Triển lãm có sự tham dự của gần 100 đại biểu là các các học giả, nhà nghiên cứu quốc tế đến từ Mỹ, Nga, Australia, Ấn Độ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Philippines, Hàn Quốc... cùng các học giả Việt Nam ở nước ngoài, trong nước và nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Triển lãm đã lựa chọn những tư liệu lịch sử, những chứng cứ vững chắc về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để lần đầu tiên trưng bày, giới thiệu với đại biểu, công chúng, qua đó bác bỏ những luận điệu xuyên tạc lịch sử, những yêu sách chủ quyền mập mờ phi lịch sử của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các vùng biển khác của Việt Nam trên Biển Đông.
Những tư liệu, bản đồ, hình ảnh, hiện vật được trưng bày tại triển lãm gồm phiên bản một số văn bản Hán Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do các Nhà nước phong kiến Việt Nam ban hành vào thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX, khẳng định các Nhà nước Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ trước đến nay; các bản đồ cổ của Việt Nam, của Trung Quốc, bản đồ của một số nước phương Tây vẽ từ thế kỷ 16-18, tuyển chọn những phần liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong 102 cuốn sách xuất bản tại các nước phương Tây trong các thế kỷ 18-19; bốn cuốn Atlas là những bản đồ được sản xuất tại Anh, Đức, Australia, Canada, Mỹ và Hong Kong trong khoảng thời gian 1626-1980, trong đó có bản đồ ghi nhận cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam; nhóm bản đồ thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong vùng lãnh hải của Việt Nam.
Đặc biệt, tại triển lãm có Bộ Atlas thế giới của Phillipe Vandemaelen xuất bản năm 1827 tại Bỉ lần đầu tiên công bố trong đó vẽ và miêu tả rõ quần đảo Hoàng Sa là thuộc lãnh thổ của Vương quốc An Nam xa xưa, nay là Việt Nam.
Các tư liệu liên quan đến chính quyền Pháp nhân danh và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong thời kỳ Pháp thuộc; trong đó, có những tư liệu mới được công bố như Giấy khai sinh của công dân Việt Nam được cấp tại Hoàng Sa năm 1940, Bộ hồ sơ đèn biển ở miền Trung Việt Nam năm 1950, cuốn Biên niên của Nha khí tượng Đông Dương năm 1940 do Phủ toàn quyền Đông Dương xuất bản năm 1942; tư liệu quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các tư liệu lưu trữ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1954-1975)...
Đây đều là những tư liệu bản gốc và là những chứng cứ pháp lý xác thực khẳng định các hoạt động quản lý hành chính, dân sự mà chính quyền bảo hộ Pháp ở Đông Dương đã triển khai trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, góp phần khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
Giáo sư Carlyle A. Thayer, nguyên Giáo sư Học viện Quốc phòng Australia, chuyên gia về Việt Nam và Đông Nam Á, sau khi xem Triển lãm "Hoàng Sa-Trường Sa phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam" đã phát biểu: "Những hình ảnh, tư liệu, bản đồ, hiện vật được trưng bày tại cuộc triển lãm đã giúp các vị đại biểu, các học giả, các nhà nghiên cứu... có cái nhìn khách quan về sự thật lịch sử không thể phủ nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Việt Nam từ hàng trăm năm qua".
(Theo TTXVN)