Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nhiều khó khăn trong duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm

10:08, 08/04/2013
Thực hiện đề án phát triển miền Tây Nghệ An, nhiều nghề truyền thống của bà con các dân tộc thiểu số được phục hồi và phát triển, trong đó có nghề dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, hiện nay nghề này cũng đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức mà muốn duy trì và phát triển được cần phải có những giải pháp thiết thực.

 

Nghề dệt thổ cẩm là nét đặc trưng của nhiều dân tộc thiểu số ở khắp nơi trên cả nước. Đối với người dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An, nghề dệt thổ cẩm là một nghề truyền thống, được ông bà tổ tiên truyền lại cho các thế hệ con cháu. Các cô gái Thái trước khi về nhà chồng phải biết dệt thổ cẩm và thêu thùa, vì họ phải tự tay làm tặng bố mẹ chồng một bộ chăn đệm, trong đó có một chiếc khăn tặng mẹ chồng. Những đường nét, hoa văn trên chiếc váy mà cô gái Thái mặc cũng thể hiện đôi bàn tay có khéo léo, cô gái đó có đảm đang hay không. Người Thái coi những sản phẩm dệt thổ cẩm là một phần trong đời sống vật chất và tinh thần của mình. Cùng với thời gian, nghề dệt thổ cẩm của bà con dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An bị mai một dần, không có nhiều cô gái Thái trẻ biết dệt thổ cẩm và váy áo trước khi về nhà chồng.

 

 

Bà Lô thị Hoa ở bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương năm nay đã gần đến cái tuổi xưa nay hiếm, nghề dệt thổ cẩm gắn với bà từ thời còn là cô bé bắt đầu biết làm duyên. Nhờ cái nghề này, dù mồ côi cả cha lẫn mẹ, bà vẫn trang trải để học hành và rồi trở thành người dâu đảm của họ Mạc. Những sản phẩm thổ cẩm của bà cho đến giờ vẫn được chị em khắp miền Tây xứ Nghệ ưa chuộng.

 

Cũng như bà Hoa, Bà Vi thị Tâm Oanh ở bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền bắt đầu ngồi sau khung dệt từ năm 15 tuổi. Theo bà, nhìn vào mảnh vải thổ cẩm của người Thái sẽ cảm nhận được màu xanh của cây cối, màu vàng, trắng, hồng, đỏ của hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời. Những đường nét hoa văn trên mảnh vải thổ cẩm thể hiện nét đẹp tâm hồn của người phụ nữ Thái. Chính vì vậy, giờ đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm bà vẫn say sưa với từng đường kim, sợi chỉ và những mảnh vải do bà dệt ra ít người sánh kịp.

 

Hình ảnh các bà, các chị bên khung cửi ngày càng hiếm ở Nghệ An

 

Để phục hồi và phát triển nghề dệt thổ cẩm, năm 2010, một số tổ dệt được thành lập tại các bản có thế mạnh về nghề truyền thống này như bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền, bản Mác, xã Thạch Giám, Tương Dương... Mỗi tổ có khoảng 25 thành viên gồm các bà, các chị đã giỏi nghề tập trung lại cùng dệt ra các sản phẩm thổ cẩm đặc trưng của phụ nữ Thái như khăn, chân váy... Tuy nhiên, sau đó không lâu một số tổ đã phải tự động giải tán. Bà Vi thị Tâm Oanh - thành viên của tổ dệt bản Khe Kiền cho biết: Năm 2010, Phòng công thương huyện có hỗ trợ cho chị em thành lập tổ dệt. Hồi đầu háo hức lắm, dệt ngày dệt đêm nhưng sau sản phẩm làm nhiều không bán được nên chị em cũng nản rồi giải tán hết.

 

Tổ dệt của chị Lương thị Lan ở bản Mác, xã Thạch Giám là một trong số ít tổ còn tồn tại được đến hiện nay. Ngoài giờ đi làm, tranh thủ làm vào lúc nông nhàn, buổi trưa, buổi tối, các chị tập hợp nhau lại để quay xa, dệt vải. Nhìn những sản phẩm các chị làm ra thật đẹp với nhiều hoa văn, màu sắc phong phú. Tuy nhiên, để duy trì được như hiện tại chứ chưa nói là phát triển nghề, các chị phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Theo chị Lương thị Lan thì do không được hỗ trợ về vốn nên các chị không có tiền để đầu tư mua các loại chỉ cao cấp, cũng không được học để làm các sản phẩm phù hợp hơn với thị hiếu thị trường, cũng không có điều kiện để tham gia các hội chợ, trưng bày, giới thiệu sản phẩm nên đầu ra rất khó khăn. Quả thật, khi xem các sản phẩm của các chị tuy hoa văn đẹp, phong phú nhưng chủ yếu là chân váy, muốn mua một cái khăn quàng, khăn trải bàn... đều không có.

 

Rõ ràng muốn phát triển nghề dệt thổ cẩm cần phải có những giải pháp hỗ trợ cho bà con. Ông Vi Tân Hợi - Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: Thời gian sắp tới, huyện sẽ thúc đẩy nhiều giải pháp từ công tác đào tạo nghề đến tìm kiếm đầu ra cho bà con, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm.. nhưng, vấn đề đầu tiên vẫn là nguồn kinh phí cho các hoạt động này. Cho đến nay, huyện đã có kế hoạch mở các lớp dạy nghề nhưng chưa có kinh phí. Đó là chưa nói đến nguồn vốn để đầu tư cho nguyên liệu, quảng bá đầu ra...

 

(Hương Giang)