Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Tiếng khèn trao gửi yêu thương

19:46, 11/02/2013
Âm thanh trữ tình ngọt ngào đó như đang đánh thức hoa đào, hoa ban nở rộ, là tiếng mời chào trai gái cùng du xuân cùng hẹn họ đôi lứa, là lời báo mừng tết đến xuân về. Ấy là tiếng khèn mông, là âm điệu của lòng người mông khi độ xuân về.

 

Trong đám trai gái du xuân, kẻ đang ném còn qua lại, kẻ đang thủ thỉ tâm tình và rồi giữa những ồn ào náo nhiệt đó tiếng khèn mông cất lên cùng điệu mùa khèn điêu luyện có sức hút kỳ lạ với mọi người. Âm thanh lúc trầm, lúc bổng, lúc như lời thủ thủ tâm tình lúc lại mạnh mẽ cường tráng vô cùng. Chàng trai Mông xoay tròn nhịp nhàng cùng điệu múa. Từ xa xưa tiếng khèn ấy, điệu múa ấy đã thấm vào máu thịt của người Mông. Dù cuộc sống hiện đại có vô vàn những nhạc cụ mới nhưng không gì thay thế được chiếc khèn. Con trai Mông phải biết thổi khèn, biết múa khèn mới thu hút được sự chú ý của các cô gái.

 

Tiếng khèn - tiếng lòng trao gửi yêu thương (Ảnh minh họa)

 

Kho tàng nhạc dân gian của người dân tộc thiểu số nói chung và người Mông nói riêng rất đa dạng phong phú. Người ta biết đến nhiều những nhạc cụ của người Mông như có sáo lưỡi gà, đàn môi, khèn lá... Nhưng khèn Mông là nhạc cụ nổi bật nhất, thể hiện sự sáng tạo cũng như tình yêu âm nhạc của người Mông nhiều nhất. Hiện nay người ta thống kê được 33 điệu múa khèn của người Mông như nhảy đa chân, nhảy lới, quay cầu, quay gót chọi gà.

 

Thửa xưa, khi người Mông còn hay du canh du cư, chiếc khèn là người bạn tâm tình trên mỗi bước đi của họ. Họ thổi khèn múa lúc vui, lúc buồn, lúc có lễ hội, lúc nhà có việc vui. Và đối với thế hệ trẻ khèn là phương tiện giao duyên. Giữa tiết trời xuân, giữa thênh thang đại ngàn, tiếng khèn cất lên rung động cả một cõi trời, không chỉ là lời tỏ tình với cô gái mà còn là lời thề nguyền với đất trời suốt đời gắn bó với cô gái đó.

 

Ý nghĩa là vậy nhưng thực tế hiện nay vẫn còn nhiều người trẻ không còn mặn mà với cây khèn Mông. Để tìm hiểu về cách làm một cây khèn Mông chúng tôi đã phải lặn lội đến nhiều nơi. Làm ra được một chiếc khèn thì khâu chuẩn bị nguyên liệu là lâu nhất, vì khi đi rừng lấy về phải sấy khô cho thật nhẹ, sấy khô thì lúc làm nó sẽ không bị cong, nứt, như vậy tiếng khèn phát ra sẽ khác. Nguyên liệu làm khèn gồm những thanh trúc nhỏ và một khúc gỗ, trúc và gỗ phải chọn lựa không phải loại nào cũng làm được. Phần thân chính của khèn có độ dài bằng độ dài cánh tay của người thổi, thông thường dài hơn 60cm. Thân chính của khèn phải làm bằng thân của cây gỗ có chất liệu tốt, đặc biệt là phải qua sơ chế. Ngoài phần gỗ khèn còn cần đến một miếng đồng nhỏ, rất mỏng dùng để điều chỉnh âm thanh và 5 ống trúc nhỏ có đục lỗ để điều chỉnh thanh nhạc.

 

Nghe và hiểu được tiếng khèn Mông là hiểu được tâm tình của những người con xứ núi, là cảm nhận được vẻ đẹp đất trời Kỳ Sơn mỗi độ xuân về. Gìn giữ và bảo tồn cây khèn Mông không chỉ là nhiệm vụ của người Mông mà là nhiệm vụ của các cấp chính quyền nơi đây. Để mỗi độ xuân về tiếng khèn Mông lại cất lên làm nên những thanh sắc riêng của núi rừng Kỳ Sơn.

 

(Hồng Thoa)