Di chúc Hồ Chí Minh là di sản văn hóa quý giá của dân tộc
Không chỉ là một nhà chính trị, một anh hùng giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một người có tầm nhìn văn hóa lớn và có nhận thức sâu sắc về văn hóa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại một sự nghiệp văn hóa vô cùng trong sáng và đẹp đẽ, cách mạng hóa và hiện đại hóa nền văn học, nghệ thuật Việt Nam… Dù chỉ nhận là nhà cách mạng chuyên nghiệp, nhưng Người là tài sản tinh thần quý báu của Đảng ta và nhân dân ta, minh chứng cho cuộc đời hoạt động phong phú, sôi nổi cũng như tài năng của vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, có giá trị về chính trị và văn hóa.
Vấn đề phát triển văn hóa trong Di chúc Bác Hồ
Theo PGS.TS Hồ Trọng Hoài - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: “Các phẩm chất cao đẹp đó kết tinh ở Hồ Chí Minh, chi phối nhận thức, tình cảm và hoạt động của Người. Người trở thành nhà văn hoá chính trị. Người là nhà văn hoá chính trị bởi hành trang của Người trước khi trở thành một lãnh tụ chính trị vĩ đại của dân tộc là hành trang văn hoá. Các giá trị văn hoá đó, được quy tụ xoay quanh vấn đề con người, quê hương, đất nước mà rộng lớn nhất là nhân loại, hình thành một nhân sinh quan, một thế giới quan vì con người, thôi thúc Người hành động vì con người”.
Bác Hồ đã chỉ rõ về vai trò của văn hóa là “phải soi đường cho quốc dân đi”, “phải thiết thực phục vụ nhân dân, góp phần vào việc nâng cao đời sống vui tươi, lành mạnh của quần chúng”, “phải có ý nghĩa giáo dục” và “gắn liền với lao động sản xuất”, tức là gắn bó mật thiết với quá trình phát triển kinh tế.
TS Văn Thị Thanh Mai – Phó Tổng biên tập tạp chí Tuyên giáo đã khẳng định bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trí tuệ văn hoá của Người. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi văn hóa là một yếu tố quan trọng cấu thành đời sống xã hội, sự phát triển của văn hóa nằm trong mối liên hệ biện chứng với các yếu tố kinh tế và chính trị. Người từng quan niệm về văn hóa rằng: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá”.
Cũng vì thế, khi còn sống, Người đã đưa ra lời kêu gọi thi đua tới toàn dân không chỉ chống giặc đói, giặc ngoại xâm, mà còn phải chống cả giặc dốt. Trong bản Di chúc, Người vẫn nhấn mạnh: “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Người cũng gửi lời nhắc nhở, căn dặn qua Di chúc: “Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc”.
Văn hóa Đảng qua lời căn dặn của Bác Hồ
Đề cập về vấn đề phát triển văn hóa, Hồ Chủ tịch còn thể hiện sự trăn trở về việc xây dựng, củng cố Đảng trong sạch, vững mạnh, và nhấn mạnh muốn như vậy thì phải có văn hóa Đảng. Trong đó, Người nhận thấy đoàn kết chính là giá trị, sức mạnh và là hạt nhân đầu tiên để tạo nên văn hóa Đảng. Ngoài ra, Người căn dặn còn phải có trí tuệ, lương tâm để Đảng trở thành hình ảnh của phẩm giá, đạo đức con người Việt Nam.
Khi nghiên cứu sâu về điều này trong Di chúc của Người, TS Văn Thị Thanh Mai đã chỉ ra, điều cốt yếu mà Người muốn nhắc tới trong vấn đề xây dựng văn hóa Đảng chính là chủ nghĩa nhân văn, ý chí phấn đấu của mỗi một Đảng viên. Người đã dặn dò ở Di chúc rằng, muốn thực hiện thì “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”, mỗi cán bộ, Đảng viên phải “thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.
Bác Hồ rất quan tâm đến sự phát triển của con người với ý nghĩa là chủ thể sáng tạo của mọi giá trị văn hóa. Vì thế, Người dành nội dung dài nhất viết về “công việc đối với con người” trong Di chúc. Người chỉ ra rất nhiều việc phải hành động, coi đó là một cuộc cách mạng chính nghĩa và nhân văn, xuất phát từ lợi ích chính đáng của nhân dân và là hành trình đi đến những giá trị văn hóa đích thực nhất.
Thực tế phát triển văn hóa sau 45 năm
Sau 45 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Đảng ta đã thực hiện theo những lời hướng dẫn, căn dặn của Người về văn hóa, đặc biệt sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa được chú trọng, được phát huy mọi nguồn lực đầu tư và có sự gắn kết với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng Đảng. Vai trò của văn hóa còn có tác động trong đời sống kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và là một yếu tố cần thiết trong việc xây dựng con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, theo TS Văn Thị Thanh Mai, bên cạnh những thành tựu đạt được là những khó khăn, thử thách không nhỏ: “Kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp... Những hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường chậm được khắc phục; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức, lối sống... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi… Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân chuyển biến chậm. Còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị - xã hội”.
Theo Di chúc Hồ Chí Minh, còn phải chú trọng giải quyết các mối quan hệ giữa những lĩnh vực phát triển của xã hội với văn hóa để có được thành tựu tốt hơn theo lời dặn của Người: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”.
(Theo VOVnews)