Mừng tuổi đầu xuân, trao niềm hy vọng
(Ảnh minh họa)
|
Giao thừa, trong khoảnh khắc tiễn đưa năm cũ đón năm mới đến hay sáng mồng một Tết, con cháu trong nhà lại xúng xính trong quần áo mới, tề tựu đông đủ để chúc phúc ông bà, cha mẹ. Sau khi nhận những lời chúc thọ, người lớn tuổi trong gia đình mừng tuổi tất cả con cháu với những món tiền nho nhỏ, vừa bạc lẻ vừa tiền chẵn, ngụ ý chúc con cháu làm ăn phát đạt, tiền bạc sinh sôi nảy nở trong năm mới. Đồng thời, thể hiện tình yêu thương và hy vọng con cháu hạnh phúc, may mắn. Tiền mừng tuổi thường được người lớn cẩn trọng bỏ trong phong bao tặng cho trẻ con, bởi người ta tin rằng, niềm vui, tiếng cười của trẻ có thể xua đuổi điều xấu trong năm mới.
Mừng tuổi đầu năm là niềm động viên khiến người được mừng tuổi vui mừng và coi đó là điều may mắn. Cháu Kiều Trang phường Hà Huy Tập, TP Vinh cho biết: Tết em thường được ông bà, cha mẹ, cô chú trong gia đình mừng tuổi, em rất vui và hạnh phúc vì đó là nguồn thúc đẩy cho em được học giỏi ngoan ngoãn, nghe lời ông bà, cha mẹ. Nó thể hiện sự quan tâm của mọi người với em thì em thấy rất vui. Những bé khác trong gia đình cũng được mừng tuổi như em. Tục mừng tuổi là truyền thống của gia đình em từ rất lâu rồi. Mọi người thường mừng tuổi vào mùng 1 hoặc mùng 2 tết.
Không chỉ người lớn trong nhà mới mừng tuổi lẫn nhau mà bằng hữu thân quyến tới nhà ai chúc tết cũng đều mừng tuổi cho trẻ con của nhà đó, hoặc chủ nhà đón khách tới chúc Tết mừng tuổi trẻ em đi theo khách. Không chỉ người lớn mừng tuổi cho trẻ con, mà năm mới tới, con cháu cũng chúc thọ, mừng tuổi ông bà và các bậc cao niên bằng những phong bao lì xì như một cách thể hiện lòng hiếu kính, chúc các cụ hạnh phúc, trường thọ bên con cháu. Mừng tuổi thể hiện sự quan tâm của các thành viên trong gia đình với nhau và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ông bà cha mẹ phát lộc cho con cháu, con cháu chúc phúc cho ông bà cha mẹ. Để mừng tuổi, trước tết, những người lớn trong gia đình, đã chuẩn bị sẵn những đồng tiền mới, chưa có nếp gấp nào để mừng tuổi.... Ông Nguyễn Văn Tam, xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên chia sẻ: Hồi còn trẻ, năm nào tôi cũng được bố mẹ mừng tuổi, giờ thì lại mừng tuổi lại cho các cháu, con dâu con rể lại mừng tuổi cho các tôi. Chuẩn bị tiền lẻ từ trước tháng tết để mừng tuổi cho các cháu, đó là tục lệ không thể bỏ được, đó là phong tục cổ truyền, hạnh phúc đầm ấm. Mừng tuổi còn kèm theo câu chúc, những câu chúc đó ngày thường làm sao nói được.
Không ai biết đích xác tục mừng tuổi có ở nước ta tự bao giờ, song đã trở thành một nét đẹp của phong tục truyền thống. Xưa thì người ta mừng tuổi bằng những đồng tiền xu, tiền hào mang tính chất tượng trưng, tiền càng lẻ càng tốt bởi quan niệm tiền lẻ thể hiện sự sinh sôi nảy nở, học tập, làm ăn phát đạt trong năm mới. Ngày nay, khi tiền xu, tiền hào không còn được lưu thông, người ta sử dụng những tờ tiền có mệnh giá khác nhau để mừng tuổi. Ý nghĩa chính không nằm ở “tiền’ mà ở “tình”, tức ở lòng mong ước cầu chúc các cháu hay ăn chóng lớn, học hành giỏi giang, còn giá trị vật chất nhiều ít không phải là điều đáng để tâm. Với ý nghĩa đó, qua thời gian, mừng tuổi đã trở thành một phong tục tốt đẹp trong từng gia đình và của cả dân tộc. Ông Thái Huy Bích thành viên câu lạc bộ Hán Nôm tỉnh Nghệ An cho biết: Mừng tuổi tức là mừng người thêm một tuổi đời, lên một tuổi nữa thì con người sẽ lớn hơn về tuổi đời, tinh thần và thể xác và cũng có những may mắn hơn, đồng tiền người ta mừng tuổi có nghĩa là chúc mừng sự trưởng thành của một con người, tuổi đời cao hơn, sự nghiệp tốt hơn, phát triển hơn, gia đình hạnh phúc hơn, mừng tuổi bằng tiền, ý nghĩa cao đẹp của đồng tiền mừng tuổi là mừng cho con người trong năm mới sẽ có nhiều điều tốt đẹp; đem đến cho ta một cái lộc. Đó là phong tục hay và nên duy trì.
Mừng tuổi đầu xuân với mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến vào dịp đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa từ bao đời nay. Dù cuộc sống hối hả, hiện đại khiến cho không ít tập tục đẹp dần bị biến tướng. Song, trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, mừng tuổi vẫn là tập tục mang nhiều ý nghĩa nhân văn tốt đẹp mỗi dịp Tết đến, xuân về.
(Hiến Chương)