Đô Lương nỗ lực gìn giữ những ngôi nhà cổ.
Là trung tâm của huyện Đô Lương có điều kiện phát triển mạnh về kinh tế, cùng với tốc độ đô thị hóa, vì vậy nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên. Tuy nhiên, nhiều người dân của thị trấn Đô Lương vẫn nỗ lực giữ gìn nhiều ngôi nhà cổ đã tồn tại hàng trăm năm. Ngôi nhà của ông Đinh Viết Lan ở khối 5 thị trấn Đô Lương nằm gọn giữa lòng thị trấn. Nhà ông Lan đã tồn tại trên 200 năm và đã chứng kiến biết bao sự đổi thay ở vùng đấu này. Ông cho biết: “…Ngôi nhà có từ trên 200 năm,đã mấy đời nhà tôi ở đây rồi. Đặc điểm lớn nhất của nó vào mùa đông ấm, mùa hè mát, tôi rất yêu quý và gắn bó với ngôi nhà này…”
Ngôi nhà Ông Đinh Viết Lan đã tồn tại trên 200 năm |
Ông Đinh Viết Lan là thế hệ thứ tư được kế thừa ngôi nhà. Nay con cháu ông đang được nối tiếp để gìn giữ nét đẹp đó. Nhà được thiết kế toàn bộ bằng gỗ lim, kiến trúc 3 gian, 2 hồi, 16 cột, tất cả được làm bằng 13 khối gỗ. Trên mái nhà được chạm trổ hình rồng, lợp ngói theo vảy âm dương. Ông cho biết, ngôi nhà trước đây là nơi để các văn nhân về họp hành, sinh hoạt, làm thơ,…
Còn ngôi nhà ông Nguyễn Đình Tân ở Khối 10, thị trấn Đô Lương cũng đã tồn tại trên 100 năm nay. Nhà của ông Tân được xây dựng năm 1944, hệ thống cột, kèo toàn bộ là gỗ lim và đinh hương. Cũng theo ông Tân, đây chính là nơi mở lớp bình dân học vụ, sinh hoạt tập thể của nhân dân trước đây ở vùng đất này.
Những ngôi nhà cổ trên địa bàn thị trấn Đô Lương phần lớn đều được thiết kế vững chãi, là nơi hội họp để bàn việc nước, đàm đạo thơ ca, có những ngôi nhà được dùng để mở lớp dạy học. Qua nhiều biến cố của thời gian, các ngôi nhà đó đã được cách tân lại cho phù hợp với thời hiện đại, song vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ kính. Bà Dương Thị Năm – Hiệu trưởng trường mầm non thị trấn Đô Lương cho rằng: “…Các ngôi nhà cổ rất có giá trị lịch sử, nên theo cá nhân tôi, việc bảo tồn các ngôi nhà cổ cần được chính quyền quan tâm hơn nữa để những nét đẹp lịch sử đó tồn tại mãi với thời gian…”
Toàn Thị trấn Đô Lương hiện nay còn có hàng chục ngôi nhà cổ, trong đó có nhiều nhà đã có tồn tại từ 100 – 200 năm. Qua đổi thay của quê hương đất nước, những ngôi nhà đó vẫn đang được người dân quan tâm gìn giữ, bởi đối với họ không chỉ có tuổi thơ mà còn ý nghĩa về giá trị kiến trúc cổ kính – một nét đẹp rất lớn của làng quê Việt Nam. Việc giữ gìn những ngôi nhà cổ không chỉ là trách nhiệm của người dân mà còn có trách nhiệm của các ban ngành và chính quyền để góp phần bảo tồn, gìn giữ di sản vật thể của nhân dân.
(Hữu Hoàn)