Hội nghị giao ban toàn tỉnh về công tác giải ngân vốn đầu tư công 2022

17:07, 20/09/2022
Đến ngày 10/9, giải ngân đầu tư công của Nghệ An mới đạt tỷ lệ gần 30%. Trước tình hình chậm tiến độ đề ra, sáng 20/9 UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị giao ban toàn tỉnh về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Chủ trì hội nghị có các đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hồng Vinh – Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị.

Năm 2022, tỉnh Nghệ An được giao kế hoạch giải ngân đầu tư công gần 7.125 tỷ đồng. Trong đó nguồn ngân sách TW gần 5.567 tỷ đồng; ngân sách địa phương là gần 1.558 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Đức báo cáo kết quả giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh. 

Đến ngày 10/9, tổng vốn đầu tư công tập trung được giao đã giải ngân đạt 29,74%; còn với nguồn vốn đã phân bổ, giải ngân bình quân chung là 36,52%, thấp hơn so với cùng 2021. Hiện trong kế hoạch, vẫn còn gần 1.323 tỷ đồng chưa được giao chi tiết, trong đó có trên 1.295 tỷ đồng Chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó Giám đốc Sở TT&TT Phan Nguyên Hào báo cáo nguyên nhân dự án do Sở làm chủ đầu tư đến nay chưa giải ngân được.
Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Lê Tiến Trị báo cáo nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của Ban đạt thấp. 

Đến nay, đang có 18 huyện, thành, thị, 13 đơn vị chủ đầu tư khác giải ngân dưới mức bình quân chung của tỉnh và 15 đơn vị chủ đầu tư chưa giải ngân đồng nào. Đối với một số dự án trọng điểm, khối lượng giải ngân vẫn còn chậm so với tiến độ.

Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai Nguyễn Hữu An báo cáo kết quả giải ngân vốn đầu tư công.

Theo dự báo đến hết năm 2022, toàn tỉnh sẽ có 27 dự án dự kiến không giải ngân hết với số vốn trên 560 tỷ đồng. Hiện, một số đơn vị chủ đầu tư đã đề nghị trả lại nhà nước một số nguồn vốn đã phân bổ do không thể hoàn thành giải ngân trong năm nay.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh phát biểu tại hội nghị. 

Gần 30 ý kiến phát biểu tại cuộc họp cũng đã trao đổi thông tin, phân tích làm rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, dẫn đến kết quả giải ngân đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Lãnh đạo các sở, ngành, chính quyền các địa phương, các chủ đầu tư, đơn vị cũng đã nhận trách nhiệm về mình; đồng thời cam kết với Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ, kế hoạch giải ngân trong năm nay.  

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã biểu dương một số ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao… Tuy nhiên, nhìn vào tổng thể, kết quả giải ngân vẫn chưa đạt được như mong muốn. Đi sâu vào phân tích, Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu rõ: năm nay dự án mới triển khai nhiều, công tác giải phóng mặt bằng khó khăn, quy định về đấu thầu chưa điều chỉnh… Những khó khăn khách quan này đã lường trước được, nếu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư có sự chủ động thì sẽ giải quyết phần nào được các vướng mắc.

Lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương tham dự hội nghị. 

Theo quy định của Luật, chỉ còn lại hơn 4 tháng nữa để hoàn thành kế hoạch giải ngân đầu tư công năm 2022. Khối lượng còn lại rất lớn, trách nhiệm cũng rất nặng nề. Trong đó có 61 công trình với kế hoạch vốn trên 890 tỷ đồng chưa giải ngân đồng nào. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện. Mục tiêu cao nhất là phải hoàn thành Nghị quyết 124 về giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 mà Chính phủ vừa mới ban hành.

Chủ tịch UBND nhấn mạnh chỉ tiêu giải ngân đầu tư công phải đưa vào kết quả đánh giá, xếp loại thi đua khen thưởng để gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời Sở KH-ĐT phải đôn đốc các chủ đầu tư cam kết về mặt tiến độ; kịp thời báo cáo các vướng mắc, hạn chế và tham mưu hướng giải quyết. Những chủ đầu tư nào không đảm bảo đúng tiến độ, có thể thay thay thế... Đề nghị Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước cùng phối hợp để giám sát tiến độ giải ngân thực tế.
Về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Sở KH-ĐT phối hợp với 3 ngành chủ trì là Nông nghiệp, Lao động – Thương bình và Xã hội, Ban Dân tộc cùng rà soát và hoàn thành giao vốn, chậm nhất trước ngày 30/9. Trên cơ sở số, tham mưu ban hành quy định để phân cấp, phân quyền trong quản lý vốn, quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Cố gắng đến cuối năm phải hoàn thành giải ngân được 50% nguồn vốn đầu tư công của các chương trình mục tiêu.

Lãnh đạo UBND các huyện, thành, thị tham dự hội nghị. 

Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư phải tập trung để tháo gỡ, xử lý những khó khăn, vướng mắc đã nhận diện. Trong đó, Sở TN-MT phải hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương về công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp mỏ đất, hoàn thiện kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất. Quá trình xử lý các thủ tục không được làm sai nhưng phải nhanh, đáp ứng được yêu cầu công việc, tiến độ giải ngân. Sở Xây dựng phải cập nhật, công bố kịp thời về giá vật liệu xây dựng... Các chủ đầu tư phải lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực để lập dự án, hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ theo quy định... Cố gắng rà soát khối lượng thi công, để giải ngân từng tuần, từng tháng.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu phải rà soát các dự án, để điều chỉnh vốn kế hoạch đầu tư công. Tinh thần chỉ đạo là hạn chế việc trả nguồn vốn. Đây là thời điểm khó khăn nhưng các đơn vị phải tập trung cao độ để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công...
Ngay từ bây giờ, Sở KH-ĐT, các sở, ngành, địa phương và các đơn vị chủ động rà soát, đánh giá khả năng thực hiện để xây dựng kế hoạch đầu tư công của năm 2023. Trong đó, đối với các đơn vị không đáp ứng yêu cầu giải ngân năm 2022 thì sẽ xem xét trách nhiệm, giảm kế hoạch bố trí vốn của năm 2023./.

Thái Dương – Trường Ca

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện