Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Ứng xử với lì xì ngày Tết

16:18, 10/02/2013
Có lẽ hơn ai hết, trẻ nhỏ là những người náo nức mong chờ Tết đến nhất. Trong vốn kiến thức của con trẻ về Tết điểm nhấn chính là niềm vui khi được tặng quà lì xì và những lời chúc phúc từ người lớn. Tuy vậy, mỗi em lại có thái độ khác nhau khi nhận những món quà này. Lưu ý đến thái độ và dạy trẻ cách ứng xử với quà lì xì trong ngày Tết là điều mà cha mẹ nên làm để ý nghĩa

 

Món quà lì xì ngày Tết luôn chứa đựng nhiều ý nghĩa tinh thần vô giá
 
 
Tết khởi đầu cho một năm mới. Dân ta quan niệm rằng, những lời chúc phúc, những việc làm tốt đẹp sẽ mang lại may mắn và hanh thông cho cả một năm. Cùng với lời chúc "hay ăn, chóng lớn, học giỏi", người lớn thường dành cho trẻ một món quà lì xì (thường là bằng tiền) mong con, cháu mình khỏe mạnh, học giỏi. Với số tiền may mắn đầu năm này, trẻ sẽ có thêm tiền mua sách vở phục vụ cho học tập. Đây chắc hẳn là mục đích của mỗi người lớn khi tặng quà lì xì cho trẻ dịp năm mới.
 
 

Tuy nhiên, mỗi trẻ lại có cách ứng xử khác nhau khi nhận quà. Những thắc mắc, thái độ và mức độ hài lòng của trẻ đối với món quà may mắn đầu năm cần nhận được sự uốn nắn, giáo dục từ phía mỗi gia đình. 
 
Trẻ cần biết rằng quà tặng nói chung và lì xì năm mới nói riêng có ý nghĩa đặc biệt riêng không phụ thuộc vào giá trị kinh tế. Mỗi một món quà đều chứa đựng một lời chúc thành công và may mắn. Dù món quà hợp ý mình hay không thì điều quan trọng hơn cả là nó chứa đựng tình cảm của người tặng. Chính vì vậy trẻ cấn biết trân trọng và cảm kích trước sự quan tâm của người lớn dành cho mình.
 
Ứng xử đẹp với món quà lì xì đầu năm cũng là bài học quý về tình yêu thương mà cha mẹ nên dạy con khi con ngay từ khi còn nhỏ. Bài học này đặc biệt dễ thuộc, dễ nhớ vì nó diễn ra trong một thới gian đặc biết của năm - ngày Tết đến.
 
Cha mẹ cũng cần chuẩn bị cho trẻ kĩ năng giao tiếp cơ bản trước khi cùng người lớn đi chúc Tết. Tạo cho trẻ tinh thần phấn chấn, tự tin để hòa nhập với không khí tươi vui ngày Tết sẽ hiện diện ở mọi nơi trẻ đến. Nếu trẻ nhát, rụt rè khi gặp người lạ, bạn có thể từ từ hướng dẫn cho bé quen dần với phản xạ giao tiếp nhưng nếu đó là thói quen của trẻ thì cha mẹ cần tập cho trẻ biết cách nói lời chúc Tết.
 
"Được lời như cởi tấm lòng" có lẽ đúng trong mọi tình huống. Biết nói lời hay ý đẹp nhất là những điều ấy có trong ngày Tết sẽ mang lại niềm vui cho nhiều người. Đặc biệt hơn khi những lời chúc ngắn gọn, ngộ nghĩnh mà người lớn nhận được từ một em bé.
 
Cha mẹ cũng cần hướng cho trẻ cách giữ gìn, sử dụng tiền lì xì sao cho đúng, có ý nghĩa thiết thực. Cũng đừng lấy quyền làm cha mẹ mà ép trẻ phải đưa hết tiền lì xì cho mình giữ. Người lớn nghĩ rằng trẻ không thể quản lý được tiền lì xì, thế nên một số cha mẹ sau Tết đã “tịch thu” hết tiền lì xì của con. Như vậy sẽ khiến cho trẻ cảm thấy buồn và có cảm giác bị người lớn coi thường. Đó như một “tài sản” riêng của trẻ nhưng trẻ lại không có quyền trong việc giữ gìn và sử dụng chúng, vì thế trẻ rất ấm ức. Cách tốt nhất là hãy mua cho trẻ 1 con heo đất xinh xắn, khuyên trẻ cho tiền lì xì vào đó, tích góp lại, mai này sử dụng và những việc có ý nghĩa. Được nhìn ngắm con heo đất với cái bụng đầy ắp tiền lì xì, trẻ sẽ rất vui sướng. 
 
Lì xì là một tên gọi của tục lệ mừng tuổi trẻ em trong dịp Tết Nguyên đán ở Việt Nam, phong tục này bắt nguồn từ Trung Quốc. Đó là lệ đặt tiền vào chiếc phong bì nhỏ có trang trí màu vàng son rực rỡ để mừng tuổi trẻ em. Điều này khiến cho mỗi dịp Tết về là thêm một niềm hân hoan, háo hức cho trẻ nhỏ mỗi khi được người lớn mừng tuổi.
 
Đồng tiền mừng cho trẻ chỉ cần mang ý nghĩa tượng trưng, cái chính là mang đến niềm vui cho con trẻ, làm cho trẻ cảm nhận được những nét đẹp truyền thống trong phong tục lì xì.
 
 
Tết cổ truyền của Việt Nam khác với Tết dương lịch của nhiều nước trên thế gới,  nó mang đặc trưng văn hóa phương Đông và tín ngưỡng tôn giáo người Việt.

Ngày Tết cổ truyền không chỉ là khoảnh khắc giao thời giữa trời và đất mà còn là dịp để gia đình đoàn tụ, cha mẹ và con cái gần gũi nhau, yêu thương nhau nhiều hơn.

Các em nhỏ được cùng cha mẹ đến thăm bà con, hàng xóm, anh chị em xa gần để gắn kết mọi người lại gần hơn nữa và trao cho nhau những lời chúc an lành. Đó là ý nghĩa lớn lao và nét đẹp thực sự của Tết cổ truyền Việt Nam.

 
 
(Theo GD&TĐ)