Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nơi giữ gìn, phát huy dân ca ví, giặm xứ Nghệ

16:38, 29/05/2014
(truyenhinhnghean.vn) Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dân ca ví, giặm vẫn được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và chính sự hoạt động của các cộng tác viên, các câu lạc bộ dân ca tại các địa phương trong toàn tỉnh đã góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn và phát huy hiệu quả loại hình nghệ thuật nhân văn, độc đáo này.

 

Để làn điệu dân ca ví giặm xứ Nghệ không bị mai một theo thời gian, các thành viên của câu lạc bộ dân ca ví giặm xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương đều đặn hàng tuần tổ chức các buổi sinh hoạt  để học và truyền lại các làn điệu dân ca cho con cháu. Câu lạc bộ dân ca ví giặm xã Ngọc Sơn hơn 40 thành viên, người nhỏ tuổi nhất là 4 tuổi, người lớn tuổi nhất là 80. Dù khác nhau về lứa tuổi nhưng ở họ đều có chung niềm đam mê ca hát và mong muốn lưu giữ những làn điệu dân ca ví giặm xứ Nghệ.

 

Buổi sinh hoạt và truyền dạy tại CLB dân ca Ví, Giặm xã Ngọc Sơn, Thanh Chương

 

Từ ngày thành lập, Câu lạc bộ dân ca ví dặm xã Ngọc Sơn đã tham gia nhiều hội diễn từ cơ sở đến cấp huyện, tỉnh và đạt nhiều giải cao. Thông qua các kỳ liên hoan, hội diễn, CLB dần hoàn thiện tổ chức và hoạt động thường xuyên. Việc thành lập CLB dân ca ví, giặm trên địa bàn đã tạo tiền đề cho việc đưa sinh hoạt dân ca trở về gần hơn với không gian và môi trường diễn xướng ban đầu của nó. Đây cũng chính là sân chơi để các nghệ nhân có cơ hội được hát, được sáng tác, được thỏa mãn niềm đam mê với làn điệu dân ca ví giặm và truyền dạy nhiều hơn cho thế hệ trẻ loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này.

 

Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có hơn 80 câu lạc bộ dân ca ví, giặm với sự tham gia sinh hoạt của gần 1.400 thành viên. Sức ảnh hưởng của các CLB dân ca ví, giặm đang lớn dần và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng, ủng hộ của cả cộng đồng.Với những giá trị nhân văn và nghệ thuật độc đáo cùng với sức lan tỏa trong cộng đồng, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được Việt Nam đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể  của nhân loại. Mặc dù vẫn còn chờ đợi và hy vọng, nhưng điều đó cho thấy, giá trị của dân ca ví, giặm đối với đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng và đối với vốn văn hóa truyền thống đã được nhìn nhận và đánh giá một cách xứng tầm.

 

Giá trị của dân ca ví, giặm đã được khẳng định trong đời sống. Tuy nhiên, để dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh có chỗ đứng vững chắc, thực sự là di sản tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của mỗi người dân xứ Nghệ nói riêng và người dân Việt Nam nói chung  thì  hoạt động thường xuyên, sâu rộng của các câu lạc bộ dân ca ví giặm tại địa phương chính là yếu tố quan trọng,  góp phần gìn giữ và làm sống dậy giá trị của loại hình nghệ thuật diễn xướng này.

 

(Thùy Linh)