Ðiện ảnh Việt Nam đang có phần xa rời tính dân tộc
Trong xu thế hội nhập, điện ảnh Việt Nam tiếp nhận một số thi pháp, phong cách nghệ thuật mới, thúc đẩy sự sáng tạo đa dạng và hấp dẫn hơn. Tuy vậy, điện ảnh nước ta cũng phải hứng chịu những hiện tượng sao chép đã và đang làm phai nhạt bản sắc dân tộc, một nguy cơ cần được khắc phục. Cũng như một số loại hình nghệ thuật khác, nhiều bộ phim đang có chiều hướng thương mại hóa hoàn toàn. Khán giả yêu điện ảnh Việt Nam không thể chấp nhận được những bộ phim mà nội dung xa rời hiện thực cuộc sống, vừa sai lệch về lịch sử dân tộc, vừa không có giá trị tư tưởng, yếu kém về thi pháp nghệ thuật. Những cảnh bạo lực, những cảnh nóng khêu gợi tình dục trần trụi, xa lạ với phong tục tập quán và đạo đức con người Việt Nam.
Ðiện ảnh là một loại hình nghệ thuật có sức cảm hóa, bồi dưỡng tư tưởng hàng triệu tâm hồn con người. Ở nước ta, ngành điện ảnh cách mạng ra đời cách đây 60 năm, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập, là món ăn tinh thần không thể thiếu được trong đời sống cũng như trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. So với các ngành nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, bài chòi... thì điện ảnh là trẻ tuổi nhất, nhưng lại "cường tráng" nhất và có ảnh hưởng mạnh nhất vào đời sống xã hội, là "vũ khí mềm" sắc bén chống lại mọi cuộc xâm lăng văn hóa.
Từ khi ra đời đến nay, điện ảnh cách mạng Việt Nam luôn luôn phản ánh hiện thực đấu tranh của nhân dân trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, ca ngợi con người Việt Nam anh hùng trong lịch sử quá khứ đến thời đại Hồ Chí Minh. Thành tựu lớn nhất của nghệ thuật điện ảnh cách mạng Việt Nam là những bộ phim mang tính sử thi anh hùng ca biểu dương giai cấp công nhân, nông dân, tầng lớp trí thức trong lao động sáng tạo, đồng thời đậm đà bản sắc dân tộc từ nội dung đến hình thức. Chính cái tính dân tộc ấy là sức thu hút người xem mạnh mẽ, gây ấn tượng sâu sắc. Có thể dẫn chứng ra đây hàng loạt bộ phim làm xúc động lòng người và trở thành các tác phẩm kinh điển của điện ảnh nước nhà như: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Con chim vành khuyên, Em bé Hà Nội, Nổi gió, Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng Mười, Ngày lễ thánh... Còn nhớ một thời vàng son của nghệ thuật điện ảnh Việt Nam, nhân dân hào hứng kéo đến các rạp phim, các sân bãi chiếu phim để được xem những bộ phim giàu tính hiện thực và đậm đà tính dân tộc. Ở đó, người xem tìm lại cuộc sống của mình dưới dạng hình tượng nghệ thuật, chân thực, sinh động và gần gũi, thân quen với mình, từ con người đến quang cảnh, từ phục trang đến âm nhạc...
Tôi còn nhớ trong những năm 60 của thế kỷ trước, tối thứ bảy hoặc chủ nhật, Bác Hồ thường cho đồng chí thư ký mời một số nghệ sĩ sân khấu và điện ảnh lên Phủ Chủ tịch xem phim cùng Người. Xem xong, bao giờ Bác Hồ cũng hỏi mọi người thấy phim có hay không? Nếu ai chưa hiểu thì Người giảng giải thêm về cái hay, cái đẹp của bộ phim. Người quan tâm tới nội dung yêu nước, cách mạng và hình thức thể hiện mang tính dân tộc, tính nhân dân. Một bộ phim hay là hội tụ đủ các yếu tố ấy. Một bộ phim không thể mang tính dân tộc khi kịch bản văn học phim viết về cuộc sống con người Việt Nam, nhưng lại phảng phất hành vi, lối sống của người nước ngoài. Gần đây, tôi được mời đến xem bộ phim Mùa hè lạnh, trong đó có những cảnh yêu đương được đặc tả một cách chi tiết, trần trụi đến nỗi một giám đốc trẻ của một công ty truyền thông ở Hà Nội sau khi xem xong phải kêu lên: "Nhiều cảnh nóng quá, không thể chịu nổi!". Loại phim này, trong những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều đã góp phần tác động tiêu cực đến đạo đức, lối sống của thanh niên. Cũng thời gian gần đây, bộ phim Bụi đời Chợ Lớn bị cấm chiếu cũng vì mang tính bạo lực xã hội đen, xa rời tính dân tộc, mặc dù phim làm công phu, đầu tư tốn kém. Những bộ phim như Bẫy cấp 3 thì vừa đầy tính bạo lực vừa mô tả thô thiển về giới trẻ tuổi teen, hoặc phim Khi tôi 20 cũng đều có sự bắt chước dễ dãi những thủ pháp dung tục, "câu khách" của loại văn hóa thứ cấp, vốn tồn tại đã lâu ở một vài nước phương Tây và đã bị chính người xem ở các nước đó phản đối. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một vài đại biểu đã thể hiện những bức xúc đối với phim ảnh bạo lực, lai căng, cho thấy sự phản ứng quyết liệt trong dư luận cử tri.
Nhìn chung, những bộ phim mang tính dân tộc của điện ảnh Việt Nam ngày càng ít đi trong khi dòng phim thương mại chịu ảnh hưởng mảng tối của văn hóa nước ngoài ngày càng nhiều. Giao lưu, hội nhập văn hóa là quy luật tự nhiên từ xưa tới nay trên thế giới, nhất là thời đại toàn cầu hóa. Trao đổi học tập, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu thêm, đẹp thêm cho văn hóa Việt Nam là cần thiết, là nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân mà Ðảng, Nhà nước đã và đang khuyến khích, nhưng làm sao để hòa nhập mà không hòa tan. Nếu tiếp thu văn hóa nước ngoài mà thiếu bản lĩnh, không dựa trên nền tảng của văn hóa dân tộc thì sản phẩm nghệ thuật sẽ không mang bản sắc và dễ bị người xem từ chối, quay lưng. Tính dân tộc là nét văn hóa đặc thù riêng biệt, có tính cốt lõi của một dân tộc khiến cho người xem, công chúng nước khác phải quan tâm, chú ý và khám phá. Người phương Tây hôm nay đã bắt đầu thích xem những bộ phim Việt Nam mang tư tưởng, tâm hồn, lối sống, phong tục, tập quán của người Việt Nam. Ðiều đó, tôi đã chứng kiến ở Trường đại học Uy-li-am Xmít (Mỹ). Họ chọn một số phim trong nhiều bộ phim truyện Việt Nam để chiếu cho thầy giáo và sinh viên tìm hiểu. Ðó là những bộ phim giàu bản sắc dân tộc, phản ánh lịch sử đã qua và những phim về con người đương đại đang phấn đấu xây dựng xã hội mới hôm nay như phim: Bao giờ cho đến tháng Mười, Cánh đồng bất tận... Trong khi chiếu phim, giáo sư Rắc Ha-rít (Racsk Harist), người đã nhiều năm nghiên cứu văn hóa Việt Nam, giới thiệu kỹ về bộ phim và sau buổi chiếu phim là một cuộc tọa đàm về cái hay và các giá trị tư tưởng, nghệ thuật của phim. Ða số ý kiến đều cho rằng, những bộ phim này hấp dẫn và đậm tính nhân văn, tính dân tộc Việt Nam. Chúng tôi được mời dự những buổi chiếu phim này và lấy làm tự hào về dân tộc mình cũng như nghệ thuật điện ảnh của dân tộc mình. Nhưng thật là nghịch lý, ở Việt Nam hiện nay, khán giả (phần đông là thanh niên) lại hướng vào phim ngoại. Ðiều đó có thể thấy rất rõ ràng, trong những dịp kỷ niệm, các ngày lễ lớn của dân tộc, tại các rạp chiếu phim lớn chỉ tràn ngập phim nước ngoài. Qua đó, chúng ta, những người làm nghệ thuật không thể không suy nghĩ trước thực trạng nền điện ảnh nước nhà...
Tôi không làm nghề điện ảnh, mà chỉ làm nghệ thuật truyền thống, phụ trách Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, nhưng cũng như nhiều đồng nghiệp, nhà nghiên cứu khác đều cảm thấy lo lắng cho sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà. Mong sao, điện ảnh Việt Nam sẽ thật sự có những chuyển biến mạnh mẽ, xây dựng nên những tác phẩm mang tầm thời đại mà vẫn giữ được bản sắc, tâm hồn dân tộc. Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII về xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và hướng tới một Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, là dịp để những người làm điện ảnh nhìn nhận lại chặng đường vừa qua và có những quyết sách đúng đắn cho sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà.
Giáo sư HOÀNG CHƯƠNG