Khó khăn trong bảo tồn văn hóa dân tộc Ơ Đu
Ngôi nhà sàn nhà ông Lo Văn Nghệ đã trở thành địa điểm sum họp của bà con dân tộc Ơ Đu kể từ khi về định cư tại quê mới Văng Môn xã Nga My, huyện Tương Dương. Ông được xem là pho sử sống của dân bản không chỉ vì ông biết nhiều về văn hóa của dân tộc mình mà còn bởi công việc thầm lặng mà ông đang làm. Đó là truyền dạy tiếng Ơ Đu cổ xưa cho dân bản, một di sản văn hóa mà từ rất lâu rồi ít người Ơ Đu có thể hiểu sâu sắc về nó.
Nhà ông Lo Văn Nghệ đã trở thành địa điểm sum họp của bà con dân tộc Ơ Đu
Hiện chỉ còn 4 người cao tuổi như ông Nghệ còn biết về manh nha ngôn ngữ của người Ơ Đu. Và chính ông cũng là số ít những người tham gia giảng dạy 5 lớp học tiếng Ơ Đu từ năm 2008 đến nay. Thực tế đó càng cho thấy những khó khăn trong việc bảo tồn văn hóa, đặc biệt là ngôn ngữ của người Ơ Đu hiện nay.
Trò chơi của người Ơ Đu
Nhiều giá trị văn hóa của người Ơ Đu được xác nhận như trò chơi dân gian, đan lát, ẩm thực...Tuy nhiên cùng với sự biến đổi của xã hội, nhiều giá trị văn hóa của người Ơ Đu đã bị đồng hóa, vay mượn của đồng bào Thái, Khơ Mú thậm chí đã bị biến mất.
Một bữa ăn của người Ơ Đu
Ẩm thực của người Ơ Đu cũng có nhiều nét riêng. Nhưng rất ít gia đình Ơ Đu có thể duy trì được món ăn truyền thống của dân tộc mình. Tình trạng đó có thể do những khó khăn về kinh tế hoặc thói quen dùng món ăn của người Thái, Khơ Mú trong bữa ăn hàng ngày. Với sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của bà con Ơ Đu ở Văng Môn đã vơi bớt những khó khăn. Tuy nhiên, không gian kiến trúc biến đổi, việc người dân không giữ được nét nguyên bản về tiếng nói, trang phục, ẩm thực đã dẫn đến nguy cơ phai nhạt, thậm chí biến mất văn hóa của đồng bào Ơ Đu ở Tương Dương./.
(Thái Sơn)