Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Tìm về cội nguồn Lễ hội vua Mai

20:55, 23/02/2013
Dù lịch sử đã lùi xa gần 13 thế kỷ nhưng những dấu tích của khởi nghĩa Hoan Châu gắn với tên tuổi của vị anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan – vị vua đầu tiên trên đất Nghệ An không những không bị lu mờ theo thời gian mà ngày càng được bảo tồn, lưu giữ và phát huy. Hằng năm, từ ngày 13 đến 17 tháng Giêng, nhân dân khắp các vùng miền đất nước lại có dịp hội tụ về Nam Đàn để tham

 

Năm 713, Mai Thúc Loan dựng cờ khởi nghĩa, tập hợp phường săn quanh vùng có đến mấy trăm người để thêm sức mạnh. Chọn Sa Nam làm căn cứ đã cho thấy tầm nhìn quân sự của ông bởi địa thế này vừa có thế công cũng có thể thủ. Căn cứ có Rú Đụn hiểm trở và kín đáo, hai bên có sông Lam bao bọc. Ông cho xây đắp chiến lũy thành Vạn An ở ngay thị trấn Nam Đàn bây giờ, chứa voi trận, khí giới, vũ khí, lương thực dự bị để tính kế lâu dài. Khi binh hùng tướng mạnh, căn cứ vững chắc, nhân dân một lòng ủng hộ, chẳng mấy chốc Mai Thúc Loan đã thu được một vùng đất đai rộng lớn, trước hết chiếm giữ Hoan Châu làm căn cứ, sau đó mở rộng thế lực ra các châu huyện rồi tiến công đánh chiếm Tống Bình phủ thành (nay là Hà Nội) giải phóng cả nước. Mai Thúc Loan đã xưng đế (tức vua Mai Hắc Đế), chọn thành Vạn An (Nam Đàn, Nghệ An) làm quốc đô. Dưới sự trị vì của Mai Hắc Đế, nước ta đã giành được độc lập, tự chủ trong gần 10 năm (713 - 722).

 

Cùng với khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khởi nghĩa Lý Bí, khởi nghĩa Phùng Hưng, công cuộc giành quyền tự chủ của Khúc Thừa Dụ - Khúc Hạo, Dương Đình Nghệ và chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền, khởi nghĩa Hoan Châu của Mai Thúc Loan là một trong những cuộc khởi nghĩa vào loại lớn nhất của thời kỳ chống Bắc thuộc, là một trong những mốc son quan trọng trên con đường đấu tranh giành độc lập của dân tộc, phá vỡ vòng tròn luẩn quẩn 1000 năm Bắc thuộc. Ý nghĩa và bài học lịch sử của cuộc khởi nghĩa này vẫn vẹn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

 

 
Phần lễ thực hiện trang trọng theo nghi thức truyền thống
 

Công ơn của Mai Thúc Loan và nghĩa quân đến ngàn đời sau vẫn luôn được biết đến như những chiến công hiển hách nhất của dân tộc. Cũng từ chiến công đó mà tạo nên một lễ hội có một không hai ở Nghệ An: Lễ hội Đền Vua Mai, lễ hội đã góp phần tô thắm thêm giá trị lịch sử - văn hóa hào hùng của xứ Nghệ nói riêng, cả nước nói chung. Lễ hội Đền Vua Mai mang đậm nét văn hóa truyền thống gắn liền với những truyền thuyết, sự tích lịch sử về Mai Hắc Đế và nghĩa quân. Lễ hội là một di sản phi vật thể của quê hương Nam Đàn, mang đầy đủ hai yếu tố lễ và hội. Phần lễ bao gồm lễ Mộc dục, lễ Khai quang, lễ Yết cáo, lễ Rước nước, lễ Đại tế và lễ Tạ. Ngày 13 tháng Giêng sẽ tiến hành các lễ: Rước nước, Mộc dục, Tế Gia quan. Ngày 15 tháng Giêng là ngày Đại tế (lễ Tế thần) có ý nghĩa thỉnh mời và đón rước các chư vị thần linh về dự hội để dân làng chúc tụng, tỏ lòng biết ơn đấng thần linh. Đây là nghi lễ trang trọng nhất trong hệ thống lễ kỳ Đại tế có thể kéo dài đến hết ngày 17 tháng Giêng.

 

Phần hội cũng diễn ra không kém phần sôi nổi. Ban ngày, du khách thập phương sẽ được hòa mình vào các trò chơi dân gian gắn liền với truyền thuyết, sự tích lịch sử Vua Mai và nghĩa quân, được trở về với những nét văn hóa xa xưa rất đỗi thú vị như đua thuyền, cờ thẻ, chọi gà, du tiên, đấu vật... Ban đêm được thưởng thức dư vị ngọt ngào của làn điệu ca trù, ví phường vải, chèo, tuồng, hát giao duyên... Không chỉ dừng lại ở đó, trong những ngày diễn ra lễ hội, nhân dân còn chuẩn bị thêm cỗ cúng dâng lên đền thờ vì người dân cho rằng lễ hội không chỉ là để mời linh hồn Vua Mai, tướng lĩnh của ngài mà còn là không gian cho cả những người đã mất, những người của quá khứ về dự hội. Phần cỗ này sau khi cúng tế sẽ được bày biện mời khách thập phương.

 

 
 
Nhiều họat động văn hóa, thể thao diễn ra trong Lễ hội Đền Vua Mai hàng năm
 

Hằng năm, cứ đến ngày giỗ Vua Mai, nhân dân các xã gần xa đều háo hức chờ đón, làm mâm cỗ kính thờ lên vị vua đã làm nên lịch sử trong thời kỳ chống Bắc thuộc. Cứ dịp giỗ Vua Mai, mỗi gia đình ở Nam Đàn lại chuẩn bị mâm cỗ tươm tất để mời anh em, bạn bè xa gần đến chiêu đãi, với quan niệm cho rằng mời được càng nhiều người đến phá mâm cỗ thì năm đó làm ăn càng phát đạt. Tuy tốn kém, mệt nhọc nhưng người dân tin rằng họ sẽ được thần linh và những người đã khuất chứng giám, độ trì vì vậy không khí hứng khởi, vui tươi, niềm nở luôn hiện lên trên khuôn mặt của những người con bản địa trong những ngày diễn ra lễ hội.

 

Lễ hội Đền Vua Mai hằng năm thu hút hàng vạn người tham gia, không bó hẹp ở miền quê Nam Đàn, Nghệ An mà còn mở rộng ra các tỉnh khác như Hà Tĩnh, Hải Phòng, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Nha Trang, Vũng Tàu... Tất thảy mọi người về tham dự lễ hội để tìm sự thanh thản, yên tịnh trong tâm hồn, hòa nhập vào không gian sôi động, lành mạnh của các trò chơi dân dã và gửi gắm niềm tin, hy vọng cho một năm mới an lành, thành đạt, may mắn.

 

(Hữu Đức – Bắc Vũ)