Thời sự - Chính trị

Nhà báo Ấn Độ và ấn tượng sâu đậm từ những tấm ápphích in ảnh Bác Hồ

07:43, 19/05/2022
Theo nhà báo Sandip Hor, kể từ năm 2006, ông đã có nhiều dịp thăm lại Việt Nam, qua các chuyến đi, ông càng hiểu rõ thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và càng ngưỡng mộ thêm vị lãnh tụ kính yêu này.
Nhà báo Sandip Hor và bức ảnh tấm áp phích Chủ tich Hồ Chí Minh lịch sử. (Ảnh: TTXVN phát)

Nhà báo Sandip Hor lần đầu biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, khi tại quê hương ông, thành phố Kolkata, bang Tây Bengal, Ấn Độ, diễn ra các cuộc tuần hành, biểu tình ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Từ đó, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã trở thành người mà nhà báo Ấn Độ luôn ngưỡng mộ. 

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Sydney, nhà báo Sandip, hiện là Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà báo quốc tế Australia nhớ lại rằng vào cuối những năm 1960 và đầu năm 1972, khi ông hoàn thành bậc trung học và bước vào cổng trường đại học, Đảng Cộng sản lên nắm quyền lãnh đạo ở bang Tây Bengal.

Vào thời gian này, phong trào cách mạng ở đây phát triển rất mạnh mẽ theo đường lối của chủ nghĩa Mác - Lênin và ủng hộ các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước khác, trong đó có Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Tại Kolkata, hồi đó có tên là Calcutta, người dân đã tổ chức nhiều cuộc tuần hành phản đối chiến tranh và ủng hộ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc Việt Nam.

Do những người tham gia tuần hành ủng hộ các lý tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rất nhiều ápphích Chủ tịch Hồ Chí Minh được treo dọc theo các đường phố ở Kolkata.

Cho đến nay, nhà báo Sandip nhớ rõ những tấm ápphích có in ảnh Bác Hồ với chòm râu bạc, và đó là hình ảnh đầu tiên mà ông biết về vị lãnh tụ của Việt Nam.

Nhà báo Sandip kể lại những người tham gia biểu tình khi đó thường hô to hai khẩu hiệu: “Tên của anh cũng là tên tôi. Tên tôi là Việt Nam” và “Chào Việt Nam, chào Hồ Chí Minh.”

Cũng vào thời gian đó, chính quyền bang Tây Bengal đã lấy tên Hồ Chí Minh để đặt tên cho một con phố trung tâm của thủ phủ Calcutta để tưởng niệm lãnh tụ Việt Nam, người tạo nguồn cảm hứng cho phong trào giải phóng dân tộc ở đây từ năm 1945.

Phải đến năm 2006, nhà báo Sandip mới có dịp đến Việt Nam lần đầu tiên. Trong chuyến đi này, giống như nhiều du khách nước ngoài khi tới thủ đô Hà Nội, ông đã vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm nhà sàn nơi Người từng sống lúc sinh thời.

Chia sẻ cảm xúc về chuyến thăm, nhà báo Sandip nói: “Được tận mắt nhìn thấy vị Chủ tịch nổi tiếng, dù chỉ trong vài giây, người tôi run lên vì xúc động. Hình ảnh người trong tấm áp phích ở Calcutta vẫn in đậm trong tôi. Khi đến thăm nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo của một dân tộc trong suốt 25 năm, điều tôi cảm phục nhất là người có lối sống thật giản dị. Người sống trong gian phòng nhỏ, hầu như không có đồ đạc gì đáng giá, chỉ có một chiếc giường đơn và một chiếc đài nhỏ. Phòng ăn cũng giản dị. Bên cạnh nhà là Phủ Chủ tịch rất đẹp, nhưng Hồ Chí Minh không sống ở đó. Người chọn sống trong ngôi nhà giản dị như người luôn như vậy.”

Cũng thật bất ngờ, trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên đó, một lần nữa ông được nhìn thấy tấm áp phích lịch sử trên tại Bảo tàng chiến tranh ở Thành phố Hồ Chí Minh, nơi ông đến để tìm hiểu rõ hơn về cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, lịch sử Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhà báo Sandip cho biết kể từ năm 2006 đến nay, ông đã có nhiều dịp thăm lại Việt Nam, đi đến rất nhiều nơi, tới các viện bảo tàng và các di tích lịch sử. Qua các chuyến đi này, ông càng hiểu rõ thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và càng ngưỡng mộ thêm vị lãnh tụ kính yêu của Việt Nam.

Theo nhà báo Ấn Độ, ông ngưỡng mộ tầm nhìn của Hồ Chí Minh, người luôn nghĩ về dân tộc, quan tâm đến mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, tương lai của đất nước, cũng như những nguyên tắc, giá trị của người, với lối sống giản dị, dễ gần, luôn gần gũi với nhân dân, luôn canh cánh về tương lai của đất nước và hạnh phúc của người dân.

Ông nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo suốt cuộc đời đấu tranh vì độc lập cho đất nước, dân tộc Việt Nam. Chính vì tình yêu của Hồ Chí Minh đối với đất nước, dân tộc, mà mọi người dân Việt Nam gọi người là Bác Hồ. Với cá nhân tôi, Hồ Chí Minh cũng thật gần gũi và thân thiết như một người bác. Tôi rất vui được chia sẻ những câu chuyện và suy nghĩ chân thành của mình nhân dịp sinh nhật Bác.”./.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện