Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Hơn 20 ngàn hiện vật lịch sử quý hiếm của Nghệ An “kêu cứu”

15:03, 21/05/2013
Bảo tàng Nghệ An là công trình văn hóa lớn, không chỉ là nơi lưu giữ và bảo tồn những tinh hoa văn hóa của xứ Nghệ, mà còn đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu và giáo dục truyền thống lịch sử . Tuy nhiên, đến nay, do thiếu nguồn kinh phí nên công trình vẫn đang thi công một cách chậm chạp. Trong khi đó, phần xây dựng cơ bản đã hoàn thành 8 năm, chưa kịp phát huy hiệu quả

 

 

Dự án đầu tư xây dựng công trình trưng bày nội, ngoại thất Bảo tàng Nghệ An với tổng kinh phí là 44,2 tỷ đồng do Bảo tàng Nghệ An làm chủ đầu tư được UBND tỉnh ký Quyết định số 2628/QĐ.UBND.VX phê duyệt , ngày 18/6/2010. Theo kế hoạch, Dự án sẽ được thực hiện trong vòng 3 năm và sẽ hoàn thành vào năm 2013. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì chỉ mới xong phần cải tạo và xây dựng nhà dịch vụ, phòng khánh tiết và gói sưu tầm về hiện vật. Còn các gói khác thì vẫn đang triển khai chậm chạp và chưa thể khẳng định chắc chắn thời gian hoàn thiện.

 

 Bảo tàng Nghệ An hiện đang lưu giữ hơn 20.000 hiện vật có giá trị gắn liền với quá trình lịch sử và đời sống văn hóa của con người xứ Nghệ. Tuy nhiên, số hiện vật này bị hư hỏng và mai một dần. Cụ thể là chiếc trống đồng Đông Sơn được sưu tầm ở huyện Quỳ Hợp có bề dày lịch sử với giá trị gần 1 tỷ đồng . Cùng với hàng nghìn hiện vật bằng đồng đang bị ôxy hóa, các hiện vật như: giấy thảo mộc, mây, tre đan, các loại tài liệu sách chữ Hán, chữ Nôm, các bức tranh thêu cổ, đồ nghề truyền thống làm bằng thủ công… đều đã bị mốc và mối mọt bởi mấy chục năm nay không những không được trưng bày mà chỉ được bảo quản trong môi trường không đảm bảo, độ ẩm cao, chật hẹp, không có điều hòa không khí. Cột đèn Bến Thủy, súng thần công với giá trị hàng tỷ đồng không được che chắn, bảo quản, để lăn lóc tạm thời trong khuôn viên bảo tàng.

 

Dự án xây dựng bảo tàng Nghệ An có tổng kinh phí 44,2 tỷ đồng nhưng cho đến nay mới  được cấp khoảng 10 tỷ đồng, lại được “rót xuống” theo kiểu mỗi năm một ít. Với nguồn kinh phí eo hẹp ấy thì không thể triển khai xây dựng một cách đồng bộ theo thiết kế. Trong khi chờ đợi nguồn vốn để xây dựng tiếp thì công trình xây dựng nhà trưng bày với số kinh phí 11 tỷ đồng được hoàn thành cách đây 8 năm, tức là vào năm 2005 lại có những biểu hiện xuống cấp trầm trọng. Vì thế, kế hoạch đưa bảo tàng vào hoạt động vào cuối năm nay là điều khó có thể thực hiện. Trong khi hiện nay, giáo dục truyền thống, lịch sử đang là vấn đề quan trọng. Cùng với đó là nhu cầu  được tham quan, tìm hiểu lịch sử, văn hóa xứ Nghệ của khách du lịch cũng rất cao.

 

 

Dự án đầu tư xây dựng công trình nội thất, ngoại thất Bảo tàng Nghệ An đến nay vẫn chưa thể hoàn thành đồng nghĩa với việc Bảo tàng vẫn trong tình trạng cửa đóng then cài. Và số phận của hơn 20.000 hiện vật giá trị đang được lưu giữ nơi đây vẫn tiếp tục hao mòn, hư hỏng. Đến khi nào các hiện vật có thể đến được với công chúng và xứng tầm với những giá trị lịch sử vốn có vẫn đang là một câu hỏi lớn đối với ngành quản lý, bảo tồn  các giá trị văn hóa lịch sử của tỉnh Nghệ An?

 

(Hoài Thanh)