Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Bản hùng ca sống động

17:07, 21/07/2014
Xem lại những bộ phim về đề tài đấu tranh thống nhất nước nhà của thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như: “Chung một dòng sông”, “Chị Tư Hậu”, “Người đôi bờ” thì bộ phim “Vỹ tuyến 17 ngày và đêm” của đạo diễn Hải Ninh (Hãng phim truyện Việt Nam), để lại ấn tượng hơn cả. Ở đó có các sự kiện lịch sử diễn ra trong khoảng thời gian dài từ năm 1954 - 1968, khi cuộc


Poster phim
Poster phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm"
 
 
Sau khi chia tay người chồng tập kết ra Bắc với một niềm tin hẹn ước sau 2 năm hiệp thương thống nhất sẽ trở về đoàn tụ gia đình theo tinh thần của Hiệp định Giơnevơ - 1954 đã ký kết. Chị Dịu ở lại bờ nam sông Bến Hải để tiếp tục hoạt động cách mạng. Tên sỹ quan ngụy Trần Sùng trở về làng với mục đích tiêu diệt tận gốc bọn cộng sản Làng Cát, nhằm thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước. Bác Cả Thuận - bí thư chi bộ bị bắt và bị địch giết hại. Chị Dịu thay bác làm bí thư, tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân vùng giới tuyến. Dịu trở thành tâm điểm chú ý, đối tượng “nguy hiểm” của tên ác ôn Trần Sùng (cũng là người làng Cát). Chị đã nhiều lần phải vào tù, bị tra tấn cực hình nhưng vẫn kiên cường, bất khuất gây dựng lực lượng ngày một phát triển.

Phim ra đời năm 1972. Để xây dựng được một nhân vật điển hình của cuộc chiến tranh nhân dân trong những năm đầu đánh Mỹ, biên kịch Hoàng Tích Chỉ và đạo diễn Hải Ninh mất gần 5 năm trời vào ra vùng giới tuyến tạm thời Vĩnh Linh để tìm gặp các nhân chứng, là những cán bộ, du kích hoạt động từ bờ nam sông Bến Hải sang để khai thác tư liệu. Gom nhặt những câu chuyện có thật, những chi tiết sống động để xây dựng thành một kịch bản giàu chất sử thi. Nhân vật Dịu (Trà Giang đóng) trong phim là hình tượng một người phụ nữ có tên thật là chị Diệu ở làng Cát, Gio Linh, Quảng Trị, có chồng đi tập kết. Về công khai, chị giống như những người nông dân bình thường, chân chất làm ăn. Song chị là bí thư chi bộ, là linh hồn của những cuộc nổi dậy đấu tranh chống kìm kẹp, đàn áp, trả thù những người cách mạng, những gia đình có cán bộ tập kết ra Bắc. Hơn 10 năm trời chị Diệu bị bọn Mỹ - Ngụy tra tấn, tù đày mà không thể nào đánh đổ được người con gái miền Nam kiên trung, bất khuất ấy. 

Và trong sâu thẳm những đêm dài thao thức, là tình thương và nỗi nhớ chị dành cho người chồng bên kia sông, cùng nỗi đau quê hương, đất nước bị chia cắt, đặc biệt với cái bào thai ngày càng lớn dần lên trong chị... Nhằm khoét sâu vào nỗi đau này, kẻ thù đã tổ chức ra những chiến dịch tâm lý chiến “học tập chống cộng” ép buộc, dụ dỗ những người vợ có chồng tập kết phải ly hôn, tái giá, với âm mưu hiểm độc nhằm ly gián người dân với cách mạng, hạ uy tín cán bộ, bôi nhọ phẩm chất những người vợ tiến tới làm tan rã các cơ sở hoạt động của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Để đối phó với kẻ thù, có lúc chị Diệu đã phải kết hôn giả với một người đàn ông bị câm điếc để chúng không khai thác được gì, nhưng rồi cũng bị kẻ thù phát hiện và chị tiếp tục bị bắt bớ, tra tấn dã man, kéo lê chị đi hết trại giam này đến nhà tù khác.

Chị Diệu là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam kiên cường, bất khuất trong nhà tù Mỹ - Ngụy. Nhưng còn phần đời chị hoạt động công khai trong lãnh đạo phong trào đấu tranh vũ trang của đồng bào giới tuyến, thì những người làm phim phải tiếp tục thâm nhập qua cuộc đời của nhiều nhân chứng khác: Đó là hình ảnh o Thảo - Chỉ huy đội du kích Gio Linh, Bí thư Chi bộ Gio Hà. Vậy là phần đời có thật của chị Diệu, o Thảo cùng bao người phụ nữ khác là hình mẫu để giúp tác giả sáng tạo ra hình ảnh nhân vật chị Dịu trong phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”- một bộ phim truyện sử thi hoành tráng, để lại dấu ấn sâu sắc cho nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Tại LHP Quốc tế Mátxcơva năm 1973, phim được trao giải thưởng lớn của Hội đồng hòa bình thế giới, Nữ diễn viên Trà Giang vai Dịu được trao giải Vàng. Báo chí Liên Xô ngày ấy đã bình luận: “Có thể nói chưa bao giờ trên màn ảnh Việt Nam lại thể hiện hình tượng về người phụ nữ trong chiến tranh với một sức mạnh và tài năng như vậy. Hình ảnh người phụ nữ dịu hiền, dễ thương đến ngạc nhiên về một người mẹ, người vợ, người lính, người chiến sỹ cộng sản, Trà Giang đã thể hiện vai đó một cách tuyệt vời, bằng cả trái tim mình!”.

Được biết, nguyên cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (một người con Quảng Trị), cùng đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước ta sang thăm Liên Xô đã xem bộ phim này ngay tại LHP Quốc tế Mátxcơva. Xem xong đồng chí đã có lời khen ngợi: “Bộ phim các đồng chí làm rất công phu đã làm tôi xúc động. Việc gì cũng vậy, làm công phu thì bao giờ cũng đem lại kết quả tốt đẹp…”, rồi đồng chí ôm hôn trìu mến diễn viên Trà Giang nói lời xúc động: “Cháu đóng giỏi lắm!”.
 
 
(Theo Báo Nghệ An)