Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca trong xã hội đương đại

14:11, 15/05/2014
Sáng nay (15/5), tại Thành phố Vinh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca trong xã hội đương đại” (trường hợp dân ca, ví, giặm Nghệ Tĩnh).

 

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các Cục, vụ viện Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch, các nhà khoa học quốc tế và trong nước. Về phía lãnh đạo tỉnh Nghệ An có các đồng chí Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Xuân Đường – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh. Các đồng chí: Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đinh Thị Lệ Thanh - Uỷ viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Nguyễn Thiện - UVBTV, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ trì hội thảo.

 

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: Báo Nghệ An)

 

Theo thống kê, hiện nay, tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vẫn còn 260 làng có thực hành dân ca Ví, Giặm, có 75 nhóm dân ca Ví, Giặm đang hoạt động với trên 1500 thành viên. Với những giá trị văn hóa nghệ thuật độc đáo, năm 2012 dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và hiện đang được Bộ VHTT – DL thừa ủy quyền của chính phủ xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

Với những giá trị to lớn đó, Hội thảo khoa học quốc tế Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca trong xã hội đương đại (trường hợp dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh) đã quy tụ đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước để chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, bảy tỏ quan điểm về mặt lý thuyết, phương pháp tiếp cận và thảo luận về những biện pháp thiết thực bảo tồn và phát huy giá trị dân ca nói chung, Ví, Giặm Nghệ Tĩnh nói riêng trong xã hội đương đại.

 

 

 

Hội thảo cũng đã tập trung thảo luận vào bốn vấn đề chính: nhận diện rõ nét và toàn diện hơn những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của các hình thức diễn xướng dân ca truyền thống; nhận diện sức sống của dân ca, đặc biệt là dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh những kinh nghiệm thực tiễn trong công tác quản lý và xây dựng cơ chế, chính sách bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể; công tác bảo vệ và phát huy vai trò của dân ca trong đời sống.

 

(Hiến Chương)