Quy chế hoạt động biểu diễn: Quá nhiều lỗ hổng!
Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật (Nguồn: Internet) |
Hơn 30 bản báo cáo, tham luận của các đại biểu đều tập trung vào việc đánh giá những mặt được cũng như chưa được của quy chế nêu trên.
Duyệt trên giấy và thiếu giám sát
Trên thực tế, duyệt chương trình dựa trên văn bản đăng ký để cấp phép biểu diễn khá phổ biến. Nhiều chương trình ca nhạc treo băngrôn có “sao lớn” nhưng thực tế là người có cùng nghệ danh…
Màn biểu diễn bikini biến tướng khiến nhiều người xem khó chịu trong khuôn khổ Lễ hội ẩm thực thế giới tại thành phố Vũng Tàu ngày 21/7/2010 là ví dụ mới nhất về sai phạm trong tổ chức biểu diễn. Được biết, trong nội dung đăng ký là biểu diễn thời trang bikini và bán vé, nhưng thực tế lại là các màn múa cột phô diễn cơ thể gây phản cảm.
Bên cạnh đó còn có nguyên nhân phân cấp quản lý trách nhiệm rõ ràng, duyệt chương trình để cấp phép, nhưng dường như công tác giám sát bị bỏ rơi.
Một lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, muốn chương trình biểu diễn thực hiện được và không có sai sót đòi hỏi người thực thi quy chế phải có ý thức. Mức độ vi phạm rất khó kiểm soát, chúng tôi chỉ có cách tăng cường, bổ sung vào văn bản chặt chẽ hơn. Vấn đề chính vẫn là ý thức của người tổ chức, nghệ sỹ, công chúng cùng chung giám sát."
NSND Lê Ngọc Cường, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sỹ múa Việt Nam thẳng thắn cho biết: Doanh nghiệp tư nhân đăng ký hoạt động biểu diễn nghệ thuật được cấp phép dễ dàng khiến công tác quản lý phức tạp hơn. Nhiều người đứng đầu các công ty tổ chức biểu diễn không có chuyên môn, không đủ khả năng thẩm định khi sản xuất các chương trình biểu diễn. Vi phạm chủ yếu rơi vào nhóm này.
Vi phạm bản quyền tác giả
Hội nghị đã chỉ ra sự chồng chéo giữa Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp (ban hành kèm quyết định 47/QĐ-BVHTT ngày 2-7-2004, gọi tắt là quy chế 47) với Luật Sở hữu trí tuệ dẫn đến tình trạng hằng năm có hàng ngàn buổi biểu diễn âm nhạc diễn ra công khai nhưng không xin phép nhạc sĩ khi sử dụng tác phẩm, gây khó khăn trong công tác thu bản quyền tác phẩm của Trung tâm bảo hộ quyền tác giả âm nhạc.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương đã thống kê và đưa ra con số bất ngờ: chỉ 2% số buổi biểu diễn tại Hà Nội có xin phép các nhạc sĩ sử dụng tác phẩm.
Ông đã kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước chỉ cấp phép cho các cá nhân - tổ chức khi đã hoàn thành nghĩa vụ luật pháp (xin phép tác giả).
Phải sửa đổi để theo kịp thực tế
Trước sự phát triển không ngừng của xã hội, có những quy định cần được đánh giá, sửa đổi cho phù hợp với thực tế của đời sống, nghệ thuật, giúp phát huy hiệu quả quản lý nhà nước chặt chẽ hơn.
Theo ông Vương Duy Biên, tại các thành phố lớn đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều các chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp với mục đích phục vụ các hoạt động khai trương, hội nghị khách hàng, quảng bá thương hiệu, quảng cáo sản phẩm cho các doanh nghiệp, có hoạt động tài trợ biểu diễn thu hút rất đông lượng khán giả tham dự. Có những chương trình xin cấp phép treo băngrôn quảng cáo mặc dù không bán vé thu tiền.
Bên cạnh đó, có những chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp diễn ra tại các địa điểm không phải là nơi chuyên dành để biểu diễn nghệ thuật như quảng trường, sân vận động, nhà thi đấu, khuôn viên siêu thị, nhà hàng… Những chương trình này đều có khả năng ảnh hưởng đến an ninh trật tự công cộng.
Tuy nhiên, các văn bản pháp quy hiện nay chưa có quy định cụ thể và chặt chẽ để quản lý đối với những chương trình nghệ thuật này.
Ông Biên khẳng định Cục sẽ cùng các cơ quan liên quan bàn bạc và đưa ra đề xuất trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch duyệt nội dung bổ sung các quy định về tiêu chuẩn được cấp phép biểu diễn theo từng điều kiện cụ thể khi biểu diễn và những yêu cầu buộc đơn vị tổ chức phải thực hiện nghiêm (như yêu cầu về bảo vệ, về cảnh sát hỗ trợ cũng như sự an toàn cho nghệ sĩ biểu diễn).
(Theo TTXVN)