Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Phục dựng 3 căn nhà hàng xóm của Bác Hồ

15:14, 12/05/2014
Theo ông Nguyễn Bá Hòe, việc phục dựng các căn nhà hàng xóm của Bác Hồ càng thể hiện được tình cảm láng giềng gắn bó giữa gia đình Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và gia đình thường dân. Đây là điều khá đặc biệt trong mối quan hệ xã hội vào thời kỳ đó.

Phục dựng 3 căn nhà hàng xóm của Bác Hồ
Căn nhà hàng xóm của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân phụ Bác Hồ được phục dựng gần như nguyên trạng.

 

Những ngày này, rất đông du khách cả nước đổ về thăm Khu di tích Làng Sen (Nam Đàn, Nghệ An). Bên cạnh tham quan những di tích gắn liền với tuổi thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh, lần đầu tiên du khách được thăm 3 ngôi nhà mái tranh vách nứa mới được phục dựng ngay trong quần thể Khu di tích này.

 

Đó là 3 căn nhà mái tranh vách nứa phục dựng gần như nguyên trạng những căn nhà cũ của 3 hộ gia đình hàng xóm là ông Hoàng Xuân Tiệng, Vương Hoàng Mỹ và Nguyễn Danh Khai hàng xóm láng giềng của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Để phục dựng được 3 căn nhà này, các đơn vị thi công đã dày công sưu tầm, nghiên cứu thông qua tư liệu về kiểu kiến trúc thường thấy ở xã hội nông thôn Việt Nam trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và qua trí nhớ của các cụ cao niên.

 

Phục dựng 3 căn nhà hàng xóm của Bác Hồ
Những căn nhà mái tranh vách gỗ với lối kiến trúc phổ biến ở làng quê Trung Bộ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.

 

Các căn nhà có kết cấu 3 gian cột gỗ, vách nứa, lợp lá tranh, diện tích 50m2. Phía trước mỗi căn nhà đều có rèm tre tránh mưa, nắng hắt vào nhà. Nền nhà bằng đất, cao hơn mặt sân chừng 20cm. Mỗi công trình gồm nhà ngang và nhà bếp. Ngoài căn nhà của cụ Hoàng Xuân Tiệng, 2 căn nhà còn lại có một gian nhà nằm tách biệt dùng để nhốt trâu, bò và chăn nuôi.

 

Trao đổi với PV Dân Trí, bà Nguyễn Thị Thiện - chắt ngoại của cụ Hoàng Xuân Tiệng cho biết: “Các cụ trong gia đình chúng tôi có vinh dự là hàng xóm sát vách với thân sinh Bác Hồ. Trước đây, lò rèn của ông tôi là cụ Hoàng Xuân Điền đã được phục dựng. Nay đến lượt ngôi nhà của cụ cố Tiệng. Để cơ quan chức năng phục dựng ngôi nhà này, chúng tôi đã phải di dời đến nơi khác, nhường toàn bộ khuôn viên vườn tược cho dự án. Tuy nhiên, đây là một công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa nên chúng tôi rất ủng hộ”.

 

Mỗi căn nhà bao gồm nhà chính 3 gian vuông góc với nhà ngang và bếp.
Mỗi căn nhà bao gồm nhà chính 3 gian vuông góc với nhà ngang và bếp.

 

Ông Nguyễn Bá Hòe - Giám đốc Khu di tích Kim Liên cho biết: Việc phục dựng 3 căn nhà hàng xóm cụ Nguyễn Sinh Sắc có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó thể hiện mối quan hệ hàng xóm láng giềng gắn bó, thân tình với nhau. Mặc dù là nhà quan nhưng mối quan hệ giữa gia đình Bác Hồ, giữa các thành viên trong gia đình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc với các gia đình hàng xóm không có khoảng cách mà hết sức thân tình, gần gũi. Đây là điều rất khác biệt trong mối quan hệ xã hội ở nước ta thời kỳ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Chính điều này đã thể hiện phong cách sống giản dị, gần gũi của Bác Hồ sau này”.

 

Mái hiên của từng ngôi nhà đều có những bức rèm bằng tre có tác dụng ngăn mưa nắng.
Mái hiên của từng ngôi nhà đều có những bức rèm bằng tre có tác dụng ngăn mưa nắng.

 

Hiện tại, 3 căn nhà hàng xóm của Bác Hồ tại Làng Sen và 1 căn nhà ở Làng Hoàng Trù (quê ngoại Bác Hồ) đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính. Tuy nhiên, những đơn vị liên quan đang cố gắng phục dựng nội thất, đồ dùng sinh hoạt của mỗi căn nhà để đưa vào phục vụ du khách.

 

(Theo Dân trí)