quyết cơ bản những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa phát biểu.  

Về tiêu chuẩn về Huân chương Lao động các hạng (Điều 39, 40 và 41), đại biểu Mai Thị Phương Hoa nhất trí quy định của dự thảo Luật về tiêu chuẩn đối với Huân chương Lao động các hạng, nhất, nhì, ba. Các tiêu chuẩn đã cơ bản bao quát được các trường hợp như lập thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất, có phát minh sáng chế được ứng dụng mang lại hiệu quả cao, có nhiều đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội…

Còn đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị không quy định tiêu chuẩn quá “cứng” về thời gian khi khen thưởng tặng và truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”. Bà Lan dẫn chứng, nhiều trường hợp tham gia thanh niên xung phong chưa đủ thời gian đã hy sinh như chị Trần Thị Rạm (1 trong 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc), sẽ không được truy tặng danh hiệu Thanh niên xung phong vẻ vang.

“Nhiều trường hợp khác cũng tương tự. Theo tôi, không nên quy định quá cứng mà nên linh hoạt về thời gian tham gia thanh niên xung phong, về các điều kiện công nhận, tặng, truy tặng huy hiệu, huy chương Thanh niên xung phong. Có thể có quy định riêng cho những trường hợp đặc biệt, có sự đóng góp, cống hiến, thành tích lớn”, đại biểu Đỗ Thị Lan đề xuất.

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, Luật Thi đua khen thưởng trước đây tuy đã có quy định đối với người lao động trực tiếp: Công nhân, nông dân... nhưng đối tượng chưa đẩy đủ, việc quy định chưa cụ thể, tiêu chuẩn chung chung, định lượng thấp. Vì vậy tỷ lệ khen thưởng cho người lao động trực tiếp còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra.

“Điều này dẫn đến tình trạng như "đường sữa phát từ trên phát xuống, cày cuốc thì phát từ dưới phát lên". Tôi đồng tình với việc sửa đổi tiếp thu đầy đủ hơn của ban soạn thảo, đặc biệt bổ sung đối tượng khen thưởng”, ông Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.

Ông Bùi Hoài Sơn nhận thấy, dự thảo quan tâm nhiều hơn đến đối tượng lao động trực tiếp, qua đó động viên, khích lệ tình thần, vật chất với cá nhân có thành tích xuất sắc, tạo động lực để cá nhân cống hiến nhiều hơn nữa, mang lại nhiều giá trị phát triển cho kinh tế - xã hội đất nước.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện