Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Lễ hội làng - Nơi hội tụ của những giá trị cao đẹp

16:14, 10/02/2013
Trong đời sống cộng đồng làng xã Việt Nam, có lẽ không một nơi nào là không có lễ hội (hội làng). Lễ hội là hình ảnh thu nhỏ bộ mặt làng xã người Việt nói chung và từng làng, từng xóm nói riêng.

 

 
   

Hội làng là hiện thân của nền văn hóa đương đại. Theo nhiều sử sách để lại thì nó được phát triển mạnh nhất vào thời Lý.

Hội làng có một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống của dân làng. Từ xa xưa, hội làng đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa dân gian, một món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân ở mọi vùng quê.

Hội làng thường do một làng đứng ra tổ chức, hoặc có thể do một số làng gần nhau cùng thờ chung một thành hoàng, cùng có mối liên hệ lịch sử thông qua sự tích thánh mà họ tôn phụng.

Nhưng, dù là hội của một làng hay liên làng thì hội làng như một mạch nước ngầm xuyên thời gian, bừng chảy trong đời sống vật chất, tinh thần và tâm linh người Việt.

Hội làng mang tính cộng đồng sâu sắc, là đỉnh cao của sự hòa hợp, đoàn kết vì một ước nguyện chung cho sự phồn vinh của làng xã, được thể hiện ở năm loại hình chính là:

- Hội lễ nông nghiệp: có những trò diễn nghệ thuật tín ngưỡng, nhắc lại những hoạt động sản xuất nông nghiệp như cày bừa, gieo cấy; hoặc rước thờ sản phẩm nông nghiệp như bông lúa, bánh trái...; hoặc rèn luyện kỹ năng lao động bằng cách săn bắt thú vật...

- Hội lễ phồn thực, giao duyên: gắn với những quan niệm về tín ngưỡng và quan hệ tình yêu, hôn nhân.

- Hội văn nghệ, giải trí: là loại hình của những làn điệu dân ca, những lối chơi, cách chơi nghệ thuật, thể hiện sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

- Hội thi tài: nhằm rèn luyện thử thách nâng cao bản lĩnh của thành viên trong cộng đồng như kéo co, bơi chải, vật, chạy cướp cầu.

- Hội lịch sử: là loại hình có nguồn gốc dùng trò diễn để nhắc lại hoặc biểu dương một hành động, một sự tích, một nhân vật lịch sử.

Các làng quê nước ta thường tổ chức hội làng vào mùa Xuân, là khi đất trời giao hòa, thiên nhiên tươi tốt, lòng người hân hoan.

Hội làng được coi là thời điểm cuốn hút nhất, tưng bừng nhất với những nghi thức tôn nghiêm và thuần Việt, nối từ đời này qua đời khác bằng những hình thức tế lễ, rước, trò vui và hát xướng.

Có những hội làng trở nên tiêu biểu, nổi tiếng gần xa như Hội Đền Hùng (Phú Thọ); hội Cổ Loa, Lệ Mật và Phù Đổng (Hà Nội); hội Đồng Kỵ, hội Lim, hội chùa Dâu, hội đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh); hội Yên Thế, Xương Giang, Thổ Hà, Vạn Vân (Bắc Giang); các hội làng ở Hà Tây; hội đền Kiếp Bạc (Hải Dương); hội chùa Keo (Thái Bình) và hội đua ghe ngo của đồng bào Khmer Nam Bộ...

Hội làng hiện nay thường được mở trong ba ngày. Ngày đầu là lễ nhập tịch (mở cửa đình); ngày thứ hai (chính hội) gồm các nghi lễ như rước ngai kiệu, tế lễ, dâng hương và các trò vui; ngày thứ ba làm lễ tế dã, hoặc rước lại (kết thúc hội).

Nội dung chủ yếu của hội làng được chia ra làm hai phần rõ rệt: phần lễ và phần hội.

Trong phần lễ, đoàn rước có tính chất “quy mô và hoành tráng nhất.” Tục lệ rước của các làng đều tương tự giống nhau. Đây có thể gọi là “Cuộc biểu dương lực lượng” của làng.

Đoàn rước lớn có thể đông tới 300-400 người, được phân ra làm nhiều tiểu ban, mỗi tiểu ban đảm nhiệm một trọng trách.

Tiểu ban phù giá khiêng ngai kiệu, chiêng trống, hương án, long đình... Tiểu ban hộ giá đi sau hương án, đồ thờ có cờ hàng báo, cờ ngũ hành và các đồ hộ quốc như trùy đồng, hồng trượng, phủ việt, rồi tiếp theo là tàn lọng uy nghi cùng đội nhạc cổ “lưu thủy” hòa tấu rộn rã. Tất cả mọi nghi lễ, rước, tế, dâng hương tưởng niệm, làm trò nhà phật đều nói lên tấm lòng thành kính, biết ơn của dân làng đối với người xưa.

Phần lễ ở trong đình (đền, chùa) rất trang trọng và tôn nghiêm. Ở bên ngoài là phần hội thật là vui nhộn, sôi nổi.

Hội làng từ xa xưa vốn đã có rất nhiều trò vui như đánh đu, đấu vật, cướp cờ, chọi gà, cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền, cờ tướng... thu hút nhiều người tham gia, cổ vũ.

Ngoài ra còn có các tiết mục như hát ả đào, hát trống quân, hát đối quan họ ở các nơi trên đình, đền, chùa và dưới thuyền, tối có “chiếu chèo” hoặc giao lưu văn nghệ, thơ ca... mang đậm màu sắc dân gian truyền thống.

Hội làng là di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc, cần được bảo tồn và phát huy, để các giá trị văn hóa của lễ hội trở thành nguồn lực to lớn tác động mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của nhân dân, từ đó khơi dậy được niềm tự hào của mọi người đối với quê hương, đồng thời cũng nêu cao ý thức cho con cháu phải bảo vệ, giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của cha ông ta đã để lại.

 

(Theo TTXVN)