Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Tìm “áo mới” cho Ban quản lý di tích, lễ hội

08:48, 07/02/2014
Mỗi năm, cả nước có hơn 8.000 lễ hội, song song với việc đẩy mạnh phân cấp quản lý cho địa phương, việc xây dựng, lựa chọn mô hình Ban quản lý di tích, lễ hội hiệu quả đang trở thành vấn đề cấp thiết.



Nhiều bất cập

 

Ngoại trừ một số lễ hội tại những địa phương đã sát sao trong công tác quản lý tốt, đa phần các lễ hội của chúng ta vẫn tồn tại những hạn chế chưa được chấn chỉnh kịp thời cần như: Công tác đảm bảo an ninh trật tự chưa được thực hiện tốt; việc thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội chưa thực hiện triệt để; việc đặt hòm công đức, khay tiền dầu đèn nhiều tại các điểm thờ tự vẫn còn; thu chi sử dụng nguồn tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, thờ tự một số nơi chưa thống nhất nên việc tái đầu tư tu bổ di tích chưa được hiệu quả…

 

Ở một số di tích, không gian lễ hội chật chội, chưa được quy hoạch tốt nên vẫn còn lộn xộn hàng quán, xen lẫn trông giữ xe; bia công đức để không đúng chỗ, thậm chí còn đặt cả bát hương, dẫn đến hiện tượng người sống thắp hương người sống; chủ thể quản lý ở một số di tích chưa rõ ràng, do vậy, công tác quản lý, tổ chức lễ hội còn chồng chéo giữa địa phương và cơ quan quản lý nhà nước, ban quản lý di tích nơi diễn ra lễ hội.

 

Hiện nay, di tích nào cũng có Ban quản lý (BQL), nhưng đội ngũ cán bộ quản lý di tích còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ dẫn đến hiện tượng tranh chấp quản lý nguồn thu từ di tích dẫn đến nảy sinh phức tạp, thậm chí có nơi di tích ít nguồn thu thì lại lơ là trong quản lý, trông nom di tích.

 

Sự chồng chéo về chức năng do có nơi thành phần tham gia quản lý di tích, lễ hội có sự tham gia của cả UBND huyện, xã, Sở VHTTDL, BQL di tích… dẫn tới tình trạng tranh nhau làm hoặc cha chung không ai khóc.

 

Việc phân công nhiệm vụ của các đơn vị liên quan tại đia phương chưa rõ ràng cùng với việc mô hình BQL di tích chưa có quy chế hoạt động cụ thể khiến các BQL này chưa thực sự phát huy được vai trò quyết định của mình.

 

Mặc dù cơ quan quản lý cũng đã có nhiều nỗ lực, song cứ đến hẹn lại lên, mỗi mùa lễ hội, những hình ảnh phản cảm về văn hóa lễ hội vẫn là điểm "nóng"...

 

Cần rõ ràng hơn về mô hình

 

Trong 2 năm trở lại đây, Bộ VHTTDL đang dần dần thực hiện việc phân cấp công tác quản lý lễ hội cấp quốc gia cho các địa phương. Bộ chỉ chịu trách nhiệm xây dựng quy chế hoạt động, giám sát kiểm tra việc thực hiện, tổ chức lễ hội.

 

Thực tế cho thấy, thời gian qua, Bộ VHTTDL đã làm rất tốt công tác giám sát, thường xuyên, chủ động phối hợp với các cơ quan bộ ngành, địa phương tổ chức thanh tra kiểm tra các di tích, các lễ hội.

 

Gần đây, một số nhà khoa học lại đưa ra ý tưởng trả lễ hội về cho người dân tự quản lý và tổ chức với lý do đây là tài sản của nhân dân địa phương nên để người dân trực tiếp tham gia quản lý và tổ chức.

 

Tuy nhiên, ý kiến một số chuyên gia, nhà quản lý văn hóa cho rằng vẫn cần có BQL. TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội di sản Việt Nam, cũng cho rằng trả lễ hội về cho dân, tức là những tín ngưỡng, những hoạt động của dân phải do chính người dân thực hiện, đó là phần lễ. Còn phần hội vẫn cần BQL là cơ quan quản lý Nhà nước “xắn tay” tham gia điều hành, quản lý, tổ chức.

 

TS Lê Hồng Lý tán thành việc phân cấp công tác quản lý, tổ chức lễ hội cho địa phương, cho cơ sở, còn quản lý chung thì vẫn phải là Bộ VHTTDL khi thành công của mùa lễ hội 2013 có vai trò rất lớn của Ngành VHTTDL trong việc chỉ đạo tổ chức.

 

Từ đó, có thể thấy nhu cầu kiện toàn mô hình BQL di tích, lễ hội địa phương đã và đang trở thành nhu cầu bức thiết. Là một trong những yếu tố có vai trò quyết định trong việc lấy lại hình ảnh đẹp đẽ, tôn nghiêm thực sự của các lễ hội, phát huy, bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc.

 

Nên chăng, với tư cách là đơn vị tham mưu cho Bộ VHTTDL, Cục Văn hoá cơ sở, Cục Di sản văn hoá cần chủ trì, thực hiện các đề tài khoa học nghiên cứu về việc xây dựng một mô hình BQL di tích, lễ hội với cơ chế quy chế hoạt động cụ thể rõ ràng, quy định chức năng nhiệm vụ và quyền hạn. Trong đó cũng cần chỉ rõ trách nhiệm quyền lợi của các thành viên BQL cũng như các cơ quan liên quan ở địa phương. Có như vậy, việc quản lý tổ chức mới tập trung thực sự vào một đầu mối.

 

(Nguồn: Chinhphu.vn)