Hội thảo khoa học “Danh nhân văn hóa Đông Các Đại học sỹ Cao Xuân Dục”
Đến dự có đồng chí Hồ Đức Phớc – Phó Bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh, Nguyễn Hồng Nhị - chủ tịch UBMTTQ tỉnh; các nhà nghiên cứu khoa học trong cả nước; lãnh đạo huyện Diễn Châu, xã Diễn Thịnh; Hội đồng gia tộc họ Cao và thân nhân của danh nhân. Các đồng chí Nguyễn Xuân Đường - ủy viên BTV Tỉnh ủy, phó chủ tịch UBND tỉnh, Cao Đăng Vĩnh – Giám đốc Sở VH, TT&DL, Giáo sư Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Phó giáo sư Ninh Viết Giao – chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Nghệ An chủ trì hội thảo.
Hội thảo khoa học “Danh nhân văn hóa Đông Các Đại học sỹ Cao Xuân Dục” |
Đông các Đại học sỹ Cao Xuân Dục (sinh năm 1842 và mất năm 1923) là một danh nhân văn hóa lớn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ông đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển khoa học xã hội nhân văn ở nhiều khía cạnh, từ văn hóa, giáo dục đến văn học, lịch sử, địa lý. Hơn 30 năm làm quan đại thần trong triều đình nhà Nguyễn, cùng những năm tháng sống ở quê hương, bằng tài năng, tâm huyết đối với sự nghiệp giáo dục, ông đã lưu giữ, phát triển những vốn văn hóa quý báu của dân tộc. Đông các Đại học sỹ Cao Xuân Dục đã làm nên sự nghiệp đồ sộ với một kho tàng trí thức được kết tinh trong hàng chục tác phẩm nghiên cứu, khảo cứu, sáng tác mà đến nay vẫn còn có giá trị lớn về học thuật.
6 thành viên Phủ Phụ Chánh triều Vua Duy Tân (Từ trái sang): Thượng thư Bộ huỳnh Tôn Thất Hân, Thượng thư Bộ lại Nguyễn Hữu Bài, Thượng thư Bộ hộ Huỳnh Côn, Phụ chính thân thần Hoàng Thân Miên Lịch, Thượng thư Bộ lễ Lê Trinh, Thượng thư Bộ học Cao Xuân Dục |
Tiểu sử Đông các Đại học sỹ Cao Xuân Dục |
Hội thảo khoa học danh nhân văn hóa Đông Các Đại học sỹ Cao Xuân Dục là cơ hội để các nhà khoa học và các nhà quản lý cùng nhau trao đổi một cách thẳng thắn, dân chủ, cởi mở về một nhân vật lịch sử.
Tại cuộc hội thảo đã có 10/ 35 tham luận được trình bày. Các tham luận này đã tìm hiểu sâu hơn, khai thác đầy đủ hơn các khía cạnh, vấn đề liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của danh nhân. Đồng thời cung cấp thêm nhiều tư liệu mới có giá trị, nhiều ý kiến quí báu trong việc nghiên cứu, đánh giá công lao, sự nghiệp của Danh nhân đối với lịch sử, văn hóa, giáo dục… cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Bên cạnh đó, các tham luận cũng đã đưa ra những định hướng trong việc gìn giữ, khai thác, phát huy có hiệu quả những di sản mà Danh nhân để lại, góp phần tích cực trong công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
(Mai Hương - Trần Lan Anh)