Trong nước

Việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ được quyết định vào cuối năm nay

17:16, 10/08/2020
"Giảm bớt thủ tục cho dân nhờ. Cái gì thuận tiện cho nhân dân, hiện đại thì ta làm. Đừng luyến tiếc thủ tục hành chính quá rườm rà", Chủ tịch Quốc hội nói về việc bỏ sổ hộ khẩu.

Ngày 10/8, phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những nét mới mà Bộ Công an đưa vào dự thảo luật.

Bà cho rằng trên thế giới không còn bao nhiêu nước dùng sổ hộ khẩu, trong khi nước ta lại để quá lâu mà chưa cải cách.

Di dân là quy luật không cản được

“Tôi ủng hộ việc này. Cái nào tiến bộ hơn, văn minh hơn, hiện đại hơn thì ủng hộ. Giảm bớt thủ tục cho dân nhờ. Cái gì thuận tiện cho nhân dân, hiện đại thì ta làm. Đừng luyến tiếc thủ tục hành chính quá rườm rà", Chủ tịch Quốc hội nói và chia sẻ bà từng vất vả khi làm mất sổ hộ khẩu phải khai lại nhiều lần.

Theo Chủ tịch Quốc hội, để luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, Chính phủ, Bộ Công an cần xác định rõ các mốc thời gian để phấn đấu. Các vấn đề còn "lấn cấn" thì trình Quốc hội lấy ý kiến hoặc kiến nghị gia hạn thêm thời gian.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp ngày 10/8.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp ngày 10/8.

Ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu, ủng hộ tư duy mới của dự thảo và đánh giá ứng dụng công nghệ là hoàn toàn trong tầm tay. “Dự thảo lại rất cởi mở, tạo điều kiện cho công dân đúng theo tinh thần Hiến pháp”, ông Túy nói.

Về lo ngại bỏ sổ hộ khẩu sẽ tăng áp lực di dân ở các TP lớn, ông Túy cho rằng đây là quy luật, cả thế giới không ngăn được. Để giải quyết vấn đề này phải đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó quan trọng nhất là phát triển nông thôn và các vùng miền.

Trưởng ban Công tác đại biểu cho rằng quản lý dân cư bằng các công cụ hành chính đã không còn hữu hiệu và nhấn mạnh dự thảo có hiệu lực sẽ giúp giảm bớt thủ tục hành chính, được nhân dân ủng hộ.

Thông qua ở kỳ họp Quốc hội cuối năm

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhìn nhận việc quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân là hoàn toàn phù hợp với xu thế hiện đại. Việc này giúp thuận lợi cho công dân, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm chi phí giao dịch.

Song, theo ông Tùng, hiện có gần 30 thủ tục hành chính ở cấp bộ đang có yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và các giấy tờ chứng minh nơi cư trú. Nhiều ý kiến cho rằng luật cần quy định về lộ trình chuyển tiếp phù hợp để phương thức quản lý cư trú mới thực sự khả thi. Trong quá trình đó, cần tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, đề xuất áp dụng như “thu phí không dừng trong giao thông là có hai làn”. Ai đủ điều kiện thì không cần sổ. Trường hợp còn vướng mắc thì linh hoạt xử lý tạo thuận lợi cho người dân.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết trong quá trình áp dụng mã định danh cá nhân và thẻ căn cước sẽ tiếp tục cải tiến. Bộ tiến tới có thể phối hợp để tích hợp các trường thông tin như bảo hiểm, y tế, bằng lái xe... chỉ trong 1 thẻ, hạn chế được giấy tờ.

Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Bộ Công an sớm rà soát các quy định của pháp luật hiện hành bởi còn rất nhiều thủ tục hành chính cần có Sổ hộ khẩu. Từ đó, bộ kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trước khi luật có hiệu lực.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.

Theo Zing

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện