Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Bệnh cũ tái phát tại đền chùa đầu năm

15:03, 21/02/2013
Đi lễ chùa đầu năm là một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay với mong ước cầu cho cuộc sống yên lành, no ấm, hạnh phúc. Tuy vậy, một thực tế đang xảy ra tại đây là tình trạng ăn xin; móc túi, chèo kéo khách mua lễ vật, ép giá... đã làm mất đi tính thẩm mỹ trong văn hóa linh thiêng này.

 

Đền Cờn - huyện Quỳnh Lưu; đền Hoàng Mười - huyện Hưng Nguyên; đền Hồng Sơn - TP Vinh..., những ngày đầu năm, từ sáng sớm, hàng nghìn du khách từ khắp mọi nơi đã sắm sửa hương hoa, lễ vật để lên đền thắp hương cầu may, cầu bình an, cầu tài. Với nhu cầu của du khách, rất nhiều ki ốt kinh doanh mọc lên ngay dọc 2 bên cổng ra vào đền, chùa với đa dạng loại hình kinh doanh như: hàng mã; bánh kẹo, hoa tươi; dịch vụ viết sớ, xoc thẻ;  đổi tiền lẻ... Điều đáng nói ở đây, đó là các dịch vụ trên hoạt động không có sự kiểm tra, kiểm soát, theo kiểu “mạnh ai nấy được” gây nên sự lộn xộn khu vực đền, chùa.

 

Mặc dù trước dịp Tết nguyên đán, Sở văn hóa thể thao và du lịch đã có thông báo kế hoạch tổ chức hoạt động lễ hội, in sao gửi các chỉ thị của Bộ văn hóa thể thao du lịch, phân công các địa phương quản lý tốt công tác tổ chức lễ hội đầu năm không để tình trạng bói toán, xóc thẻ, đốt vàng mã xảy ra... nhưng tình trạng đó vẫn diễn ra công khai, không được xử lý nghiêm minh.

 

Tại đền Cờn, mặc dù được Ban quản lý thường xuyên cảnh báo  để người dân cảnh giác nạn trộm cắp móc túi trên loa phát thanh; lực lượng an ninh trật tự được tăng cường nhưng nhiều du khách vẫn bị mất cắp tiền, ví và điện thoại di động. Không những thế, lượng người ăn xin đổ về đền chùa ngày càng nhiều; dịch vụ viết sớ, nạn chèo kéo khách xảy ra ngang nhiên không có sự quản lý, các hòm công đức đặt quá nhiều... gây sự lộn xộn trong khuôn viên đền.

 

Đền Hoàng Mười đặt rất nhiều hòm công đức

 

Đền Ông Hoàng Mười, những năm qua, luôn là điểm đến của du khách trong những dịp đầu xuân năm mới bởi theo nhiều du khách đây là ngôi đền rất thiêng. Đến đây, mới biết được nhu cầu của du khách rất lớn nên những người làm nghề viết sớ, giải xăm ngày càng đông đảo. Những người bình thường đến đây chỉ mua lễ đơn giản với ý nghĩa vãn cảnh nhưng có những du khách chi cả hàng triệu đồng cho việc mua vàng mã như ô tô; xe máy, ngựa, nhà lầu... để giải hạn, cầu may, cầu lộc. Một mâm lễ nhỏ với hương, tiền vàng, oản, bánh trái, hoa quả tối thiểu cũng có giá 70.000 – 100.000 đồng, còn lớn hơn thì có thể lên đến một vài triệu đồng. Dịch vụ viết sớ, cúng bái giá cũng khác nhau không có quy định cụ thể về giá cả. Giải sớ có giá từ 30.000-50.00 đồng/ sớ; 1 bó hương thường ngày 2.000 đồng, nay tăng lên 5.000 đồng; haa quả cũng tăng gấp đôi, gấp 3 so với ngày thường.

 

Khi cuộc sống ngày một đi lên và nhu cầu sinh hoạt tâm linh đang dần trở thành phổ biến, thì việc đến các lễ chùa là nhu cầu của mỗi người. Tuy nhiên, để đền, chùa thực sự là chốn linh thiêng trong con mắt mọi người, chính quyền cơ sở cần phải có sự phối hợp tốt với các ban quản lý đền, chùa để quản lý chặt chẽ các hoạt động cũng như các dịch vụ tâm linh tại đây. Đặc biệt, nạn chèo kéo khách khách mua hàng; nạn ăn xin ngồi tràn lan gây mất mỹ quan cần được giải quyết triệt để. Để quản lý tốt các hoạt động lễ hội đầu năm, Sở văn hóa thể thao du lịch cũng đã có những chỉ đạo bằng các văn bản cần thiết. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Tiến Dũng – Phó Giám đốc Sở văn hóa thể thao du lịch cho biết: Sở đã có công văn chấn chỉnh các hoạt động tại đền chùa như đốt đồ mã, viết sớ, xin quẻ, chèo kéo khách. Sở sẽ xử lý nghiêm những vi phạm theo đúng quy định hiện hành… Tuy nhiên, kết quả kiểm tra, xử lý cụ thể như thế nào thì vẫn chưa thực sự rõ ràng.

 

Đến với đền chùa - những nơi yên tĩnh, thanh tịnh nhất, vì vậy, mỗi người cần ý thức trách nhiệm của mình khi đến với  lễ hội; việc quản các lễ hội ở đền chùa cũng cần được cụ thể hóa đối với các địa phương để du khách không còn sợ cảnh chen lấn, chèo kéo khách và nỗi lo bị kẻ gian móc túi  khi đi lễ hội.

 

(Thanh Hà)