Về Hoan Châu nghe câu dân ca
Đến thăm Câu lạc bộ dân ca xã Diễn Mỹ lúc mọi người đang luyện tập các tiết mục chuẩn bị tham dự liên hoan tiếng hát dân ca ví dặm toàn tỉnh sắp tới mới cảm thấy hết được sự đam mê của các hội viên ở đây. Qua 12 năm thành lập, đến nay, Câu lạc bộ xã Diễn Mỹ đã thu hút trên 40 thành viên tham gia trong đó người nhiều tuổi nhất là 89 tuổi và ít tuổi nhất là 7 tuổi. Kinh phí hoạt động không nhiều, chủ yếu là tự đóng góp, song bằng tình yêu đối với làn điệu dân ca nên các thành viên đều nhiệt tình, tâm huyết tham gia. Chị Cao Thị Bích Lâm – Hội viên CLB dân ca xã Diễn Mỹ tâm sự: Vì lòng đam mê, và cũng vì câu hát dân ca đã thấm sâu trong tiền thức của tôi nên cũng muốn nhân rộng mô hình đào tạo thế hệ trẻ để sau này gìn giữ và phát huy được môn nghệ thuật này.
CLB dân ca xã Diễn Lâm (Diễn Châu) tại Liên hoan dân ca, ví, giặm xứ Nghệ 2012 (Ảnh: Trần Lan Anh) |
Ngoài các Câu lạc bộ ở các xã, trong những năm gần đây, phong trào hát dân ca ở Diễn Châu còn phát triển mạnh ở các trường học. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được trên 100 CLB dân ca trong các trường học, chiếm 80%. Điển hình như trưởng Tiểu học Diễn Ngọc I, phong trào hát dân ca không chỉ có trong các tiết học chính khóa, mà nhà trường còn phát triển thêm các tiết học ngoại khóa, nên đã thu hút ngày càng nhiều học sinh tham gia. Ngoài việc tổ chức hội thi tại trường, những dịp hội thi hát dân ca cấp cụm huyện, trường cũng đều tham gia, tạo môi trường cho các em được thể hiện, được giao lưu học hỏi. Cũng từ đó ngày càng hun đúc thêm tình yêu dân ca nói chung và dân ca xứ nghệ nói riêng trong mỗi học sinh.
Trong những năm gần đây, phong trào hát dân ca ở huyện Diễn Châu đã phát triển khá mạnh. Từ chỗ chỉ có 2 câu lạc bộ đến nay toàn huyện đã có 8 câu lạc bộ dân ca xứ nghệ, 10 câu lạc bộ tuồng, chèo và 7 câu lạc bộ ca trù, mỗi câu lạc bộ có từ 20 đến 40 thành viên tham gia. Để nuôi dưỡng dân ca phát triển, các ngành chức năng ở Diễn Châu đã chú trọng xây dựng được đội ngũ sáng tác khá chuyên nghiệp nên có được những vở kịch dân ca hay, sáng tạo thêm những làn điệu mới, chuyển tải những cung bậc của cuộc sống hằng ngày vào trong hơi thở câu hát dân ca. Ngoài ra, trong các lễ hội hay hoạt động nghệ thuật quần chúng, dân ca mà đặc biệt là ví dặm xứ Nghệ đã trở thành môn nghệ thuật đặc trưng, không thể thiếu. Ông Võ Minh Phúc – Phó GĐ Trung tâm văn hóa huyện Diễn Châu cho biết: Trung tâm văn hóa tiếp tục chỉ đạo các xã thành lập câu lạc bộ và xây dựng nhiều mô hình mới thu hút nhiều hội viên trẻ tham gia; Phối hợp ngành giáo dục đào tạo tiếp tục đưa chương trình dân ca vào trường học. phát huy hiệu quả đưa dân ca vào trường học sẽ tập huấn, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho các giáo viên sư phạm âm nhạc.
Cùng với việc nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, hàng năm từ huyện đến cơ sở đã tổ chức hàng trăm buổi biểu diễn văn nghệ, hàng chục cuộc hội diễn, hội thi. Trong đó, hát dân ca ví dặm trở thành là yêu cầu hàng đầu. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy phong trào hát dân ca nói chung và dân ca Nghệ Tĩnh nói riêng, để sớm đưa dân ca xứ nghệ trở thành di sản văn hóa của nhân loại.
(Vân Anh)