Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Tân Kỳ khôi phục nghề dệt thổ cẩm

16:06, 10/08/2010
Dệt thổ cẩm của phụ nữ dân tộc Thanh ở xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ đã bị mai một trong thời gian gần đây. Để khôi phục nghề này, vừa qua, Hội LHPN Tân Kỳ đã phối hợp với các đơn vị liên quan mở các lớp dạy nghề tại một số địa phương trong huyện.

 

 

Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của phụ nữ dân tộc Thanh ở xã Phú sơn huyện Tân kỳ, người dân ở đây cũng không nhớ được nghề dệt của họ có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi sinh ra đã thấy người mẹ mệt mài bên khung cửi. Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, thì các trang phục của chị em phụ nữ cũng đã có nhiều thay đổi. Chỉ còn các bậc cao niên là giữ được nghề dệt, còn hầu hết các bạn trẻ đều trở nên xa lạ với nghề này. Các trang phục truyền thống như Khăn, áo, váy chỉ được dùng vào các dịp lễ hội, cũng từ đó mà nghề dệt thổ cẩm ở Tân Kỳ đã dần bị mai một.

 

Chị em đã biết dệt thêm túi xách thổ cẩm

 

Với mong muốn giữ gìn và phát huy bản sắc riêng của đồng bào các dân tộc trong huyện, đồng thời, giúp chị em có thêm thu nhập để cải thiện đời sống, những năm gần đây, Hội LHPN Tân Kỳ đã phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan mở các lớp học nghề dệt thổ cẩm tại một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

 Chủ trương này đã đáp ứng được lòng mong đợi của những người có tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm, thu hút nhiều chị em phụ nữ ở các lứa tuổi tham gia. Với sự cần cù, chăm chỉ và khéo léo, chị em đã tạo ra nhiều sản phẩm với mẫu mã đẹp, hoa văn tinh xảo, màu sắc hài hòa. Nghề này không chỉ giúp chị em tự dệt cho mình những trang phục ưa thích, mà còn có thể bán ra thị trường, đem lại nguồn thu nhập cải thiện đời sống.

 

Để duy trì nghề dệt thổ cẩm, cần tìm hướng bao tiêu sản phẩm

 

Ở xã Phú Sơn có 4 xóm dân tộc Thanh là Môn Sơn, Quyết Thắng, Hòa Sơn, Thái Sơn. Để nghề dệt thổ cẩm đem lại hiệu quả, mỗi xóm, các chị chia ra 4 tổ, mỗi tổ có từ 4 đến 5 người. Những lúc rảnh rỗi, chị em lại quây quần bên khung cửi để dệt ra những sản phẩm đẹp và đa dạng. Trước đây họ chỉ biết dệt váy, khăn đội đầu, nhưng giờ đây họ còn biết dệt chăn, mũ, áo, túi xách... Để làm ra mỗi sản phẩm, chị em phải dành khoảng thời gian từ 2 đến 3 ngày, nghề dệt thổ cẩm rất cần sự kiên trì, tỷ mỉ và khéo tay. Sản phẩm của họ làm ra không chỉ tiêu thụ trong huyện mà còn được đem đi bán ở các huyện lân cận. Mỗi chiếc váy thổ cẩm bán với giá 250.000 đồng, chi phí nguyên liệu chỉ khoảng 50.000 đồng nên từ nghề này chị em cũng có thêm thu nhập cho gia đình.

 

 

Năm 2009 nghề dệt thổ cẩm ở nơi đây được công nhận là làng có nghề, nhưng để phát triển thì chị em cần có được tập huấn, hỗ trợ vốn và hướng bao tiêu sản phẩm. Chị em mong muốn các cấp, các ngành quan tâm và có sự hỗ trợ thiết thực để nghề dệt thổ cẩm tiếp tục được lưu truyền, góp phần gìn giữ nét đặc sắc trong đời sống của cộng đồng các dân tộc ở miền Tây xứ Nghệ.   

 

(Cẩm Tú)