Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nét đẹp văn hóa Việt trong nén hương ngày Tết

16:44, 10/02/2013
Không biết từ bao giờ, người Việt xem chuyện thắp hương trên bàn thờ tổ tiên là một nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong các dịp giỗ chạp, lễ Tết. Nén hương như một chiếc cầu nối thiêng liêng giữa cuộc sống hiện hữu của con người với cõi tâm linh của trời đất.

 

Chiều 30 Tết, trong tiết trời se lạnh, đất trời vào xuân cũng là lúc người người, nhà nhà náo nức chuẩn bị đón giao thừa. Từ xưa đến nay, trong mỗi gia đình Việt bất kể giàu nghèo đều coi việc thờ cúng ông bà tổ tiên làm trọng. Bởi vậy việc chuẩn bị và trang trí bàn thờ nhất là trong ba ngày Tết có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Ông Trần Quang Huyền ở xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên cho rằng, cùng với việc chuẩn bị mâm ngũ quả, thì chọn hương để thắp trên bàn thờ tổ tiên rất quan trọng, vì nén hương được coi như chiếc cầu nối giữa cuộc sống hiện hữu của con người với cõi tâm linh đất trời. Vì vậy, ông Huyền chọn lựa rất kỹ, phải là loại hương có mùi thơm đặc biệt như hương bài, hương trầm...để thể hiện tấm lòng thành kính của con cháu với ông bà, tổ tiên.

 

(Ảnh minh họa)

 

Không biết tục lệ thắp hương có từ bao giờ và do ai khởi xướng, chỉ biết rằng nén hương đã đi vào đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam như một nét đẹp truyền thống, gần gũi và thiêng liêng. Người Việt có thói quen, khi đi xa về thường thắp hương trên bàn thờ tổ tiên trước; còn với những người sắp đi xa cũng thắp hương để mong lên đường may mắn. Ông Phạm Minh Kiên ở xã Nam Kim, huyện Nam Đàn chia sẻ, cả năm chỉ có ngày Tết mới sum họp đủ con cháu nên khó có thể diễn tả hết sự xúc động khi khoảnh khắc giao hòa giữa trời đất, cả gia đình quây quần bên nhau, thắp lên bàn thờ tổ tiên một vài nén hương thơm rồi tưởng nhớ đến những người thân yêu đã mất. Sự lẩn khuất của khói hương, mùi thơm nhẹ lan tỏa khiến cho không khí ngày xuân càng thêm ấm cúng và gắn bó hơn. Ông Kiên cho biết: Với tôi, dịp tết đến, con cháu được quây quần đầy đủ là cảm thấy vui lắm, vì đây là dịp để con cái thể hiện chữ Hiếu, rồi báo công với ông bà tổ tiên về những công việc làm được trong năm qua và chuẩn bị đón năm mới, cầu cho gia quyến sang năm mới an khang – thịnh vượng, mọi điều tốt lành.

 

Theo ông Thái Huy Bích, thành viên CLB Hán Nôm tỉnh Nghệ An thì người Việt Nam có thói quen chọn số lẻ (1, 3, 5, 7, 9) lúc thắp hương chứ không chọn số chẵn, vì theo lý giải của nhà Phật số lẻ mang nhiều ý nghĩa linh thiêng hơn. Có nhiều quan niệm khác nhau về các con số. Số 3 có thể là Tam bảo (Phật – Pháp – Tăng), Tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới), Tam thời (Quá khứ – Hiện tại – Tương lai)…; số 5 là năm phương trời đất, năm hướng thần linh; số 7 và số 9 tượng trưng cho "vía" của con người…Theo ông Bích, dù là con số nào thì việc thắp hương đều thể hiện sự thành kính của người còn sống với những bậc tâm kính và người đã khuất. Ông Thái Huy Bích cho rằng: Trong những ngày Tết, nếu như không cầu khấn điều gì mà chỉ đặt Tâm mình vào sự thành kính thì người ta chỉ thắp một nén, gọi là tâm hương; hoặc nếu thắp 3 nén như vào đêm giao thừa thì để cầu cho năm mới tốt đẹp hơn năm cũ. Số hương thắp tùy vào tính chất và hoàn cảnh, nhưng tựu chung lại: hương có nghĩa là thơm, khói hương ấy bay lên biểu hiện cho lòng thành kính, sự tốt đẹp. Thắp hương là để hướng tới điều Thiện.

 

Với hầu hết người Việt Nam dù ở thành thị hay nông thôn, mỗi khi Tết đến, Xuân về đều thắp lên trong nhà mình một nén hương để tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên. Ngày Tết đi chùa lễ Phật, hái lộc đầu năm, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cụ ông, cụ bà, nam nữ thanh niên tay cầm hương, miệng lâm râm khấn vái cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng... Đây không phải là hành động mê tín dị đoan, mà là một nét văn hóa đẹp được tồn tại từ rất lâu.

 

Một nén hương cầu chúc hạnh phúc cho trong gia đình, cầu xin bình an trong năm mới và để cho không khí của những ngày đầu năm thêm ấm áp và tươi vui. Nén hương lúc này không còn là một món hàng bình thường mà đã trở thành sản phẩm tinh thần không thể thiếu của người Việt Nam, góp phần tạo nên và bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.

 

(Hiến Chương)