Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Bánh chưng đen của người Thái Thanh

15:20, 01/02/2013
Hình ảnh bánh chưng xanh trong dịp Tết đã quen thuộc với mọi người. Thế nhưng, trên vùng cao của huyện Quỳ Hợp, trong dịp tết còn có một loại bánh chưng từ hình thức đến hương vị đều rất độc đáo do bàn tay người Thái Thanh làm ra từ nhiều đời nay: chiếc bánh chưng đen.

 

Bánh chưng đen cũng gói bằng lá dong xanh nhưng không có hình vuông và to như bánh chưng xanh mà được làm bằng nhiều hình dạng và có những ý nghĩa khác nhau: Bánh hình sừng trâu để đại diện cho gia súc gia cầm, bánh vuông được kết nối thành từng chùm thể hiện sự sung túc; bánh hình gậy có hình dài tượng trưng cho vật dụng để người già cả chống gậy lên trời; bánh đôi được kết thành từng cặp thể hiện cho hạnh phúc gia đình, lứa đôi.

 

Bánh chưng đen được làm trong dịp tết dể cúng thần đất, thần rừng và tổ tiên ông bà. Đây là một trong những tập tục của người Thái Thanh có ở đồng bào vùng Châu Thành, Châu Thái của huyện Quỳ Hợp. Ông Lô Văn Phương- Bản Àng, xã Châu Thành cho biết: Khi sinh ra thì đã thấy ông bà cha mẹ làm loại bánh này rồi, được truyền lại là làm bánh này để thờ cúng tổ tiên và các vị thần để sang năm làm ăn phát đạt gia đình hòa thuận, con cháu khỏe mạnh. Cái này sẽ được truyền lại cho con dâu để giữ mãi truyền thống này. Khi chúng tôi không còn nữa  thì con dâu lại làm loại bánh này để thờ cúng tổ tiên và lưu truyền từ đời này sang đời khác.

 

Làm vừng đen
 
Giã nếp
 
Đốt rơm để lấy thành phẩm tạo màu đen cho bánh
 
Gói bánh

 

Những cụ già người Thái Thanh cho biết, để làm được chiếc bánh chưng đen khá kỳ công, nguyên liệu làm bánh phải được chọn lựa kỹ càng: lá dong bánh tẻ, khổ vừa phải, rửa sạch, lau khô, lúa nếp nương phải là thứ nếp thơm ngon, bông lúa đẹp nhất. Nếp được trộn với vừng đen gọi là Nga Chiếng có vị thơm đặc trưng, loại vừng này thường được trồng từ đầu năm nhưng cuối năm mới đưa ra dùng để làm bánh chưng đen. Để tạo màu đen cho chiếc bánh thì lấy chính từ rơm của cây lúa nếp đốt lên thành tro trộn vào giã nhuyễn cho đến khi hạt nếp chuyển sang màu đen của tro. Bánh chưng đen phải được gói thủ công, xếp vào nồi đổ nước cho ngập mặt lá, đun khoảng 4 - 5 tiếng thì vớt ra.

 

Quây quần bên bếp lửa nấu bánh
 
Thơm lừng nồi bánh chưng đen

 

Giáp Tết, trong cái rét vùng cao, mà ngồi bên nồi bánh chưng sôi sùng sục khói thường là dịp để ông bà con cháu trong gia đình quây quần bên nhau, ôn lại chuyện năm cũ, bàn chuyện năm mới tạo nên không khí vừa ấm cúng và thật thú vị. Đặc biệt, người được chọn gói bánh là người già còn các con dâu trong gia đình là những người soạn sửa nguyên vật liệu để làm bánh, công việc thường được bắt đầu từ khi 4 giờ sáng, thể hiện lòng hiếu thảo của con cái đối với ông bà cha mẹ. Bánh chưng đen thể hiện lòng hiếu thảo của con dâu đối với nhà chồng. Mặc dầu cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng bánh chưng đen là món ẩm thực không thể thiếu được của dồng bào Thái trong mỗi dịp tết đến xuân về.

 

Bánh chưng đen không có nhân nhưng khi thưởng thức sẽ cảm nhận được hương vị thật đặc biệt, vị thơm của nếp vùng cao. Tất cả tạo nên một nét văn hóa ẩm thực đẹp của đồng bào Thái Thanh nơi vùng cao của huyện Quỳ Hợp.

 

(Bùi Thọ)