Yên Thành: Nhà thờ Nguyễn Gia đón Bằng DTLSVH cấp tỉnh
Nhà thờ họ Nguyễn Gia thuộc làng Văn Yên, xã Văn Thành được xây dựng vào năm 1720, dưới triều vua Bảo Thái, để thờ thỉ tổ “Bản triệu cơ đô huy sứ Quang Vân Hầu - Dực bảo Trung Hưng Nguyễn Tướng công tự Phụng Tiên” là một võ tướng đã có nhiều cống hiến cho triều Lê - Trịnh, ông là người có công khai dân, thành lập làng Thượng (nay thuộc xã Văn Thành).
Nhà thờ cũng là nơi thờ tự những người trong dòng họ có công với dân, với nước ở các triều đại phong kiến được vua sắc phong như: Nguyễn Gia Thiện Đạo, Nguyễn Sàm, Nguyễn Danh Phương, Nguyễn Văn, Nguyễn Văn Tường… Trong thời kỳ 1930 - 1931, Nhà thờ họ Nguyễn Gia là nơi hội họp bí mật của tổ chức Đảng.
Sau Cách mạng Tháng Tám, là nơi hội họp của nhân dân Văn Thành khi xã chưa có trụ sở, là trường học cho trường Tiểu học Yên Trung, rồi bưu điện huyện Yên Thành.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước và công cuộc đổi mới đất nước, con cháu dòng họ Nguyễn Gia tiếp tục phát huy truyền thống của quê hương và dòng họ, có nhiều đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(Đài TTTH Yên Thành)
Quỳnh Lưu: Nhà thờ họ Nguyễn Đại tôn tại xã Quỳnh Thạch cũng vừa đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.
Theo gia phả dòng họ Nguyễn Đại tôn hiện đang được lưu giữ tại nhà thờ, dòng họ Nguyễn ở xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu có Thái Thủy Tổ là ông Nguyễn Phi Khanh, sinh năm 1356 tại làng Nhị Khê, phủ Thường Tín, nay thuộc Thường Tín, Hà Nội là hậu duệ đời thứ 9 của Đinh Quốc Công Nguyễn Bặc – Khai quốc công thần, bậc nhất đời vua Đinh Tiên Hoàng. Vùng đất kẻ Sót, kẻ Tràm, nay là xã Quỳnh Thạch trù phú giàu đẹp như ngày hôm nay ghi công lao to lớn trong công cuộc khai sơn phá thạch của ông Nguyễn Nhữ Trực, con trai Thái phó Tuy quốc công Nguyễn Nhữ Soạn, cháu nội Nguyễn Phi Khanh và là cháu ruột gọi Nguyễn Trãi bằng bác cùng với con trai của ông là Nguyễn Nhữ Khuynh, sau đổi thành Nguyễn Đình Khuynh.
Nhà thờ họ Nguyễn đại tộc được Nguyễn Đình Khuynh xây dựng nên để thờ ông nội và thân sinh, được tu tạo và xây dựng lại vào năm Minh Mệnh 1848. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha ông, nhiều người con của dòng tộc họ Nguyễn đã lên đường chiến đấu ở khắp các chiến trường, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của dân tộc.
Hiện nay, nhà thờ họ Nguyễn Đại tôn vẫn còn lưu giữ khá nguyên vẹn các hạng mục: Thượng đường, Bái đường, Tả vu, Hữu vu, Cổng tam quan và nhiều hiện vật có giá trị như sắc phong, thần phả, long ngai, bài vị, câu đối. Hàng năm, tại nhà thờ diễn ra nhiều kỳ lễ trọng, kết nối con cháu xa gần về hội tụ nhăm ôn cố, tri tôn tưởng nhớ công đức của các bậc tiên tổ, nhất là vào dịp lễ tế tổ mồng 10 tháng Giêng âm lịch.
Việc UBND tỉnh Nghệ An cấp bằng di tích lịch sử Nhà thờ họ Nguyễn đại tộc tạo điều kiện cho việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.
(Nguyễn Vân)