Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Đậm đà bát nước chè đâm

14:43, 04/02/2013
Với những ai đã từng đến thăm Quỳ Hợp, có lẽ đều không thể bỏ qua bát nước chè đâm.

 

Theo tiếng Thái thì “chè đâm” được gọi là “che tắm”. Và nó có từ lâu lắm rồi và được xuất phát từ dân tộc Thái bản địa nơi đây. Xưa kia, người Thái có cuộc sống du mục không định cư cố định ở vùng nào, họ sống bên những sườn đồi với cuộc sống săn bắt và hái lượm nên rất gần gũi với thiên nhiên. Ban đầu họ vào rừng bóc những vỏ cây và hái lá rừng về giã đun uống. Theo thời gian, khi cây chè xuất hiện và du nhập vào trong đời sống của họ, theo bản năng họ cũng đem chè vào giã và đun uống, dần dần nó đã trở thành một thứ đồ uống quen thuộc và không thể thiếu của người dân vùng đất này. Ở thị trấn Quỳ Hợp hiện nay, không ai là không biết đến quán chè đâm của ông Nguyễn Văn Đạm ở khối 3, những lúc sáng, tối bao giờ cũng nườm nượp khách. Là người Kinh nhưng ông lại là người mang nét văn hóa ẩm thực của người Thái đến với quán chè đâm đầu tiên nơi thị trấn này.

 

Chọn chè

 Bát nước chè đâm ngon phải xanh, ít cặn, lúc uống ban đầu ta có cảm giác hơi chát xen lẫn vị đắng và sau cùng thấy ngọt ở đầu lưỡi. Để có được một bát nước chè đâm xanh ngon phải trải qua nhiều khâu nhiều công đoạn, từ cách chọn chè đến cách đâm chè rồi pha chế. Trước hết, người ta phải chọn thứ lá chè xanh mơn mởn và dày, chè không quá già mà cũng không được quá non. Nếu già quá thì nước chè sẽ bầm đen trông không ngon. Hoặc chè non quá thì nước sẽ đắng và chát. Nước nấu pha chè đâm phải là thứ nước ngòn ngọt. Thường là nước mưa, hay nước giếng đá sỏi thì nước mới ngọt lúc pha chế với nước cốt chè đâm mới dậy được mùi chè.

 

Đâm chè

Có rất nhiều cách đâm chè và nhiều dụng cụ dùng để đâm, nhưng chủ yếu người ta dùng chày và cối, ống cối làm bằng mét bên trong có lót khúc gỗ. Chè đưa vào cối giã nhuyễn lúc nào dậy lên mùi thơm của chè là được, nước chè đâm xong được lọc qua dụng cụ gọi là huột. Đâm chè phải đâm đều tay và không được để chè nát quá nếu nát quá sẽ gây chát, đắng hoặc nhiều cặn chè, còn nếu đâm không đều tay, chỉ nát một nửa số chè trong cối, chè đâm sẽ bị loãng và không ngon. Từ nước cốt, chè đâm sẽ được pha chế theo tỷ lệ 2 sôi 3 lạnh để đưa ra dùng. Theo bà Lô Thị Ngoan ở bản Nguông, xã Châu Cường, thì từ khi lớn lên và làm dâu nơi vùng quê này, bà đã được thế hệ người đi trước truyền lại cho công thức chế biến chè đâm như thế này rồi.

 

Quây quần bên ấm nước chè đâm

Với những người nghiện chè đâm có thể sáng sớm chưa ăn gì, chỉ uống 2-3 bát cho tỉnh người rồi đi làm việc. Theo người dân nơi đây, chè đâm có tác dụng điều hòa huyết áp, nó giúp hệ  tiêu hoá làm việc tốt hơn, đem lại sự tỉnh táo cho con người sau những giờ làm việc căng thẳng, mặt khác uống nước chè đâm một cách thường xuyên còn giúp tăng cường ngăn ngừa sâu răng và nhiệt miệng… Đặc biệt hơn nó là nét văn hóa rất riêng của người dân Quỳ Hợp.

Bên hồ Thung Mây thơ mộng, những quán nước chè đâm lại nhiều thêm lên mỗi ngày. Có thể thấy, nhiều vùng quê đẹp không chỉ có non xanh nước biếc, mà đẹp và thơ mộng vì còn có những phong tục tập quán lâu đời. Nó làm thành bản sắc văn hoá mang nét đặc trưng riêng của vùng. Trong những bản sắc văn hoá ấy, phong tục uống nước chè xanh đâm đã và đang là một nét văn hóa rất riêng để mỗi một du khách không thể nào quên khi về với vùng quê này.

(Bùi Thọ)