Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Xây dựng Cửa Lò trở thành đô thị du lịch: Đôi điều suy ngẫm

08:47, 02/07/2014
(truyenhinhnghean.vn) Với bờ biển dài 10,2km, bãi cát thoai thoải, nước biển trong xanh, độ mặn thích hợp, cách bờ 4km có đảo Ngư chặn sóng dữ, tạo cho bãi tắm an toàn, lý tưởng. Vì vậy, trong quy hoạch đô thị du lịch Cửa Lò, trước hết, cần đề ra mục tiêu xây dựng bãi tắm Cửa Lò đẹp nhất Việt Nam.

 

Trong những ngày này, cán bộ và nhân dân thị xã Cửa Lò đang náo nức thi đua lập nhiều thành tích chào mừng kỷ niệm 20 năm ngày thành lập thị xã 29/8 (1994 – 2014), đồng thời khẩn trương hoàn thành đề án xây dựng Cửa Lò trở thành đô thị du lịch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đề án nâng cấp “Lễ hội du lịch Cửa Lò” trình UBND tỉnh phê duyệt với quy mô cấp tỉnh.

 

Nhìn lại 20 năm qua, kể từ ngày Chính phủ ban hành nghị định 113/CP về việc thành lập thị xã Cửa Lò, một khoảng thời gian chưa dài song những gì mà Cửa Lò đã làm được là đáng ghi nhận. Từ một thị trấn nhỏ với những làng chài ven biển đến nay có cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ (năm 2009 được Bộ Xây dựng quyết định công nhận đạt các tiêu chí đô thị loại 3). Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm tăng từ 19 đến 21%. Lĩnh vực du lịch phát triển vượt bậc, năm 1995 đón 85.000 lượt người, đến năm 2013 đón trên 2 triệu lượt người, tăng trên 23 lần. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 58 triệu đồng/năm, là địa phương đạt cao nhất nhì của tỉnh. Với những thành tích đó, Thị xã Cửa Lò vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2004, hạng Nhì năm 2009 và hạng Nhất năm 2014.

 

Tuy nhiên, Cửa Lò vẫn còn những hạn chế trong việc thực hiện quy hoạch, bảo vệ môi trường bãi tắm, đến nay còn 1 nhà nghỉ quy mô cấp Bộ, 1 khách sạn ngành và cơ sở ươm giống hải sản tư nhân, chưa di dời theo chỉ đạo của tỉnh. Dự án “Xử lý - thoát nước thải” do Chính phủ Đan Mạch tài trợ, khởi công từ năm 2001 đến nay còn dang dở. Hoạt động du lịch vẫn còn mang tính mùa vụ, thiếu những công trình phục vụ vui chơi, giải trí và siêu thị lớn để du khách mua sắm. Huy động nội lực để xây dựng các công trình phúc lợi chưa cao, là thị xã du lịch nhưng lại rất thiếu cán bộ, chuyên viên giỏi để tham mưu trên lĩnh vực này…

 

Cửa Lò có bờ biển dài 10,2km, bãi cát thoai thoải, nước biển trong xanh

 

Thiết nghĩ, quy hoạch đô thị du lịch mà đặc trưng của Cửa Lò là du lịch biển thì trước hết là phải quy hoạch bãi tắm. Với bờ biển dài 10,2km, bãi cát thoai thoải, nước biển trong xanh, độ mặn thích hợp, cách bờ 4km có đảo Ngư chặn sóng dữ, tạo cho bãi tắm an toàn, lý tưởng. Vì vậy, trong quy hoạch, cần đề ra mục tiêu “Xây dựng bãi tắm Cửa Lò đẹp nhất Việt Nam”.

 

Để đạt được mục tiêu này, các nhà hoạch định và cơ quan tư vấn cần xây dựng đề án riêng, có tiêu chí cụ thể, thời gian thực hiện, trình Tổng cục Du lịch góp ý kiến, phê duyệt. Đề án VIE98 do tổ chức du lịch thế giới tài trợ kinh phí, thuê chuyên gia quốc tế lập cho Cửa Lò năm 1998 về quy hoạch phát triển du lịch Cửa Lò và các bài nghiên cứu về phát triển du lịch Cửa Lò bền vững là những vấn đề hữu ích trong việc xây dựng đề án. Ngoài ra, tiếp tục phát huy kết quả và kinh nghiệm thực hiện quy hoạch bãi tắm Cửa Lò những năm đầu của thế kỷ XXI do Viện quy hoạch đô thị Việt Nam lập, được UBND tỉnh phê duyệt. Theo quy hoạch này, trên lâm viên bãi tắm từ đảo Lan Châu đến quảng trường Bình Minh chỉ xây dựng 12 cụm Ki ốt dịch vụ không xây tường bao quanh, bằng chất liệu bê tông, nhưng làm giả tre nứa mang bản sắc địa phương, hài hòa với môi trường biển. Sau quy hoạch được duyệt, UBND thị xã Cửa Lò tiến hành một đợt giải tỏa rất quyết liệt,nên khách sạn Bến Thủy II, khách sạn Công Đoàn, nhà nghỉ Biển Á, nhà dịch vụ Trung tâm Văn hóa… ở phía đông đường Bình Minh thuộc địa bàn phường Thu Thủy đã tự giác tháo dỡ. Nhờ vậy, khu vực này đã trở nên thông thoáng, ô nhiễm môi trường được khắc phục. Đáng tiếc những năm gần đây lại cho xây dựng thêm nhiều Ki ốt xen dắm thành hàng, dày đặc trên khu vực được giải toả, làm che khuất tầm nhìn của du khách khi dạo bộ trên đường Bình Minh và ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường. Vì vậy, sắp tới, Cửa Lò rất cần một cuộc “cách mạng tháo dỡ” để trả lại không gian đã có. Đồng thời những người lập và duyệt quy hoạch phải có tư duy dự báo phát triển du lịch trong nước và thế giới trong thời gian tới, nhất là du lịch biển, để từ đó đề ra mục tiêu, giải pháp hợp lý, có tính khả thi cao cho phát triển du lịch Cửa Lò lâu dài.

 

Về đề án nâng cấp “Lễ hội du lịch Cửa Lò”, trước hết cần xác định tên gọi cho phù hợp với địa phương và nội dung của đề án đề ra. Theo tác giả, nên kết hợp 2 nội dung trước đây. Đó là “Lễ hội sông nước Cửa Lò” ra đời từ ngày đầu thành lập thị xã cho đến năm 2007. Từ năm 2008 đến nay, đổi tên gọi là "Lễ hội du lịch Cửa Lò" nhưng cách thức tổ chức lại giống lễ kỷ niệm, lễ động thổ,  lễ khánh thành..., vì chương trình nghệ thuật lại đi thuê qua một Công ty tổ chức sự kiện, tiền tốn bạc tỷ mà nội dung đơn điệu, lắp ghép, trong khi người dân và du khách đến Cửa Lò muốn thưởng thức một món ăn tinh thần "cây nhà lá vườn" do địa phương thực hiện thì lại chưa được quan tâm, đáp ứng.

 

Lễ rước kiệu trong Lễ hội sông nước Cửa Lò

 

Đối với chương trình giao lưu “Đượm tình khúc hát dân ca – nối vòng tay biển” do Đài PTTH Nghệ An phối hợp với UBND thị xã Cửa Lò thực hiện, đến nay, đã tổ chức lần thứ VIII. Những lần trước, chương trình được tổ chức vào tháng 6 hàng năm với sự tham gia của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình QG Lào và nhiều Đài PTTH trong nước. Năm 2014, chương trình chuyển thời gian tổ chức vào ngày 2 tháng 5, đúng vào dịp nghỉ lễ nên đã thu hút đông đảo khán giả nghĩ dưỡng ở Cửa Lò đến xem, do vậy, việc tuyên truyền, quảng bá cho du lịch Cửa Lò rất hiệu quả, lại tiết kiệm được kinh phí nhờ kết hợp sân khấu, âm thanh, ánh sáng tổ chức lễ hội du lịch ngày 30/4 và 1/5.

 

Chương trình "Đượm tình khúc hát dân ca - Nối vòng tay biển" lần thứ 7

 

Qua hoạt động thực tiễn cho thấy, việc nhập lại 2 sự kiện này là rất hợp lý, với tên gọi mới “Lễ hội Sông nước Cửa Lò – Nối vòng tay biển" tổ chức trong thời gian 3 ngày, từ 30 tháng 4 đến 2 tháng 5, hàng năm. Nội dung lễ hội trên cơ sở chọn lọc và bổ sung mới các hoạt động của 2 chương trình trên. Khi triển khai thực hiện, kịch bản tổ chức phần lễ, phần hội cần gắn các sự kiện lịch sử ở Cửa Lò, trong đó nhân vật lịch sử Thái úy, Quận công Nguyễn Sứ Hồi (đầu thế kỷ XV), người có công khai sơn, lập địa vùng đất Cửa Xá (nay là Cửa Lò), được Vua Lê Thánh Tông tin dùng, giao đưa quân trấn thủ 12 cửa biển từ Sầm Sơn - Thanh Hoá đến Cửa Việt - Quảng Trị, khi ông qua đời được nhân dân lập Đền thờ và tôn vinh “Thành hoàng Làng”, năm 1991 đền thờ Nguyễn Sư Hồi được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.

 

Trong chương trình lễ hội cũng cần bổ sung lễ phát động “Ngư dân ra khơi bám biển, mở đầu vụ đánh bắt cá nam”, nhất là trong tình hình bảo vệ biển, đảo hiện nay, gắn với hội “Đua thuyền truyền thống” của ngư dân vùng biển và lễ “Khai trương mùa tắm biển”, gắn tổ chức "Đua mô tô lướt sóng trên biển" để tạo ra sân chơi hấp dẫn cho du khách; Tổ chức nhiều trò chơi dân gian phong phú, mang bản sắc địa phương, tiếp tục làm tốt việc thực hiện xã hội hóa trong hoạt động lễ hội, để từng bước người dân địa phương chủ động thực hiện trong các hoạt động này.

 

Biết phát huy thế mạnh về biển, đảo, làm tốt công tác quy hoạch, bảo vệ môi trường, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá thông hình thức tổ chức lễ hội và giao lưu, tin tưởng rằng, thời gian tới, du lịch Cửa Lò sẽ phát triển nhanh và bền vững.     

                                                                                         

(Xuân Nhường)