“Đồng Lộc - Ngã ba bất tử”
Đến dự Chương trình có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình; Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân dân; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và đông đảo người dân Hà Tĩnh.
Tại chương trình, ông Trương Hòa Bình đã trao Bằng công nhận xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh cho đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh.
Chương trình nghệ thuật “Đồng Lộc - Ngã ba bất tử” diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 46 năm chiến thắng lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (24/7/1968 - 24/7/2014) và tri ân đối với sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong tiểu đội Võ Thị Tần thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong 55 đã anh dũng hy sinh trong lúc đào lấp hố bom thông đường.
Sự hy sinh anh dũng và cuộc sống, chiến đấu của 10 liệt nữ cùng lực lượng thanh niên xung phong, quân đội, công an, cán bộ giao thông… ở ngã ba này vẫn mãi trường tồn, bất tử và trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Ngã ba Đồng Lộc là một "yết hầu" quan trọng nhất trên con đường Trường Sơn huyền thoại, là mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam.
Ngày 9/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 2383/QĐ-Ttg xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt cho tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh; trong đó trên địa bàn Hà Tĩnh có hai địa điểm ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc) và Chỉ huy sở chiến dịch 559 (xã Hương Đô, huyện Hương Khê).
Chương trình nghệ thuật “Đồng Lộc - Ngã ba bất tử” với những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc được thể hiện bởi nhiều nghệ sỹ, ca sỹ chuyên nghiệp như Vành Khuyên, Anh Thơ, Nguyễn Phương Thanh, Thành Lê và các diễn viên đến từ Nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam và Nhà hát nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh.
Các tác phẩm nghệ thuật được dàn dựng công phu, với nhiều ca khúc hay đi cùng năm tháng như “Mười bông cúc trắng Trường Sơn,” “Linh chuông Đồng Lộc,” “Màu hoa đỏ,” “Người con gái Sông La,” “Đồng Lộc - mười bông hoa bất tử,” “Đường Trường Sơn xe anh qua,” “Tổ quốc gọi tên mình”… thể hiện như một sự tri ân, nhắc nhớ cho thế hệ hôm nay về công lao của các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh tuổi xuân cho độc lập dân tộc.
Cũng trong chương trình, khán giả cả nước được giao lưu với nhà thơ Yến Thanh (tên thật là Nguyễn Thanh Bính) - tác giả của bài thơ “Cúc ơi” nổi tiếng, khi đó cũng đang tham gia chiến đấu tại chiến trường Đồng Lộc.
"Cúc ơi” là bài thơ xúc động được viết sớm nhất, ngay sau sự hy sinh của 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc. “Cúc ơi” là lời khấn của nhà thơ Yến Thanh gửi tới anh linh chị Hồ Thị Cúc, Tiểu đội phó khi anh cùng đồng đội tìm kiếm thi thể chị bị bom vùi lấp.
Nhân dịp này, Ban tổ chức chương trình đã trao quà cho gia đình các cựu thanh niên xung phong và thân nhân của các anh hùng liệt sỹ.
(Theo TTXVN)