Để việc tổ chức lễ hội ngày càng văn minh, tiết kiệm
Phải tập trung khắc phục 3 hiện tượng nhức nhối nhất
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, từ năm 2010 đến nay, thực hiện các chỉ thị của Bộ Chính trị, Công điện số 162/CĐ-TTg ngày 9/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ, việc tổ chức lễ hội ở các địa phương (như Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Lào Cai, Yên Bái) đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả này nhờ sự vào cuộc rất quyết liệt của Bộ và các địa phương, của các ban quản lý các di tích, ban tổ chức các lễ hội. Ngoài ra, không thể không nhắc đến một yếu tố hết sức quan trọng là ý thức của người dân khi tham dự các lễ hội ngày càng cao hơn.
Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những hiện tượng như bạn đọc phản ánh. Vì vậy trong mùa lễ hội năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện 162 của Thủ tướng Chính phủ, quyết liệt triển khai các giải pháp trong Chỉ thị 265 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để các lễ hội ngày càng văn minh hơn.
Lễ hội Đền Quả Sơn (Đô Lương, Nghệ An) |
Việc chuẩn bị cho mùa lễ hội năm nay đã được Bộ chuẩn bị từ 6 tháng trước. Bộ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản, cơ quan Thanh tra với mục đích để việc tổ chức lễ hội ngày càng tiến bộ hơn, dần hạn chế những mặt chưa được.
Từ trước Tết, các Thứ trưởng cùng 7 đoàn công tác tác đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị lễ hội tại các địa phương. Các đoàn sẽ kiểm tra việc kiện toàn các ban tổ chức lễ hội, quy chế tổ chức lễ hội, công tác tuyên truyền quảng bá về ý nghĩa của lễ hội, công tác bảo vệ di tích, chấn chỉnh các hàng quán, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, quản lý hòm công đức, tiền giọt dầu…
Theo đánh giá của cơ quan quản lý, có 3 hiện tượng nhức nhối nhất trong việc tổ chức các lễ hội. Trước hết, trật tự vệ sinh môi trường ở nhiều lễ hội chưa tốt, trong khi đây là vấn đề cần hết sức chú ý ở các địa điểm tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo. Thứ hai, nhiều người chưa thật ý thức khi tham gia các hoạt động của lễ hội, trong ứng xử với các di tích. Hiện tượng thứ ba là tại nhiều nơi, hàng quán vẫn bày bán lộn xộn, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng tới sự tôn nghiêm của di tích.
Ông Hoàng Tuấn Anh nói đây là những nội dung sẽ được tập trung giải quyết, không chỉ qua các đợt thanh tra, kiểm tra mà còn bằng các giải pháp lâu dài như tăng cường tuyên truyền, giáo dục để thay đổi ý thức người dân…
Nghiêm cấm đốt đồ mã tại di tích
Nói rõ thêm về việc sắp xếp, lập lại trật tự bán hàng tại nhiều di tích, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, kết quả kiểm tra cho thấy về cơ bản, các khu vực I bảo vệ di tích (tức khu vực có các yếu tố gốc cấu thành di tích) không có tình trạng cho thuê các hàng quán, nhưng trong khu vực bảo vệ II (bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I) thì có. Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang triển khai Nghị định số 70/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Bộ đã có Thông tư quy định chi tiết và sắp tới sẽ làm việc với các địa phương, để làm sao các hàng quán vừa đáp ứng nhu cầu của người tham quan, khách du lịch, vừa bảo đảm quy củ, văn minh.
Về hành vi đốt đồ mã tại các di tích, Bộ sẽ xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, theo hướng nâng cao mức xử phạt với hành vi này, từ 1 đến 3 triệu đồng. Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, nếu đốt vàng mã (tiền âm phủ) là tập quán lâu đời, là một hiện tượng xã hội có yếu tố tâm linh tín ngưỡng, quan điểm của cơ quan quản lý là vận động người dân không nên đốt vàng mã để tiết kiệm, bảo đảm vệ sinh môi trường, thì hành vi bán đồ mã, đốt đồ mã đã bị pháp luật cấm tại những nơi công cộng, không chỉ tại các di tích.
Bộ trưởng cũng đồng tình với quan điểm của độc giả rằng nên bổ sung hành vi sản xuất, vận chuyển đồ mã vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định xử phạt hành chính nói trên.
Để các kỳ festival không nhàm chán
Trả lời câu hỏi về hiện tượng một số festival (liên hoan), lễ kỷ niệm được tổ chức phô trương nhưng hình thức, nội dung trùng lặp, nhàm chán, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết hiện nước ta có khoảng 8.000 lễ hội, trong đó lễ hội dân gian chiếm hơn 88%, lễ hội tôn giáo chiếm hơn 8%, lễ hội lịch sử cách mạng chiếm 4,16%, loại hình lễ hội festival mới xuất hiện gần đây. Hiện tượng mà độc giả phản ánh là hoàn toàn đúng.
Hiện Bộ đang xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế tổ chức, quản lý các festival ngành nghề theo hướng thiết thực, hiệu quả, không dùng ngân sách nhà nước, tăng cường xã hội hóa, nhưng ngay cả với nguồn kinh phí xã hội hóa cũng phải triệt để tiết kiệm.
Bộ cũng sẽ nghiên cứu, đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định mới về tổ chức các lễ kỷ niệm, theo hướng hết sức tiết kiệm, giảm tần suất và quy mô các lễ kỷ niệm, xác định rõ thông qua tổ chức kỷ niệm để tăng cường giáo dục về ý nghĩa lịch sử, truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa, tổ chức lễ kỷ niệm bài bản, hạn chế hình thức sân khấu hóa, không gây nhàm chán.
(Nguồn: Chinhphu.vn)