Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Yên Thành: Nhiều di tích, danh thắng xuống cấp nghiêm trọng

15:33, 05/07/2013
(truyenhinhnghean.vn) Huyện Yên Thành hiện có hơn 40 di tích văn hóa lịch sử, trong đó, có 20 di tích cấp Quốc gia có giá trị lớn về lịch sử, kiến trúc, văn hóa đã được công nhận. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều di tích, danh thắng trên địa bàn đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, chưa có sự đầu tư tôn tạo kịp thời.

 

 

Quần thể khu di tích lịch sử quốc gia Đền thờ và bia mộ tiến sỹ Trần Đình Phong ở xã Mã Thành được nhà nước công nhận năm 1993. Đây là nơi thờ phụng và tưởng niệm một vị tiến sỹ, một người thầy giáo mẫu mực, một nhà nho yêu nước thương dân, có nhiều công lao trong việc quản lý giáo dục và truyền thụ học vấn cho tầng lớp nho sỹ, trí thức thời vua Tự Đức. Sau 3 năm được công nhận di tích, nhà nước đã đầu tư 30 triệu đồng phục vụ cho việc nâng cấp và tôn tạo, tuy nhiên số tiền đó chỉ đủ để giải tỏa một số nhà dân xung quanh khu vực nhà thờ và mua một số đồ lễ phục vụ việc cúng tế. Từ đó đến nay, di tích này hầu như bị “lãng quên” và quần thể di tích nay đang trong tình trạng xuống cấp cực kỳ nghiêm trọng.

 

Ông Trần Đình Lạp – Hội đồng gia tộc họ Trần Đình xã Mã Thành phản ánh: Trung điện, thượng điện, hạ điện của nhà thờ đều bị vỡ hết ngói, tường và mái nhà bị sạt lở, cột gỗ bị mối mọt ăn gần hết... Dòng họ cũng đã huy động con cháu đóng góp để tu sửa nhưng chỉ được một phần nào đó mà thôi. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra thì di tích này có nguy cơ bị xóa sổ.

 

Đây chỉ là một trong rất nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia ở huyện Yên Thành đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

 

 

Trên thực tế, tình trạng xuống cấp của các di tích lịch sử mặc dù đã được ngành chủ quản đề nghị lên cấp trên có giải pháp xử lý, UBND huyện cũng đã dành một nguồn kinh phí đáng kể cho việc tu bổ tôn tạo các di tích, nhưng đến nay tình trạng xuống cấp của các di tích vẫn đang xảy ra. Bên cạnh một số di tích được đầu tư hàng chục tỷ đồng để tôn tạo lại như Phủ thờ Trần Đăng Dinh, Đình Sừng... thì vẫn còn rất nhiều di tích mặc dù đã lập dự án, và được phê duyệt kế hoạch đầu tư tôn tạo thế nhưng tất cả vẫn đang còn nằm “trên giấy”. Trong đó, Đền Đức Hoàng (xã Phúc Thành) là một ví dụ.

 

Đền Đức Hoàng được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1998, từ đó cho đến nay, nơi đây là điểm đến của nhiều khách thập phương và nó có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ đời sống tâm linh của người dân Yên Thành nói riêng và nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung. Ngày 20/5/ 2010, UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định số 2127 về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tu bổ tôn tạo, trong đó Bộ Văn hóa thể thao và du lịch sẽ đầu tư 14 tỷ 700 triệu để tu bổ nhà thượng điện, trung điện và hạ điện, xây lại cổng đền và một số hạng mục chi tiết, gồm  hai giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2010-2011; giai đoạn 2 vào năm 2012. Nhưng đã 3 năm trôi qua, dự án này vẫn án binh bất động, trong lúc khu di tích mang đậm ý nghĩa văn hóa này vẫn đang phải “gồng mình” chống chọi với sự bào mòn của thiên nhiên, thời gian.

 

 

Một nguyên nhân nữa làm cho các di tích vẫn chưa có sự quan tâm thích đáng đó là sự phân cấp quản lý của các ban ngành chưa cụ thể, một số địa phương có di tích đóng trên địa bàn chỉ quản lý về mặt nhà nước, các cán bộ cấp xã  trình độ nhận thức về công tác bảo tồn di tích còn hạn chế; nguồn ngân sách của các địa phương và dòng họ còn gặp nhiều khó khăn, trong khi đó thủ tục để có thể tiến hành nâng cấp tu bổ khá phức tạp và nhiều công đoạn.

 

Đã đến lúc nhà nước cần sớm có giải pháp để  tu bổ, chống tình trạng xuống cấp cúa các di tích văn hoá – lịch sử như hiện nay, nhằm gìn giữ những nét đẹp văn hoá trong cội nguồn quê hương.

 

(Đài TTTH Yên Thành)