Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nét đẹp văn hóa trong ngày Tết của Người Mông ở Kỳ Sơn.

10:10, 30/01/2014
Mỗi dân tộc, trong ngày tết đều có những phong tục và nét đẹp văn hóa riêng. Ngày tết của người Mông ở Kỳ Sơn cũng là ngày hội đoàn kết, đưa các cá nhân trong cộng đồng xích lại gần nhau, hiểu nhau hơn để chung sức xây dựng và phát triển bản làng ngày một giàu đẹp.

 

 

Trước đây người Mông ở huyện Kỳ Sơn đón tết riêng, nhưng từ khi thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, vận động người Mông ăn tết cùng với Tết cổ truyền của cả nước, thời gian ăn Tết cũng được rút ngắn hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà nhiều nét riêng độc đáo của đồng bào Mông bị mất đi.

 

Ngồi quây quần bên bếp lửa, mọi người cùng nhìn lại một năm qua đã làm được gì và những gì chưa đạt, dự tính trong một năm mới. Gia đình ông Ông Lầu Sái Hơ, ở bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn phấn khởi trước một cái tết được chuẩn bị chu tất và đầy đủ, con cái đều về để sum họp. Ông Lầu Sái Hơ tâm sự, ăn Tết theo Tết cổ truyền thì vui hơn vì con cháu về đông đủ.

 

Sáng 30 Tết cả dòng họ đều tập trung tại sân làng, bên cây Po nha để làm lễ cúng đuổi tà ma, giải xui, xua đi những điều không may mắn, cầu mong những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới. Mọi người đi vòng tròn qua sợi dây bện bằng lá tranh theo 4 vòng xuôi và 3 vòng đi ngược lại. Bàn thờ của người Mông ở Nậm Cắn được đặt giữa gian thứ 2 của nhà và bày biện đơn sơ. Đêm giao thừa mỗi gia đình thường chuẩn bị 3 con gà. Hai con gà được dùng để làm vía, một con để cúng tổ tiên. Trước khi làm thịt gà, thầy cúng làm lễ với trứng gà. Số lượng trứng gà thường bằng số người trong gia đình cộng thêm 3 quả để gọi hồn vía của tổ tiên, gia súc gia cầm và hồn vía hoa màu về ăn tết. Ông Lầu Chống Tủa - Thầy cúng ở Nậm Cắn - Kỳ Sơn còn nói thêm “Làm vía xong thì để gọi hồn các người thân trong gia đình, con trâu, con bò về ăn tết. Xua đuổi tà ma, loại bỏ những cái rủi ro của năm cũ để đón năm mới vui vẻ đầm ấm”.

 

Lễ cúng trong ngày tết của Người Mông

Ngày Tết, người Mông không gói bánh chưng, bánh dày mà gói bánh Mông - thứ bánh đặc trưng của đồng bào Mông được làm bằng nếp nương. Ban đầu nếp được hông chín, sau đó thanh niên trai tráng giã nhuyễn rồi đem gói vào lá dong. Bánh có thể để được hàng tháng trời, khi ăn có thể đem hấp nướng hoặc rán lại. Với người Mông ở Nậm Cắn huyện Kỳ Sơn bánh Mông là thứ hết sức có ý nghĩa nó tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, nguồn gốc sinh ra vũ trụ và loài người.

 


Một công đoạn làm bánh của Người Mông


Đối với trang phục ngày Tết, những bộ quần áo truyền thống được người phụ nữ trong gia đình chuẩn bị cẩn thận từng chi tiết, hoa văn. Tạm gác bộn bề công việc nương rẫy, trai gái xúng xích trong trang phục truyền thống trẩy hội vui xuân. Ngày Tết cũng là dịp để con cháu, anh em họ hàng sum họp, gặp gỡ cùng chúc nhau một năm mới an lành, mùa màng bội thu…Chị Hờ Ia - Bản Trường Sơn xã Nậm Cắn - Kỳ Sơn kể rằng “ Ngày Tết thì người phụ nữ Mông phải đi bẻ cúi, lấy gạo nếp về làm bánh, chuẩn bị quần áo truyền thống cho mọi người trong gia đình và còn chuẩn bị nhiều thứ để đón khách đến nhà chơi trong năm mới”

 

 

 

 

Tiếng khèn vang lên trên vùng núi cao bên cạnh những sắc đào của một mùa xuân mới. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng trong mấy ngày Tết đến xuân về, người Mông ở Nậm Cắn huyện Kỳ Sơn gác lại mọi bồn bề, lo toan. Họ vui chơi thoải mái để chuẩn bị tinh thần cho một năm lao động mới. Đồng bào Mông nơi đây vẫn cảm nhận được một cái Tết đơn sơ mà ấm cúng với những nét truyền thống bao đời được đồng bào lưu giữ. Một mùa xuân mới đã về. Sắc xuân đang ngập tràn khắp mọi nẻo trên vùng biên cương của Tổ quốc./.

 

(Bùi Thọ)