Nghệ An bảo tồn, gìn giữ 41 trống đồng Đông Sơn
Chiếc trống đồng Đông Sơn được phát hiện đầu tiên vào năm 1959 ở xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp.
Năm 1973, trong đợt khai quật lần thứ nhất tại di chỉ khảo cổ học Làng Vạc xã Nghĩa Hòa, huyện Nghĩa Đàn, Viện Khảo cổ học Hà Nội và Ty Văn hóa Nghệ An phối hợp thực hiện đã phát hiện được 9 chiếc trống.
Ngoài ra, ở xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu, các nhà khảo cổ còn phát hiện 2 chiếc trống chậu.
Những chiếc trống tại Bảo tàng Nghệ An được phát hiện tập trung ở 5 huyện miền núi, dọc theo hai bên bờ sông Hiếu và được phát hiện một cách ngẫu nhiên qua quá trình lao động sản xuất, làm thủy lợi, giao thông, xây dựng, làm cát sỏi hay trong khi đào vàng.
Số trống còn lại được phát hiện dọc theo bờ sông Lam qua đợt khai quật lần I và lần II tại di tích khảo cổ học Làng Vạc, xã Nghĩa Hòa, Nghĩa Đàn.
Hoa văn trên trống đồng Đông Sơn được tìm thấy ở Nghệ An có nhiều loại, kiểu bố trí hợp lý trên các phần mặt, tang và thân trống. Giữa mặt trống là hình ngôi sao, phần nhiều là sao 12 cánh, xen giữa các cánh sao là họa tiết lông công hoặc những đường vạch chéo có hình tam giác lồng vào nhau. Bao quanh các ngôi sao có hình người, vật, động vật và hoa văn hình học.
Thân trống thường có hình thuyền, hình vũ sĩ, hoa văn hình học... Quai trống thường làm theo hình dây thừng bện.
Trong 41 trống được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ An chỉ còn 1 trống là nguyên dạng, 3 chiếc trống loại I (còn mặt trống và thân trống) được phát hiện ở chân Núi Quyết phường Trung Đô, thành phố Vinh.
Hiện các trống đồng khác không còn nguyên vẹn, chỉ còn mặt trống, quai trống, mảnh mặt trống hoặc thân trống.
Thời gian tới, bộ sưu tập trống đồng là một điểm nhấn quan trọng trong không gian trưng bày của Bảo tàng Nghệ An, giới thiệu đến đông đảo quần chúng nhân dân và du khách mỗi khi có dịp hành hương về quê hương Bác Hồ.
(Theo TTXVN)