Về Thanh Chương xem vật cù
(Ảnh minh họa)
|
Hội vật cù Thanh Chương được tổ chức vào dịp Tết nguyên đán hàng năm, bắt đầu từ ngày mồng Hai, mồng Ba tết đến hết Khai hạ mồng Bảy tháng Giêng. Khi tiếng trống hội vang lên, khắp làng trên xóm dưới lại kéo nhau đi xem hội vật. Không giống như nhiều trò chơi truyền thống khác, vật cù tổ chức vào dịp đầu xuân ở huyện Thanh Chương mang yếu tố tâm linh nhưng lại náo nhiệt và luôn thu hút đông đảo mọi người tham gia cổ vũ.
Theo các cụ cao niên ở đây kể lại: Hội vật cù ở đất Thanh Chương có từ rất lâu đời, khoảng đầu thế kỷ 15. Bắt nguồn từ việc chọn những lực sĩ khỏe mạnh, nhanh nhẹn để sung vào đội quân của tướng Phan Đàn - một võ tướng của vua Lê Thái Tổ, coi việc quân ở vùng này, dần dà hội vật cù trở thành một sinh hoạt mang tính hội lễ đậm nét dân gian được mọi người ưa thích. Trò chơi từng đi vào đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào vùng Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn, mà sôi nổi, náo nhiệt hơn cả là ở những vùng dọc hai bờ sông Giăng và Thanh Chương, nơi được xem là xuất xứ của trò chơi này.
Xã Võ Liệt được xem là cái nôi của hội vật cù Thanh Chương, được tổ chức vào dịp lễ hội đền Bạch Mã. Cụ Nguyễn Kim Tình năm nay 85 tuổi từng là là vận động viên của hội vật cù năm xưa kể lại: Hội vật cù ngày xưa rất vui. Sân chơi thường là những sân cát bên bờ sông hay trong làng. Chỉ có trai tráng khỏe mạnh, nhanh nhẹn mới có thể tham gia hội vật cù. Dịp Tết Nguyên đán, từ chiều mùng 2 Tết trống đã khai hội tưng bừng, người dân khắp nơi trong làng, ngoài tổng nô nức kéo về bãi đất ven sông Lam ngay cạnh đầu làng để xem. Già trẻ, gái trai đều có mặt đông đủ và cổ vũ rất nhiệt tình. Giờ đã bước sang tuổi 85, nhưng hàng năm, khi trống hội đầu xuân giục dã, cụ Nguyễn Kim Tình xã Võ Liệt luôn có mặt để xem và cổ vũ.
Trò vật cù được tổ chức trên một khoảng sân, thường có khoảng 14 thanh niên trai tráng chia hai bên cởi trần, đóng khố, tìm cách lừa nhau để ôm cho được quả bóng bằng củ chuối gọt nhẵn chạy về bỏ vào chuồng hay còn gọi lỗ nhỏ được đào theo hình vuông hoặc tròn đối phương thì là thắng cuộc. Vật cù là trò chơi hấp dẫn thu hút nhiều đối tượng tham gia nhất là thanh niên. Tuy vậy tham gia chơi vật cù phải là những vận động viên khỏe, mưu trí và thật khéo léo. Ở huyện Thanh Chương có ba hình thức chơi cù gồm: cù gôn, cù đẩy và củ nước. Từ khi vật cù được khôi phục và tổ chức hàng năm, người dân đến với lễ hội đền Bạch Mã nhiều hơn, đặc biệt thanh niên trong vùng tích cực tham gia, tình đoàn kết thêm thắt chặt hơn.
Hội vật cù là cuộc thi, trận đấu giữa các làng xã, nhưng các cổ động viên rất đoàn kết, vô tư cùng nhau hò reo, đánh trống, chiêng cuồng nhiệt cho đội nhà cũng như đội bạn với những đường chạy cù ngoạn mục. Tuy từ xưa không có một điều luật cụ thể, nhưng trong hội vật cù không hề có lối chơi thô bạo, ác ý. Rất quyết liệt nhưng cũng rất trong sáng. Nét đẹp trong hội vật cù còn thể hiện ở chỗ kết thúc hội vật không kể thắng hay thua các vận động viên tham gia đều chia vui chúc mừng. Bởi với mọi người, hội vật cù ngoài tính chất là một cuộc thi tài còn mang những ý nghĩa tâm linh sâu xa.
Đến Thanh Chương những ngày đầu xuân này, được tận mắt chứng kiến, cổ vũ mới thấy hết được nét đẹp truyền thống mà người dân Thanh Chương lưu truyền được mãi muôn đời.
(Thanh Hà)