Thời sự - Chính trị

Trình Quốc hội chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy

18:34, 08/11/2024
Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 hướng tới mục tiêu 3 “giảm”.
Quang cảnh phiên làm việc sáng 8/11 ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.
Quang cảnh phiên làm việc sáng 8/11 ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Sáng 8/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường Diên Hồng. Các ĐBQH đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung phiên họp. Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An do đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn dự họp. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung phiên họp.

 Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 hướng tới mục tiêu 3 “giảm”.

Trước hết, giảm cung thông qua đấu tranh ngăn chặn tội phạm về ma túy từ sớm, từ xa, từ nơi sản xuất, trên các tuyến trọng điểm và địa bàn biên giới, trên biển và hàng không.

Đấu tranh hiệu quả tội phạm về ma túy có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ cao và lợi dụng không gian mạng; triệt xoá các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ.

Nâng cao năng lực cho các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; đầu tư trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.

Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, không để thất thoát vào hoạt động sản xuất trái phép các chất ma túy. Xóa bỏ bền vững tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy. 

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An và các ĐBQH đoàn Nghệ An tại phiên làm việc sáng 8/11.

Thứ hai là giảm cầu thông qua quản lý chặt chẽ người nghiện ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma tuý, người tham gia điều trị nghiện ma tuý và người sau cai nghiện ma túy; kiềm chế tỷ lệ gia tăng người nghiện ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma túy; hạn chế tới mức thấp nhất tỷ lệ tái nghiện ma túy, người sử dụng trái phép ma tuý trở thành người nghiện ma tuý mới.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện ma tuý; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, nhân lực cho các cơ sở cai nghiện công lập, bảo đảm đáp ứng công suất và tiêu chuẩn theo quy định.

Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực cho các lực lượng, cơ quan, tổ chức, đoàn thể ở cơ sở trong công tác xác định tình trạng nghiện, công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, điều trị nghiện, quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý, người tham gia điều trị nghiện, người sau cai nghiện ma tuý.

Giữ vững và nhân rộng các xã, phường, thị trấn không có ma túy; phấn đấu xây dựng các địa bàn cấp huyện không có ma túy, địa bàn cấp tỉnh không có ma tuý; chuyển hoá địa bàn trọng điểm phức tạp về ma tuý.

Nâng cao nhận thức về phòng, chống ma túy của toàn xã hội, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, công nhân lao động. Nâng cao khả năng tiếp cận, thụ hưởng trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý trong các vụ án, vụ việc về ma túy.  

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra.

Thứ ba là giảm tác hại thông qua bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực điều trị nghiện ma túy. Hỗ trợ và can thiệp về y tế, tâm lý cho người nghiện ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma tuý, người cai nghiện ma tuý, người tham gia điều trị nghiện ma tuý, người sau cai nghiện ma túy. Nghiên cứu, ứng dụng các loại thuốc và phương pháp y học hiện đại và cổ truyền trong công tác cai nghiện, điều trị nghiện ma túy.

Theo tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là yêu cầu cấp bách và khách quan, xuất phát từ thực tiễn tình hình, trước những áp lực ngày càng gia tăng của tình hình ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước đe dọa trực tiếp đến sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đồng thời đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống ma túy vào cuộc sống; góp phần bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng môi trường ổn định, an toàn, lành mạnh.

Chính phủ đánh giá, nguồn ma túy chủ yếu từ nước ngoài được mua bán, vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thường xuyên thay đổi, gia tăng sử dụng công nghệ cao, triệt để lợi dụng thành tựu, tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, Internet, không gian mạng để thực hiện các hành vi phạm tội, sẵn sàng trang bị các loại vũ khí quân dụng, manh động, chống trả quyết liệt, gây khó khăn, nguy hiểm cho lực lượng chức năng trong quá trình đấu tranh, bắt giữ.

Tình hình tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 14/2/2024, toàn quốc có 223.715 người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện ma túy (chiếm 0,23% dân số cả nước); gồm: 39.431 người sử dụng trái phép chất ma túy; 166.698 người nghiện ma túy và 17.586 người bị quản lý sau cai nghiện ma túy; trong đó có 1.459 người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy có biểu hiện loạn thần “ngáo đá”.

Hoạt động sử dụng trái phép ma túy, ma túy “núp bóng”, tẩm ướp, pha trộn vào thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử và tệ nạn ma túy liên quan đến thanh, thiếu niên tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp, nhất là tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm về an ninh trật tự.

Hoạt động trồng trái phép cây có chứa chất ma túy chưa được xóa bỏ bền vững, nhất là tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên. Số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy chiếm tỷ lệ rất cao với 8.865/10.598 xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy (chiếm 83,7%). 

Các ĐBQH đoàn Nghệ An tại phiên làm việc sáng 8/11.  

Nếu được Quốc hội thông qua, Chương trình mục tiêu quốc gia này sẽ được thực hiện từ năm 2025 đến hết năm 2030, với tổng vốn thực hiện hơn 22.450 tỷ đồng, nhằm tiếp nối và phát huy các thành tựu, kết quả đạt được; đồng thời tiếp tục thực hiện các nội dung chưa hoàn thành của Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025.

Cũng trong chương trình làm việc sáng 8/11, Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; dự án Luật Hóa chất và tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dữ liệu.

 Tình hình tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 14/2/2024, toàn quốc có 223.715 người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện ma túy (chiếm 0,23% dân số cả nước); gồm: 39.431 người sử dụng trái phép chất ma túy; 166.698 người nghiện ma túy và 17.586 người bị quản lý sau cai nghiện ma túy; trong đó có 1.459 người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy có biểu hiện loạn thần “ngáo đá”.

 

Theo BNA

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện
  • Sky Mansions Haus Đà Lạt